Xã hội hóa việc đầu tư
Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (NQ13) đã nêu rõ “thu hút mạnh các thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm lợi ích thỏa đáng của nhà đầu tư, mở rộng hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm…”. Thực hiện tinh thần NQ13, Chính phủ Việt Nam xác định việc thực hiện nhiệm vụ đa dạng hóa các hình thức huy động vốn; đẩy mạnh đầu tư theo phương thức PPP để huy động tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong một số lĩnh vực không cần thiết đầu tư công, vai trò của Nhà nước cần phải thấp xuống, còn vai trò của tư nhân phải cao hơn. “Đến nay Đảng và Nhà nước đều nhận thức cần thiết phải xã hội hóa việc đầu tư các dự án”, Thủ tướng khẳng định.
Theo các chuyên gia kinh tế, sử dụng hình thức đầu tư PPP được xem là giải pháp hiệu quả để phát triển hạ tầng cũng như trong các lĩnh vực: giáo dục, đào tạo, dạy nghề, văn hóa, thể thao... trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư của cả xã hội là rất lớn, trong khi vốn đầu tư của Nhà nước lại có giới hạn. Không chỉ giải quyết vấn đề về vốn, cơ chế PPP sẽ giải quyết được cả việc quản lý chất lượng công trình sau đầu tư.
Thống kê của Bộ Giao thông vận tải cho thấy, từ việc đầu tư PPP, hàng nghìn km QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên đã được cải tạo nâng cấp; nhiều công trình lớn như các cầu Cổ Chiên, Rạch Miễu, Việt Trì, Yên Lệnh, các hầm đường bộ Đèo Cả, Hải Vân… đã được đưa vào sử dụng. Bộ Công Thương cũng cho biết, kể từ khi có NQ13, ngành điện đã thu hút hàng trăm nghìn tỷ đồng vào các dự án BOT cung cấp điện có quy mô rất lớn với sự tham gia của cả nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài và trong nước...
Theo thống kê, tại thời điểm đầu năm 2019, cả nước có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng. Trong đó, 140 dự án áp dụng loại hợp đồng BOT, 188 dự án áp dụng loại hợp đồng BT và 8 dự án áp dụng các loại hợp đồng khác. Qua đó, đã huy động được khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, góp phần tích cực hoàn thiện chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, hạ tầng đô thị, xử lý nước thải, rác thải,... kịp thời giải quyết các nhu cầu bức xúc về dịch vụ công của người dân và nhu cầu cấp bách về cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội đất nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kích cầu đối với sản xuất trong nước.

Tiếp cận thông lệ quốc tế
Thực tế, tại Việt Nam, mô hình đầu tư theo hình thức PPP được thực hiện từ năm 1997 khi Chính phủ ban hành Nghị định 77/NĐ-CP về quy chế đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT áp dụng cho đầu tư trong nước. Trải qua nhiều lần bổ sung, sửa đổi, mô hình đầu tư PPP từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế.
Hiện nay, việc đầu tư theo hình thức PPP và nội dung lựa chọn NĐT được quy định tại Nghị định số 63/2018/NĐ-CP ngày 04/5/2018 (NĐ 63/CP) và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ (NĐ 30/CP). Qua đó, về nguồn vốn thực hiện dự án, NĐT chịu trách nhiệm góp vốn chủ sở hữu và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án theo hợp đồng dự án đã ký kết, dựa trên nguyên tắc tỷ lệ vốn góp quy định tại NĐ 63/CP. Riêng đối với hợp đồng BT, NĐT phải đáp ứng thêm yêu cầu về vốn chủ sở hữu (nếu có) theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan để thực hiện dự án khác.
Phần vốn góp của Nhà nước được sử dụng để hỗ trợ xây dựng công trình nhằm đảm bảo tính khả thi tài chính cho dự án, được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công, tuy nhiên không áp dụng đối với dự án BT.
Vốn hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư cũng được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công.
Nhà đầu tư tin vào luật
Sáng 11/11/2019, Chính phủ chính thức trình dự thảo Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) để Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Tại buổi thảo luận tại tổ của Quốc hội diễn ra cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng,
nguồn lực trong dân còn rất lớn nhưng nếu không có pháp luật bảo vệ thì người dân không đầu tư. Cũng theo Thủ tướng, các NĐT họ tin luật, không tin nghị định, vì vậy phải có luật thì họ mới làm vì luật mới bảo vệ cho NĐT. “Hiện nay do pháp luật còn chồng chéo, vướng mắc nên NĐT chưa nhiệt huyết đầu tư vào Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, việc ban hành Luật PPP là cần thiết để người dân có sản phẩm dịch vụ công tốt nhất. Và, các NĐT phải biết đầy đủ thông tin để khi vào đầu tư sẽ cân nhắc xem dự án có nên tham gia và phù hợp với năng lực của mình hay không? Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, “chúng ta” có rất nhiều quyền, nhưng NĐT có một quyền là quyết định bỏ tiền đầu tư hay không? Ông nói “Luật PPP phải thiết kế được các quy định bình đẳng, hấp dẫn và đảm bảo an toàn, ổn định để NĐT sẵn sàng bỏ tiền, yên tâm làm ăn”.