(VLR) hành trình đưa thương hiệu vượt khỏi biên giới quốc gia không chỉ chờ đợi “hữu xạ tự nhiên hương” mà cần đến những nỗ lực, chiến lược kinh doanh táo bạo của các doanh nghiệp (DN) Việt.
Đại diện Vinamilk giới thiệu đến người tiêu dùng Nga những sản phẩm chất lượng, đa dạng của Vinamilk
Thời gian qua, với sự đồng hành của Chính phủ, nhiều DN đã chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ góp phần hoàn thành những “giấc mơ lớn”, đưa thương hiệu quốc gia (THQG) vươn tầm quốc tế.
Nỗ lực bứt phá
Được thành lập từ năm 1976, sau gần 43 năm đổi mới và phát triển, Vinamilk đã vươn lên và khẳng định vị thế thương hiệu sữa hàng đầu Việt Nam với hơn 200 chủng loại sản phẩm dinh dưỡng các loại. Vinamilk hiện chiếm hơn 50% thị phần ngành sữa cả nước. Không chỉ tập trung phát triển thị trường trong nước, Vinamilk còn mang THQG của Việt Nam đến tay người tiêu dùng tại 43 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có các thị trường tiêu chuẩn cao như Nhật Bản, Mỹ, Canada, Australia, New Zealand. Từ năm 1997 đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của Vinamilk đã đạt khoảng 2 tỷ USD.
Vinamilk chỉ là một trong nhiều ví dụ điển hình minh chứng cho sự bứt phá ngoạn mục của DN trong việc tiên phong đưa các sản phẩm thương hiệu Việt Nam tới gần hơn với người tiêu dùng toàn cầu. Ngoài ra, còn rất nhiều các THQG khác như Viettel, Vietnam Airlines, Hòa Phát, Kềm Nghĩa, Pinaco, Nutifood… không những thành công ở thị trường nội địa mà còn ghi đậm dấu ấn trên thị trường thế giới, từ đó quảng bá và giúp thương hiệu Việt Nam thăng hạng.
Theo công bố bảng xếp hạng 100 THQG giá trị nhất thế giới năm 2018 của Brand Finance (hãng tư vấn định giá thương hiệu nổi tiếng của Anh), thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá 235 tỷ USD và xếp thứ 43 thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, giá trị thương hiệu Việt Nam hiện xếp thứ 6. Brand Finance cho rằng, Việt Nam đạt kết quả đó là do đóng góp của Chương trình THQG - Vietnam Value và nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Chính phủ.
Thước đo sức khỏe DN
Hiện nay, chiến lược cạnh tranh bằng thương hiệu đang diễn ra rất mạnh mẽ và sâu rộng, không chỉ dừng lại ở cấp độ DN mà đã phát triển lên mức độ địa phương, ngành hàng và thậm chí ở cấp quốc gia. Đó cũng là lý do, từ năm 2018, Chính phủ triển khai Chương trình THQG nhằm khuyến khích DN theo đuổi các giá trị “Chất lượng - Đổi mới, Sáng tạo - Năng lực tiên phong” để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển DN. Trải qua 6 kỳ bình chọn (2 năm/lần), các DN đã chứng tỏ sự ổn định, nhất quán trong thương hiệu sản phẩm của mình.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, trong bối cảnh hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, bên cạnh những cơ hội mà những hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết cũng như đang đàm phán với các đối tác quốc tế thì cũng có rất nhiều thách thức cho DN Việt Nam. Tuy nhiên, Chính phủ chỉ đồng hành, hỗ trợ DN trong việc quảng bá sản phẩm, thương hiệu DN ra thị trường trong nước và quốc tế, cũng như nâng cao năng lực về xây dựng, phát triển, quản trị thương hiệu chứ không làm thay DN.
Mới đây, tại buổi gặp mặt 97 DN có sản phẩm đạt THQG năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, sức khỏe của DN chính là sức mạnh của nền kinh tế. Thương hiệu chính là nhiệt kế, là thước đo quan trọng hàng đầu cho sức khỏe của DN.
Có thể nói thương hiệu có ý nghĩa sống còn đối với một DN trong thời đại kinh tế hội nhập, cạnh tranh. Nếu DN không chú trọng xây dựng thương hiệu, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình kinh doanh, thậm chí thua ngay trên sân nhà. Vì vậy, ngay từ bây giờ, các DN cần tổ chức lại các khâu từ sản xuất đến phân phối, quảng bá... mang tính chuyên nghiệp hơn. Cùng với đó, tiếp tục đầu tư sản xuất hàng hóa có tính cạnh tranh về giá cả, chất lượng, để tận dụng ưu thế của Chương trình THQG đang ngày càng lan tỏa mạnh mẽ.
Theo Kinh tế đô thị
Ý kiến bạn đọc
Chưa có ý kiến nào. Hãy là người để lại ý kiến đầu tiên.
Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận được khởi công lần đầu từ năm 2009, đến nay, sau 10 năm vẫn chưa thể hoàn thành. Vừa qua, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT đề xuất các giải pháp triển khai tiếp dự án cao tốc BOT Trung Lương - Mỹ Thuận vốn đang bế tắc.
“Nông nghiệp là cánh đồng màu mỡ nhất để sáng tạo, khởi nghiệp và đầu tư ứng dụng công nghệ mới”, đó là khẳng định của Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ và Thương mại Appa Group Nguyễn Hữu Việt – người đã nuôi dưỡng và phát triển thành công Hệ thống nông nghiệp thông minh APPA - N1, từng lọt Top 10 cuộc thi Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia - Techfest Việt Nam 2018.
Hiện FDI tại Việt Nam chỉ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất chứ chưa đầu tư ở các lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng cao khác như tài chính, nghiên cứu và phát triển (R&D),… theo ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của IFC tại Việt Nam, Lào, Campuchia.