
Trong tháng 12/2020, sản lượng thông qua cảng SP-ITC đạt gần 60.000TEUs, mức sản lượng kỷ lục sau hơn 4 năm cảng đi vào hoạt động và tăng đến 166% so với cùng kỳ
Trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Việt Nam dẫn đến giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc vào đầu tháng 4/2020, nhiều nhà máy, xí nghiệp hạn chế sản xuất khiến cho lượng hàng thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam nói chung, và cảng SP-ITC nói riêng bị giảm đáng kể. Cụ thể, tại cảng SP-ITC, sản lượng tháng 4, tháng 5 và tháng 6 giảm tương ứng 39%, 33% và 26% so với cùng kỳ năm 2019.
Trước những khó khăn đó, Ban Lãnh đạo cảng SP-ITC đã xác định mục tiêu phải đảm bảo chất lượng dịch vụ để giữ chân khách hàng, đồng thời tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng và tăng cường các ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, kiên nhẫn chờ đợi các hoạt động sản xuất
phục hồi. Trong giai đoạn này, SP-ITC đã phối hợp với các hãng tàu để triển khai lệnh giao hàng điện tử (eDO). Với eDO, khách hàng không cần phải đến văn phòng hãng tàu để nhận lệnh giấy và mang lệnh đến cảng làm thủ tục mà có thể làm thủ tục nhận hàng trực tuyến. Hiện nay, SP-ITC đã triển khai eDO với các hãng tàu lớn trên thế giới là Maersk, MSC, CMA-CGM, Hapag-Lloyd, TS Lines và đang tích cực triển khai với các hãng khác như Evergreen, ZIM,...
Với những nỗ lực không mệt mỏi, trong quý III/2020, SP-ITC đã kéo giảm mức giảm sản lượng xuống dưới 20%, tạo đà cho mùa cao điểm xuất nhập khẩu hàng hóa vào các tháng cuối năm. Trong giai đoạn này, SP-ITC đã tăng cường làm việc với các khách hàng trực tiếp, đặc biệt là khách hàng sử dụng dịch vụ đóng rút tại cảng để tối ưu hóa nguồn lực khai thác cảng, đa dạng hóa dịch vụ cung cấp. Kết quả thu được rất ấn tượng, SP-ITC đã thuyết phục thành công các khách hàng xuất khẩu xơ dừa, hàng lạnh sử dụng dịch vụ đóng hàng tại cảng,
đồng thời thu hút thêm các khách hàng xuất khẩu gạo với các chính sách linh hoạt và chất lượng dịch vụ đạt tiêu chuẩn. Đồng thời, để đồng hành cùng khách hàng vượt qua những ảnh hưởng của dịch COVID-19, SP-ITC đã ban hành chính sách miễn phí đảo chuyển container tại bãi cảng từ ngày 17/8 và khách hàng đánh giá rất cao sự hỗ trợ này từ SP-ITC.
Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp dần đi vào ổn định. Và sự chuẩn bị của SP-ITC đã được đền đáp, sản lượng thông qua cảng vào tháng 10/2020 đã ghi nhận mức tăng trưởng 7% so với cùng kỳ.
Nhưng giai đoạn cuối quý III - đầu quý IV/2020 lại là một giai đoạn khó khăn với các hãng tàu và khách hàng. Mặc dù, hoạt động xuất nhập khẩu đã ổn định trở lại, nhưng do ảnh hưởng của nhiều cơn bão ở biển Đông và Thái Bình Dương, lịch trình nhiều tuyến hàng hải bị ảnh hưởng và các con tàu phải chờ cập cầu nhiều ngày tại một số cảng trong khu vực khiến chuỗi cung ứng của nhiều doanh nghiệp bị trì trệ. Để hỗ trợ các tàu bắt kịp lịch trình, cảng SP-ITC đã hợp tác chặt chẽ với các hãng tàu và tiếp nhận gần 30 chuyến tăng cường trong tháng 10 và 11. Mặc dù, lịch cầu bến của cảng trở nên khá căng thẳng nhưng tập thể cán bộ và nhân viên cảng vẫn nỗ lực tiếp nhận và giải phóng tàu nhanh chóng.
Ngày 11/12/2020, cảng SP-ITC đã tiếp nhận tàu Cape Monterey, tàu đầu tiên của tuyến dịch vụ C2A của hãng tàu ZIM cập cảng làm hàng, C2A cũng là tuyến dịch vụ duy nhất trên thị trường hiện nay kết nối trực tiếp cảng biển Việt Nam với Úc
Cũng từ đầu tháng 12, SP-ITC tiếp tục ghi dấu ấn trên thị trường khai thác cảng khi đã triển khai thành công việc áp dụng phiếu giao nhận container điện tử (eEIR), trở thành cảng đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng thành công tính năng này. Đây là bước phát triển đột phá không chỉ của riêng SP-ITC mà còn là của cả ngành vận tải container Việt Nam khi hướng đến việc hiện đại hóa giao dịch tại cảng, bên cạnh các lợi ích về lưu trữ thông tin và bảo vệ môi trường, eEIR còn giúp giảm lượng thời gian các xe phải dừng chờ ở cổng cảng, qua đó giúp xe quay vòng nhanh hơn.
Những nỗ lực của SP-ITC đã được các hãng tàu và doanh nghiệp xuất nhập khẩu đánh giá cao và tăng cường ủng hộ cảng với nhiều chuyến tàu và nhiều chuyến hàng hơn. Trong tháng 12/2020, sản lượng thông qua cảng SP-ITC đạt gần 60.000TEUs, mức sản lượng kỷ lục sau hơn 4 năm cảng đi vào hoạt động và tăng đến 166% so với cùng kỳ. Vào ngày 11/12/2020, SP-ITC khép lại hành trình vượt khó năm 2020 với sự kiện đón tàu Cape Monterey của tuyến dịch vụ C2A của hãng tàu ZIM cập cảng, C2A cũng là tuyến dịch vụ duy nhất trên thị trường hiện nay kết nối trực tiếp cảng biển Việt Nam với Úc.
Với những thành quả đạt được trong năm 2020, SP-ITC trở thành điểm sáng của ngành cảng biển Việt Nam trong việc khắc phục khó khăn, giữ vững sự phát triển trước ảnh hưởng của COVID-19. Trong những năm tới, SP-ITC sẽ kiên định với những chiến lược tập trung vào chất lượng dịch vụ và tăng cường ứng dụng công nghệ vào hoạt động khai thác nhằm tiếp tục khẳng định vị thế là cảng container quốc tế hàng đầu tại Việt Nam.