Nhạc sĩ Quỳnh Hợp bên cây đàn guitar quen thuộc, sáng tác những ca khúc cho đời
“Về cố hương ngồi bên trời bên biển/Văng xa câu ca bến Tam Thương
Cánh buồm trôi bồng bềnh, phiêu bạt/Tình yêu dào dạt sóng vỗ bờ …”
Những câu hát mở đầu bài hát “Ngồi bên trời bên biển” mà nhạc sĩ đã sáng tác tặng Ban Tổ chức cuộc thi Sáng tác ca khúc về quê hương Quảng Ngãi lần thứ I – 2020 chỉ sau vài giờ đồng hồ họp báo phát động cuộc thi. Xin nhạc sĩ cho biết, nguồn cảm hứng nào khiến nhạc sĩ cho ra đời tác phẩm này?
Bài hát “Ngồi bên trời bên biển” chính là tâm tư, tình cảm của những người trong Ban Tổ chức, xem như là khởi đầu nghĩa tình ấm áp và đầy cảm hứng cho Cuộc thi bởi đó là tấm lòng của những người con Quảng Ngãi xa quê hương và cũng là tình cảm của tôi với Quảng Ngãi thân yêu.
Với những người xa quê, tụ họp được nhau lại, làm gì đó cho quê hương là niềm đau đáu và tôi cảm nhận được tấm chân tình của họ - những người trong Ban Tổ chức cuộc thi qua buổi họp báo. 2 câu hát đó cũng chính là đoạn 1 của bài hát đã phần nào khái quát được “câu chuyện” của những người trở về: từ tốn, nhỏ nhẹ mà hàm chứa nhiều điều.

Bản ký âm bài hát Ngồi bên trời bên biển - Nhạc và lời: Quỳnh Hợp
Có thể thấy, trong lời bài hát “Ngồi bên trời bên biển” chứa đựng trong đó nhiều tình cảm cũng như am hiểu về Quảng Ngãi – mảnh đất được thiên nhiên ưu đãi với rất nhiều cảnh đẹp nên thơ, khơi gợi nguồn cảm hứng vô tận cho thi ca, hội họa, văn học nghệ thuật nói chung và tất nhiên là có cả âm nhạc. Có kỷ niệm nào của nhạc sĩ gắn liền với tỉnh Quảng Ngãi không, thưa nhạc sĩ?
Lần đầu tôi đến Quảng Ngãi vào tháng 06/2008, đi thực tế cùng đoàn nhạc sĩ của Hội Nhạc sĩ Việt Nam tại nhà máy lọc dầu Dung Quất lúc đó đang xây dựng. Sau lần ấy tôi có bài hát “Nhịp điệu Dung Quất” phỏng thơ của nhà thơ Thanh Thảo. Tháng 03/2019, tôi có ghé Quảng Ngãi khi đi thực tế Vùng Cảnh sát Biển II ở cảng Kỳ Hà rồi ra Lý Sơn và cũng tự nhắc mình, viết một ca khúc về Quảng Ngãi.
Bài hát “Ngồi bên trời bên biển”, tôi không dự thi mà tặng riêng cho Ban Tổ chức của Cuộc thi. Bài hát đó cũng là niềm ấp ủ từ rất lâu và rất xa của tôi là mong muốn có một các khúc nói lên được tinh thần của người Quảng Ngãi.
Bài hát nói lên tâm tư, tình cảm, niềm thương, nỗi nhớ, ước mong, hy vọng… của những người con Quảng Ngãi xa quê. Nhịp valse dịu nhẹ như những con sóng cứ dào dạt vỗ về bờ bãi như chính tâm chí của những người con xa quê luôn hướng về quê nhà.
Giai điệu, ca từ như được gọi về dào dạt, tôi hoàn thành bài hát rất nhanh. Đó là không gian một chiều bên biển tĩnh lặng, những cánh buồn, vẳng xa là câu hát ở bến Tam Thương… khiến bất cứ ai cũng chạnh lòng trắc ẩn. Ở từng đoạn nhạc, motif âm nhạc mạch lạc được triển khai chặt chẽ, có tính thống nhất cao. Lời ca cô đọng, gợi mở nhiều góc nhìn đã chiều về nhân tình thế thái, đọng lại là cái tình của những người xa quê với cố hương.

Biển, trời Quảng Ngãi - nguồn cảm hứng vô tận cho nghệ thuật, đặc biệt là với âm nhạc (Trong ảnh là cảnh đảo Lý Sơn)
Với tâm hồn sẻ chia của người nghệ sĩ, sự từng trải của một người lính, một nhạc sĩ, một nhà báo và cả nhà giáo (Nhạc sĩ đã có một thời gian giảng dạy sáng tác âm nhạc tại Nhạc viện TP. HCM), xin nhạc sĩ cho biết, điều gì làm nên một tác phẩm âm nhạc đi vào lòng người và sống mãi theo thời gian?
Cảm xúc và kỹ thuật sáng tác là hai yêu tố cần và đủ để một tác phẩm ra đời. Người nhạc sĩ sẽ tự cân đối 2 yếu tố đó sao cho hài hòa. Khi sáng tác, tôi thiên về cảm xúc, kỹ thuật chỉ hỗ trợ (cần thiết lắm tôi mới can thiệp bằng kỹ thuật sáng tác). Tuy nhiên, nếu chỉ thiên về cảm xúc thì người sáng tạo khó có thể đi xa và giai điệu thiếu tính hình tượng, nghĩa là khi ca khúc bỏ lời ca thì phần âm nhạc không còn sức hấp dẫn người nghe nữa.
Bài hát “Ngồi bên trời bên biển”, ngoài xúc cảm đã được ấp ủ từ lâu để có một ca khúc về Quảng Ngãi thì phần âm nhạc được triển khai phù hợp để đạt được những gì tôi muốn thể hiện trong bài hát. Bài hát này, tôi viết ở 2 đoạn đơn có tính chất âm nhạc tương phản nhau.
Đoạn một có 2 câu, thống nhất về motif âm nhạc. Đó là một không gian chiều bên biển khá yên bình mà lòng người thì xốn xang với ký ức, với những chuyến đi, những khó khăn, trăn trở… là cái tình của người đi xa vẫn đậm sâu với quê nhà tuy mộc mạc quê mùa, nhưng chân thành, say đắm, thấm đẫm tình cảm đối với cố hương.
Đoạn hai có 4 câu, âm vực được mở rộng lên cao, tính chất âm nhạc thay đổi, chẻ nhỏ ra. Mỗi câu hát như vừa hỏi vừa trả lời, là mối thâm tình, nỗi trăn trở, ước mong, hy vọng… toát lên được tinh thần của người Quảng Ngãi, đó là tấm lòng thủy chung, đôn hậu với tha nhân, với chính mình, với từng con sông, ngọn núi trên mảnh đất quê hương.
Với tôi, ca khúc “Ngồi bên trời bên biển” như là cơ duyên để tôi có một ca khúc về Quảng Ngãi dạt dào xúc cảm, sẻ chia được với tấm lòng của những người con Quảng Ngãi xa quê trong một dự án âm nhạc quy mô và có giá trị tinh thần lớn lao để kết nối các văn nghệ sĩ cả nước cùng hướng về Quảng Ngãi.