Bà Rịa – Vũng Tàu đô thị cảng hiện đại năm 2020: Cần một tư duy đột phá

01/01/1970 08:00

(VLR) Theo phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: “Để trở thành đô thị cảng biển, Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) cần một tư duy đột phá. Đó là tư duy xây dựng đô thị cảng theo hình mẫu hiện đại của thế giới, vượt trước về thể chế và mang tầm thế giới”.

BR-VT hiện có 52 cảng được quy hoạch và đã có 24 cảng được đưa vào khai thác với tổng công suất khoảng 67,5 triệu tấn/năm. Năm 2010 sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển của BR-VT hơn 37,1 triệu tấn. Các cảng còn lại đang trong quá trình triển khai xây dựng. Hiện tại, tàu container lớn nhất từ trước đến nay đã cập Cảng quốc tế SP-PSA, Tân Cảng, Cái Mép và xuất phát đi thẳng đến các cảng của Hoa Kỳ, châu Âu và nhiều quốc gia khác, giảm thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa. Với vị trí địa lý thuận lợi, tiếp giáp với các trung tâm kinh tế lớn, trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kếp hợp với lợi thế cảng nước sâu, BR-VT hội đủ điều kiện để trở thành một đô thị cảng biển hiện đại.
Tuy nhiên, để trở thành đô thị cảng biển, BR-VT cần một tư duy đột phá. Đó là tư duy xây dựng đô thị cảng theo hình mẫu hiện đại của thế giới, vượt trước về thể chế và mang tầm thế giới. Đây là bài học thành công của Singapore, Phố Đông, Thâm Quyến hay bất cứ một trung tâm phát triển hiện đại nào của thế giới. Theo đó, đô thị - cảng biển BR-VT cần được thiết kế thành khu kinh tế tự do, phát triển cửa ngõ Vũng Tàu thành một thành phố cảng hiện đại, đủ năng lực hội nhập vào vành đai các thành phố cảng châu Á. Cần coi thể chế hiện đại là động lực chủ yếu để thu hút, lôi kéo các nhà thiết kế và đầu tư tầm cỡ thay cho việc sử dụng các biện pháp ưu đãi vật chất nhỏ lẻ, cụ thể như ưu đãi về thuế, tiền thuê đất... chỉ có sức hấp dẫn mạnh các nhà đầu tư tầm nhỏ. Cách tiếp cận này đòi hỏi hành động trước hết của chính quyền trung ương. Đó là cung cấp khuôn khổ thể chế định hướng và tập trung ưu tiên hỗ trợ nguồn lực ban đầu - phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Thiên nhận định.
Theo tiến sĩ khoa học Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và chính trị thế giới Viện Khoa học xã hội Việt Nam, để thu hút đầu tư vào lĩnh vực đặc biệt này, BR-VT cần có hướng đi riêng. Trước mắt, phải tìm được những nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có nguồn vốn đầu tư lớn, có kinh nghiệm kinh doanh bất động sản công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ… có quan hệ với các tập đoàn kinh tế quốc tế hàng đầu. Chính những nhà đầu tư chiến lược này sẽ là nòng cốt để xây dựng đặc khu kinh tế. Họ sẽ cùng với chính quyền địa phương xây dựng quy hoạch phát triển của khu, đề xuất các thể chế hành chính và kinh tế phù hợp, tìm kiếm thu hút các nhà đầu tư khác.
Phó giáo sư, tiến sĩ Ngô Doãn Vịnh, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh, muốn trở thành đô thị cảng biển hiện đại thì việc thu hút đầu tư cũng phải được cơ cấu lại. Khi xác định cụm liên kết công nghiệp đa ngành, BR-VT cần lấy yếu tố biển làm trung tâm, lấy kinh tế biển làm nòng cốt. BR-VT không nên thu hút những dự án có công nghệ thấp và thậm chí là cả những dự án có công nghệ trung bình, đồng thời cũng không nên thu hút những dự án sử dụng quá nhiều đất. Bên cạnh đó cần định hình phát triển cụm liên kết công nghiệp đa ngành: cảng biển - vận tải biển - logistic - công nghiệp - du lịch biển - khoa học công nghệ - đào tạo nhân lực - dịch vụ tổng hợp cũng cần nghiên cứu thực thi.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cho rằng, để trở thành một đô thị cảng biển hiện đại, BR-VT phải bắt tay ngay vào việc rà soát lại quy hoạch không gian phát triển và các khu chức năng theo các định hướng ngành nghề; quy hoạch dân cư để thích ứng với quá trình đô thị hóa của một thành phố cảng biển lớn và hiện đại. Ở góc độ xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ trong sự phát triển của kinh tế nói chung và của ngành cảng biển nói riêng, theo ông Trương Đình Tuyển, Chính phủ Việt Nam đã đề nghị Chính phủ Nhật Bản giúp đỡ để phát triển 2 khu công nghiệp hỗ trợ tại BR-VT và Hải Phòng. Trước mắt, BR-VT cần tích cực xúc tiến việc triển khai khu công nghiệp chuyên sâu về công nghiệp hỗ trợ với sự hợp tác của Nhật Bản theo nội dung tuyên bố chung Việt - Nhật mới được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Thủ tướng Nhật Bản ký kết. Đó là “các ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ phục vụ cho hoạt động của cảng mà trọng tâm là công nghiệp cơ - điện - điện tử sửa chữa, chế tạo chi tiết linh kiện”. Bởi vì, BR-VT là một trong những trung tâm của nền công nghiệp lọc dầu và chế biến các sản phẩm hóa dầu, cũng là trung tâm phát điện của cả nước, lại nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm cho nên rất có điều kiện để phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ.
Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Thành, Trưởng ban Phát triển nhân lực và xã hội, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) về nguồn nhân lực, cần phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo nhân lực có chất lượng gắn với nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của một thành phố cảng hiện đại. Các trường đại học trên địa bàn BR-VT phải là cơ sở đào tạo đa ngành, kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu ứng dụng, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ chuyên môn tương xứng trình độ đào tạo về các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, cơ khí, điện tử, xây dựng, quản trị, công nghệ hiện đại, trong đó chú trọng đến khoa học, công nghệ và kinh tế biển; từng bước tiếp cận với tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đại học khu vực và quốc tế, góp phần đáp ứng nguồn nhân lực đa dạng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Đồng thời, đa dạng hóa phát triển các cơ sở dạy nghề, trong đó ưu tiên các trường cao đẳng nghề để đào tạo công nhân kỹ thuật bậc cao đáp ứng nhu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực và sản phẩm có ưu thể cạnh tranh./.
Hoàng An

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Bà Rịa – Vũng Tàu đô thị cảng hiện đại năm 2020: Cần một tư duy đột phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO