
Phát triển nguồn năng lượng mặt trời tại Việt Nam đang gặp nhiều trở ngại
Năm 2017, nhằm khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời ở Việt Nam, trong đó có ưu đãi về vốn và thuế; ưu đãi về đất cũng như giá bán điện (9,35 UScents/kWh). Chính cơ chế này đã tạo nên một “làn sóng” đầu tư vào các dự án điện mặt trời trong thời gian qua.
Tuy nhiên, quy định hiện hành về khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời vẫn còn gặp một số vướng mắc về quy trình đấu nối; mâu thuẫn với quy định về thuế trong việc bán lại sản lượng điện dư của các dự án điện mặt trời áp mái...
Ông Lê Mạnh Hòa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư TM&DV Việt Nam Toàn Cầu (VNG) cho biết, hiện nay, năng lượng mặt trời ở Việt Nam chủ yếu sử dụng để làm nóng nước cung ứng cho nhà tắm và sử dụng tấm pin. Gần như tất cả các nhà đầu tư điện mặt trời ở Việt Nam tập trung đầu tư điện mặt trời dùng tấm pin (PV module) tế bào quang điện chuyển hóa thành điện năng. Nhược điểm của tấm pin năng lượng là chỉ phát điện được ban ngày, muốn có điện ban đêm đòi hỏi phải đầu tư hệ thống ắc quy lưu trữ khá tốn kém. Trên thế giới, có ứng dụng công nghệ hứng nắng phản chiếu vào tấm gương để nung tháp nhiệt và dẫn nhiệt chạy tua bin hơi nước. Công nghệ này có thể phát điện cả ban ngày lẫn ban đêm và đã phát triển nhiều năm trước tại Tây Ban Nha, Hoa Kỳ và mới ngày 31/12/2019 vừa qua thì Trung Quốc vừa khánh thành nhà máy nhiệt điện sử dụng năng lượng mặt trời kiểu này.
Việc chậm trễ ban hành quy định giá điện sau 30/6/2019 không ít thì nhiều gây khó khăn cho các nhà đầu tư đã tiến hành thi công dự án, nhà thầu thi công dự án vì tất cả đã huy động nguồn lực để triển khai dự án nhưng vẫn chưa có hướng dẫn giá điện chính thức kể từ 01/7/2019. Tất cả cho đến nay vẫn dừng lại ở dự thảo trình Thủ tướng vào ngày 31/12/2019 của Bộ Công Thương.

Tổ hợp cung cấp hơi nước nóng công nghiệp RAM PHARMA, Amman, Jordani khánh thành vào năm 2017
Theo ông Bùi Văn Phi, Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Liên doanh Phát triển Điện Năng lượng CRC Energy: "Nhà nước cần tính toán khoản bù đắp cho nhà đầu tư ảnh hưởng do ban hành quy định mới bị chậm. Khoản bù đắp không hẳn là tiền, mà có thể quy thành miễn thuế một giai đoạn, miễn và giảm khoản phải nộp của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư ở vùng kinh tế khó khăn như Ninh Thuận, Tây Nguyên, doanh nghiệp có thuê lao động là người thiểu số,...".
Ông Phi cũng cho rằng, quy định đầu tư điện mái nhà trên 1MW phải trình xin Bộ Công Thương gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất sử dụng nhiều điện năng mà sở hữu mái nhà lớn muốn đầu tư điện mặt trời mái nhà vì doanh nghiệp phải mất công xin thủ tục tại Bộ thay vì chỉ xin tại Điện lực địa phương. Nhà nước nên xem xét và giao cho Điện lực địa phương cấp phép điện mái nhà đối với doanh nghiệp sử dụng điện năng nhiều mà muốn làm hệ thống điện mặt trời. Qua đó, cũng làm giảm áp lực cung ứng điện từ Điện lực do thiếu hụt.
Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên nắng vô tận. Nhà đầu tư, Nhà nước có thể chung tay lập các dự án sử dụng điện mặt trời theo hướng đa dạng hơn là chỉ phụ thuộc vào tấm pin. Ngoài ra, như chúng ta đều biết có các công nghệ năng lượng mặt trời hơi nước: dùng nắng để tích nhiệt đun hơi nước sử dụng trong các ngành công nghiệp rất hiệu quả.