
Thương mại điện tử, dịch vụ bán hàng tận nơi kéo thị trường bán lẻ lên giữa dịch Covid-19. Ảnh minh họa
Kết quả ít ỏi này đến từ ngành thương mại điện tử, kinh doanh mua sắm trực tuyến và dịch vụ giao hàng tận nơi.
Bán lẻ là một trong những mảng bị ảnh hưởng nặng nhất từ đại dịch Covid-19. Nỗi sợ hãi Covid-19 của người dân cùng với thời gian thực hiện giãn cách xã hội khiến hoạt động mua sắm hàng hóa, chi tiêu của người tiêu dùng giảm mạnh,... kéo ngành bán lẻ trong nước sụt giảm doanh thu chưa từng có.
Điều này khiến hầu hết các nhà bán lẻ, kinh doanh những mặt hàng không thiết yếu trong tháng vừa qua gần như không có doanh thu như nhóm mặt hàng thời trang, đồ lưu niệm,...
Cụ thể theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ hàng hóa trong tháng 4 vừa qua trên cả nước chỉ đạt 257,4 ngàn tỉ đồng, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cũng dễ hiểu khi mà các hoạt động thương mại của hầu hết nhà kinh doanh và doanh nghiệp trên cả nước gần như bị đóng băng do lệnh cách ly xã hội và người dân thắt chặt chi tiêu (ngoại trừ những mặt hàng thiết yếu).
Tính chung 4 tháng đầu năm nay, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 1.224,5 nghìn tỉ đồng, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, lương thực, thực phẩm vẫn tăng được 4,8%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình giảm 1,2%; may mặc giảm 4,4%; phương tiện đi lại giảm 6,4%; vật phẩm văn hoá, giáo dục giảm 10%.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 4 tháng đầu năm nay vẫn tăng nhẹ là do hình thức mua sắm trực tuyến, giao hàng tận nơi được người tiêu dùng ưa chuộng trong thời gian gần đây.
Trong khi đó, tại các Trung tâm thương mại, theo quan sát của các công ty quản lý bất động sản bán lẻ, lưu lượng khách đến mua sắm bắt đầu giảm từ tháng 2 và đến cuối tháng 3 đã giảm xấp xỉ 80% tại các điểm bán. Đáng chú ý, qua tháng 4 gần như bị đóng băng do phần lớn của thời gian trong tháng này phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh.
Theo ý kiến của các chuyên gia, doanh thu các ngành hàng giảm khác nhau trong thời kỳ ảnh hưởng của Covid-19: Các ngành hàng buộc phải đóng cửa như giáo dục gần như không có doanh thu, trong khi đó các ngành hàng thời trang, phụ kiện giảm 80-90%...

Doanh số bán lẻ hàng hóa 4 tháng đầu năm và tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái
Tuy nhiên, giới chuyên gia lại cho rằng, đây là cơ hội để ngành bán lẻ đổi mới…. Người dân đã hạn chế mua sắm trực tiếp và chuyển qua mua sắm online.
Nghiên cứu của các công ty nghiên cứu thị trường cũng chỉ ra rằng, hành vi tiêu dùng của người dân chịu tác động lớn của dịch Covid-19 khi người dân tăng cường tích trữ phòng ngừa các sản phẩm thiết yếu; tránh tụ tập đông người và thường xuyên mua hàng online..
Và trên thực tế trái ngược với bức tranh ảm đạm của các trung tâm thương mại, cửa hàng truyền thống dưới sự ảnh hưởng của dịch bệnh, kinh doanh mua sắm trực tuyến và giao hàng tại nhà lại có mức tăng trưởng khả quan.
Theo CBRE Việt Nam, trong số những tên tuổi lớn ở lĩnh vực thương mại điện tử, Tiki phát triển với tốc độ nhanh và đạt kỷ lục 4.000 đơn hàng/ phút, SpeedL và Saigon Co.op có sự gia tăng theo cấp số nhân trong kênh bán hàng trực tuyến. Mặt khác, Grab đã kích hoạt một nền tảng mới 'GrabMart' để phục vụ nhu cầu mua sắm thực phẩm tại nhà của khách hàng. Chuỗi bán lẻ Big C cũng tăng cường bán hàng qua điện thoại, đi chợ giúp khách hàng,... cũng mang lại sự tăng trưởng cao.
Đây là những động thái rất nhanh thích ứng với thị trường từ phía các đơn vị bán lẻ. Thị trường bán lẻ trực tuyến, mặc dù tăng trưởng nhanh trong vòng vài năm vừa qua (tăng trung bình 39% trong 5 năm), cao hơn mức tăng của thị trường bán lẻ truyền thống (tăng trung bình 10% trong 5 năm), vẫn chỉ chiếm chưa đến 4% tổng doanh thu bán lẻ tại Việt Nam. Và theo giới phân tích qua khó khăn của dịch bệnh này, các nhà bán lẻ cần phải thay đổi và linh hoạt hơn để ứng phó trong tình hình thói quen người tiêu dùng ngày càng thay đổi nhanh.
Bà Võ Thị Phương Mai, Phó Giám đốc - Trưởng Bộ phận dịch vụ Mặt bằng bán lẻ của CBRE Việt Nam, nhận định rằng Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến kênh mua sắm truyền thống nhưng đồng thời tạo ra nhiều cơ hội tăng trưởng tích cực cho các mô hình bán hàng vừa và nhỏ như cửa hàng tiện lợi, hiệu thuốc và đặc biệt là lĩnh vực thương mại điện tử.
Thương mại điện tử là một điểm sáng làm thay đổi xu hướng phát triển của thị trường bán lẻ nhằm hỗ trợ việc kinh doanh liên tục ở các cửa hàng truyền thống trong thời gian dịch bệnh bùng phát, đồng thời giúp cho khả năng bán hàng đa kênh sẽ linh hoạt và vượt trội hơn trong thời gian tới.