Cây mắc ca có ý nghĩa 'quốc kế, dân sinh', mang lại hiệu quả kinh tế và giải quyết rất nhiều việc làm cho người dân
Bước đầu thành công
Cây mắc ca (Macadamia) có xuất xứ từ Australia và chỉ mới xuất hiện ở nước ta vào năm 1994. Từ 10 cây đầu tiên được Trung tâm nghiên cứu giống cây rừng thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam gieo trồng thử nghiệm tại Ba Vì (Hà Nội), sau khi nghiên cứu thấy sản lượng và chất lượng đều tốt, đến năm 2004 nước ta tiến hành trồng đại trà. Trong đó, 2 vùng có điều kiện khí hậu phù hợp với cây mắc ca nhất là Tây Bắc và Tây Nguyên.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến nay cả nước có 23 tỉnh trồng cây mắc ca, với diện tích trên 16,5 nghìn ha. Trong đó, 9 tỉnh nằm trong quy hoạch ở 2 vùng Tây Bắc và Tây Nguyên trồng trên 15,4 nghìn ha, tăng 55% diện tích so với quy hoạch, còn lại hơn 1.000ha nằm rải rác tại 14 tỉnh khác chưa có trong quy hoạch.
Năm 2020 các tỉnh dự kiến thu hoạch gần 6,6 nghìn tấn hạt tươi, tăng gần 24,5 lần so với năm 2015. Với giá bán sản phẩm dạng hạt sấy khoảng 200 triệu đồng/tấn như hiện nay, ước tính hơn 4.000 tấn hạt sấy sẽ mang lại trị giá khoảng 788 tỷ đồng, trong đó 60% xuất khẩu, còn lại phục vụ tiêu dùng trong nước.
Cả nước hiện có 10 doanh nghiệp liên kết với người dân để phát triển cây mắc ca, chủ yếu là cung cấp giống, tiêu thụ sản phẩm. Một số công ty đang thực hiện thủ tục đầu tư để xây dựng nhà máy chế biến hạt mắc ca với công nghệ hiện đại, quy mô lớn tại Đắk Lăk, Lâm Đồng, Lai Châu và Điện Biên. Các doanh nghiệp đầu tư trồng cây mắc ca đã tạo khoản tiền công từ trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế hạt mắc ca, đem lại mức thu nhập ổn định cho người lao động, cải thiện đời sống người dân.
Đến nay, mắc ca của Việt Nam đã xuất khẩu với sản lượng trên 2,4 nghìn tấn sản phẩm sấy/năm tới thị trường các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp. So sánh với ngành trồng cà phê - lĩnh vực xuất khẩu chiếm vị trí thứ 2 thế giới của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, mắc ca là cây “đi sau về trước”, phát triển bước đầu ở Việt Nam đã thành công.
Cần một chiến lược phát triển
Theo Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, trên thế giới hiện có khoảng 78 triệu người sử dụng nhân mắc ca hàng ngày. Hiện nay, mắc ca chỉ chiếm 1% trong tổng sản lượng 10 loại quả hạt khô cao cấp. Tuy nhiên theo dự báo, trong vòng 10 năm tới, tỷ lệ này có thể lên tới 5% đến 10% (tức là khoảng 620.000 tấn/năm).

Phát triển mắc ca phải chú trọng đến liên kết 4 'nhà': Nhà nước - Nhà nông - Nhà đầu tư - Nhà khoa học
Bên cạnh các thị trường truyền thống như Mỹ, Đức, Úc, Nhật Bản, Đài Loan, hiện nhiều thị trường tiêu thụ mắc ca cũng đang nổi lên như Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, các quốc gia Trung Đông. Tốc độ tăng trưởng thị trường mắc ca thế giới hiện khoảng 12%/năm. Riêng tại Trung Quốc, mức tiêu thụ ước tăng tới 50%/năm.
Tại Việt Nam, hạt mắc ca bước đầu cũng được đón nhận. Lượng người tiêu dùng sản phẩm mắc ca từng bước mở rộng do mức sống ngày càng được nâng cao và đặc biệt là do nhận thức ngày càng mở rộng về các lợi ích do hạt mắc ca mang lại.
Mục tiêu đặt ra là, phát triển bền vững cây mắc ca vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và các vùng, tỉnh có điều kiện khí hậu, đất đai tương tự đảm bảo hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường. Từ đó hình thành hệ thống cơ sở chế biến từng bước hiện đại, gắn với phát triển nguồn nguyên liệu, để sản xuất các sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, việc phát triển cây mắc ca nước ta cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại. Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, công tác quản lý giống cây mắc ca tại một số địa phương chưa được quan tâm nên vẫn có hiện tượng kinh doanh giống không nguồn gốc, chất lượng kém; Công tác nghiên cứu chọn giống tốt đòi hỏi thời gian dài với chi phí lớn; Việc tiếp cận, nắm bắt thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu còn hạn chế cũng là một thách thức trong phát triển sản xuất.
Theo ông Huỳnh Ngọc Huy, Tổng Thư ký Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, phát triển mắc ca phải chú trọng đến liên kết 4 “nhà”: Nhà nước tạo cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển; Nhà nông sử dụng đất đai, lao động để sản xuất; Nhà đầu tư cung cấp vốn đầu tư, công nghệ thu mua, chế biến và kết nối thị trường; Nhà khoa học nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhà nông và doanh nghiệp. Hiệp hội Mắc ca Việt Nam là sợi dây liên kết các “nhà”.
Tại Hội nghị Kết quả phát triển cây mắc ca tại Việt Nam thời gian qua; định hướng và giải pháp phát triển trong thời gian tới diễn ra sáng 29/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, rất hiếm có loại cây nào mà tăng trưởng đến 24%/năm, giúp người dân vùng sâu, vùng xa xóa đói, giảm nghèo, góp phần làm giàu và bảo vệ môi trường, an ninh quốc gia tốt như mắc ca.
Thủ tướng yêu cầu cần có một chiến lược phát triển mới cho cây mắc ca. Điều kiện cần đặt ra là phải hình thành chuỗi liên kết sản xuất doanh nghiệp là nòng cốt. Hiệp hội chủ lực và người dân là quan trọng. Từ đó có cái nhìn tổng thể để có tầm nhìn trong quy hoạch, dự báo, đầu tư, chế biến, xuất khẩu... “Phải tập trung quy hoạch phát triển cây mắc ca cho vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, còn các nơi khác xem xét cho thí điểm trước khi kết luận trồng đại trà... Các ngành ngân hàng, tài chính cần dành nguồn vốn hỗ trợ trồng mắc ca cho người dân với những chính sách cụ thể về lãi suất và những ưu đãi cần thiết khác... Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có một nghị định về cây mắc ca nhằm giúp việc phát triển cây mắc ca ở nước ta ngày càng hiệu quả, chất lượng, bền vững”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết.