
Thủ tướng "Xắn tay áo"
Từ đầu tháng 7 đến nay, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) từ Bộ trưởng đến các Thứ trưởng gần như thay phiên nhau kiểm tra, chỉ đạo trên các công trình, dự án trọng điểm: Dự án cao tốc Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế) - Túy Loan (Đà Nẵng); mặt bằng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai),... Hầu như dự án nào cũng có nguy cơ về tiến độ, bởi nhiều nguyên nhân.
Để giải ngân đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng khi năm kế hoạch 2020 chỉ còn 5 tháng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có quyết định thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công (kể cả vốn ODA) năm 2020 tại một số Bộ, cơ quan, địa phương.
Theo đó, sẽ có 7 đoàn công tác do Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và một số Bộ trưởng làm Trưởng đoàn sẽ thực hiện kiểm tra từ ngày 18/7 - 31/8/2020.
Nội dung làm việc của các đoàn công tác là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; kiểm tra, đôn đốc, xử lý vướng mắc và các vấn đề phát sinh để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công (kể cả vốn ODA) năm 2020.
Thủ tướng yêu cầu các đoàn công tác có trách nhiệm báo cáo tổng hợp tình hình, kết quả kiểm tra và đề xuất, kiến nghị cụ thể (nếu có), gửi Thủ tướng Chính phủ trong vòng 7 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kiểm tra đối với từng địa phương, Bộ, cơ quan.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực tiếp tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công trong phạm vi quản lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/8.
Như vậy, đích thân Thủ tướng, các Phó Thủ tướng phải “xắn tay áo” vào đốc thúc việc giải ngân. Lo được tiền đầu tư đã khó, lo giải ngân cũng không kém phần gian truân. Câu chuyện cho thấy, nhiều vấn đề rất nhức nhối trong công tác quản trị dự án.
Nhiều địa phương, Bộ, ngành cho biết, trong các vướng mắc, khó khăn điển hình nhất là vướng mắc về thủ tục đầu tư. Đối với dự án sử dụng vốn đầu tư ngân sách Nhà nước đang thi công, nghiệm thu khối lượng để giải ngân hoặc đang triển khai công tác đấu thầu cho nên thường không đủ điều kiện giải ngân. Đối với dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ thì chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm, đang tiến hành thủ tục đấu thầu. Việc giao kế hoạch vốn chậm đã làm ảnh hưởng lớn đến quá trình triển khai các dự án, nhất là thủ tục kéo dài.
Do vướng mắc về thủ tục, nên trong thực tế, việc chưa có sản phẩm để giải ngân là điều dễ hiểu. Việc không nhất quán giữa nhiều luật nếu không được gỡ bỏ, giải quyết rốt ráo thì tình trạng lúng túng, chậm giải ngân đầu tư công sẽ còn kéo dài - đang là câu chuyện lớn về hành lang pháp lý.
Điều này cho thấy, đôn đốc có thể giải quyết trong tạm thời, nhưng giải quyết căn bản còn phải lo tháo gỡ rất nhiều vấn đề lớn hơn.
Tập trung và tập trung
Gần như “tập trung” luôn trở thành “hiệu lệnh” trong chỉ đạo năm này, qua năm khác.
Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, cần phải tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, tháng 3/2020, Thủ tướng
Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ GTVT khẩn trương hoàn thành thủ tục và thúc đẩy giải ngân, thực hiện các dự án đầu tư công quy mô lớn, quan trọng, có tác động lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội như các dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, xây dựng mới Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020,... và “ra lệnh” không được để chậm trễ.
Bộ GTVT cũng được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền về việc chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công thuần túy đối với các dự án trọng điểm. Nay Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, đã được Quốc hội phê chuẩn chuyển sang đầu tư công.
Các dự án PPP quy mô lớn hầu như đang gặp trở ngại là khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để bảo đảm phương án tài chính bị hạn chế, bởi ngân hàng trong nước gần chạm trần dư nợ cho vay trung, dài hạn. Trong khi đó, một số dự án PPP đang ở thời điểm giao thời kế hoạch đầu tư công 5 năm cũ sang 5 năm mới, nên có thể tính tới chuyển đổi đầu tư từ PPP sang đầu tư công thuần túy, thu xếp vốn trong kế hoạch 5 năm tới để bảo đảm thực hiện được dự án.
Ngoài chuyển đổi hình thức, cũng xem xét trình cấp có thẩm quyền về cơ chế thực hiện theo dạng “cuốn chiếu”, dự án đầu tư xong thì đấu thầu khai thác, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, bổ sung nguồn vốn để thực hiện các dự án tiếp theo.
Tiến độ thực hiện công tác bồi thường, GPMB, quá trình hiệp thương thỏa thuận bồi thường kéo dài đương nhiên là làm ảnh hưởng tới tiến độ thi công công trình. Rất nhiều nhà thầu nước ngoài đã kiện, thậm chí chủ đầu tư đã phải bồi thường. Riêng nhà thầu trong nước, thì đương nhiên không dám kiện. Thậm chí, họ còn bị nợ xây dựng cơ bản. Khó khăn này kéo theo khó khăn khác.
Nguyên nhân của tình trạng chậm giải ngân, không chỉ GPMB mà còn bao gồm một số vướng mắc về thể chế, pháp luật đầu tư công. Một phần nguyên nhân lớn nữa đến từ công tác lập kế hoạch chưa sát thực tế và khả năng giao vốn, giải ngân vốn. Đồng thời, quy trình giao kế hoạch còn chậm, chưa phù hợp với yêu cầu tiến độ các dự án. Riêng về nguồn vốn ODA, nhiều dự án gặp vấn đề về thủ tục pháp lý, phải thực hiện điều chỉnh hiệp định vay dù đã có khối lượng hoàn thành nhưng không thể giải ngân. Một số khác không được bố trí vốn đối ứng đầy đủ, kịp thời, ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, giải ngân vốn nước ngoài.
Năm 2020 phải thực hiện song song hai nhiệm vụ, vừa tập trung giải ngân thực hiện kế hoạch năm 2020, vừa xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, sẽ làm phân tán sự tập trung chỉ đạo cũng như nguồn lực thực hiện. Sự quyết tâm, quyết liệt của người đứng đầu là rất quan trọng để thúc đẩy giải ngân. Vấn đề là chúng ta đang thiếu chế định về “trách nhiệm” giải ngân trong điều hành.