
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa thông xe đã hỏng và hàng loạt sai phạm liên quan đến nhiều nhà thầu thi công đã bị khởi tố, điều tra
Ngày 19/6, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 117 về việc chuyển đổi phương thức đầu tư 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông (Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây) từ hình thức PPP sang sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước.
Theo thông tin tại Hội nghị tiền đấu thầu được Ban QLDA Thăng Long và Ban QLDA 7 (thuộc Bộ GTVT) tổ chức vào chiều 14/8, tính đến ngày 13/8, đã có 120 nhà thầu độc lập hoặc liên danh đã mua gần 300 bộ hồ sơ để tham gia đấu thầu tại 13 gói thầu xây lắp của 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông.
Để đảm bảo mục tiêu khởi công các dự án đúng theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cũng đã xác định:“Chất lượng công trình là ưu tiên hàng đầu, nên đấu thầu phải tổ chức tuyển chọn được các nhà thầu có năng lực tốt về nhân lực, trang thiết bị và tài chính, có kinh nghiệm để thi công dự án”.
Tuy nhiên, trước thời điểm chọn lựa nhà thầu cho 3 dự án này, hàng loạt vấn đề được đặt ra. Bộ GTVT tuyên bố chọn nhà thầu có năng lực về nhân lực, trang thiết bị, tài chính, kinh nghiệm nhưng không đề cập đến những nhà thầu đã vi phạm tại các dự án trước đó có được ứng tuyển hay không? Bởi, quá trình điều tra của cơ quan chức năng chưa kết thúc, rủi ro hoàn toàn có thể xảy ra khi nhà thầu trúng thầu tại Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông nhưng bị kết án sai phạm tại Dự án Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Trao đổi với phóng viên, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội, cho rằng: “Các cơ quan, đại biểu của Quốc hội, phải tham gia giám sát xuyên suốt việc thực hiện Nghị quyết 117 tại cao tốc Bắc – Nam phía Đông, không để xảy ra những sai phạm như tại đoạn cao tốc ĐN - QN, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Trong công tác sàn lọc tuyển chọn nhà thầu cần phải công khai, đúng luật, kiên quyết loại bỏ những nhà thầu dính phốt sai phạm. Đối với những ứng viên dự thầu mà từng bị “điểm danh” liên quan đến sai phạm như trường hợp các công ty bị Bộ Công an nêu tên tại cao tốc ĐN – QN, là trường hợp phải bị điểm âm về năng lực và “hạnh kiểm””.

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội khoá XIV
“Tôi cho rằng, Bộ GTVT cần tuyển chọn những nhà thầu có đủ năng lực thực tế đã được minh chứng qua những công trình giao thông trọng điểm quốc gia. Đặc biệt nên ưu tiên tuyển chọn những nhà thầu không chỉ đảm bảo tốt chất lượng công trình, được xã hội đánh giá cao, mà còn tiết giảm đáng kể cho ngân sách nhà nước”, ông Lưu Bình Nhưỡng nêu ý kiến.
Bài học từ dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi vừa thông xe đã hỏng không chỉ khiến cho ngân sách chịu thêm nhiều gánh nặng và thiệt hại, mà còn là cú sốc về niềm tin, dấy lên sự lo ngại của xã hội đối với công tác đầu tư công. Và những cái tên nhà thầu “dính chàm” không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án cao tốc ĐN-QN như kết luận của Bộ Công an, vẫn đang ám ảnh lòng tin của người dân.
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, tại 03 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Bộ GTVT cần sàng lọc kỹ, kiên quyết loại bỏ những ứng viên nhà thầu có lịch sử “dính chàm” sai phạm. Qua đó, tránh được những vướng mắc, hệ luỵ đáng tiếc có thể xảy ra như tại cao tốc ĐN– QN, đồng thời làm tấm gương mẫu mực cho 5 dự án thành phần còn lại.