Đề phòng lạm phát

01/01/1970 08:00

(VLR) 7 tháng đầu năm, chỉ số tiêu dùng (CPI) cả nước tăng 6,81% so với cùng kỳ năm ngoái. Có nhiều yếu tố dẫn đến CPI tăng tháng thứ hai liên tiếp nhưng chủ yếu nhất là việc điều chỉnh tỉ giá thêm 1% từ ngày 28.6 và giá xăng dầu tăng liên tục 3 lần trong 1 tháng. Các chuyên gia cho rằng, CPI tháng 8.2013 chắc chắn sẽ tiếp tục tăng do ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu và tình hình nhập siêu lớn xảy ra vừa qua. Điều này nhắc nhở chúng ta cần có biện pháp phòng vệ nhằm tránh lạm phát trở lại, bởi trước đó có những ý kiến chưa thật chính xác về tình hình lạm phát!

7 tháng đầu năm, chỉ số tiêu dùng (CPI) cả nước tăng 6,81% so với cùng kỳ năm ngoái. Có nhiều yếu tố dẫn đến CPI tăng tháng thứ hai liên tiếp nhưng chủ yếu nhất là việc điều chỉnh tỉ giá thêm 1% từ ngày 28.6 và giá xăng dầu tăng liên tục 3 lần trong 1 tháng. Các chuyên gia cho rằng, CPI tháng 8.2013 chắc chắn sẽ tiếp tục tăng do ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu và tình hình nhập siêu lớn xảy ra vừa qua. Điều này nhắc nhở chúng ta cần có biện pháp phòng vệ nhằm tránh lạm phát trở lại, bởi trước đó có những ý kiến chưa thật chính xác về tình hình lạm phát!

ƯU TIÊN TĂNG TRƯỞNG

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, sáng 27.6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã khẳng định lạm phát không còn là nỗi lo lớn. Theo ông Vinh, trong năm 2013 có khả năng kiềm chế lạm phát thấp hơn năm 2012. Có lẽ vì vậy mà ngay hôm sau (ngày 28.6), xăng dầu đã tăng giá và tỷ giá được nới thêm 1%. Có thể thấy rằng, các nhà điều hành chính sách vĩ mô đã mạnh dạn gác lại mục tiêu kiềm chế lạm phát để ưu tiên cho tăng trưởng.

Khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm 2013 là thách thức lớn khi sự phục hồi tăng trưởng chưa thực sự chắc chắn do cầu nội địa còn yếu và chi phí sản xuất cao. CPI và tăng trưởng tín dụng tăng thấp trong 7 tháng đầu năm không nằm ngoài dự kiến của nhiều chuyên gia, bởi tổng cầu của nền kinh tế thấp, cầu đầu tư thấp, cầu tiêu dùng thấp.

Các chuyên gia cho rằng, ưu tiên tăng trưởng tức là buộc phải kích thích tổng cầu. Nhưng kích thích thế nào là hợp lý, “liều lượng” bao nhiêu là vừa đủ để có tác động làm nền kinh tế tăng trưởng mà không làm lạm phát cao trở lại, là một vấn đề không dễ dàng. Việc điều hành chính sách ưu tiên hơn nữa cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, thể hiện rõ ở chỗ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) luôn thúc giục các ngân hàng thương mại (NHTM) giải ngân vốn, nhằm đạt tăng trưởng tín dụng. Theo đó, mới đây đã có những đề nghị cần đẩy mạnh hơn nữa chi tiêu đầu tư công thông qua việc phát hành trái phiếu Chính phủ cho các dự án lớn đang thiếu vốn. Song song đó là giải ngân giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản 94.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp, đẩy nhanh tốc độ chi đầu tư ngân sách nhà nước vào những công trình trọng điểm quy mô lớn, những dự án có kế hoạch sớm hoàn thành trong năm 2013 và có thể hoàn thành trong năm 2014.

NỖI LO LẠM PHÁT

Các chuyên gia cho rằng, áp lực lạm phát đang gia tăng, xuất phát từ việc điều chỉnh giá xăng dầu, nguy cơ giá các loại dịch vụ công ăn theo và áp lực giá cả do việc tăng tỉ giá đồng USD. Một số chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại khi tăng trưởng tín dụng cải thiện nhanh, Ngân hàng Nhà nước liên tục bơm tiền trên thị trường mở (OMO) từ đầu tháng 7 đến nay đã làm cho lạm phát có điều kiện tăng trở lại.

Thực tế đợt xăng tăng giá và tăng tỷ giá đồng USD thêm 1% vào ngày 28.6 đã khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 tại Hà Nội và TP.HCM tăng. Như vậy, sau 3 tháng giảm phát và tháng 6 chỉ số CPI tăng nhẹ trở lại, đến tháng 7, hai đầu cầu kinh tế lớn của cả nước đã chứng kiến sự tăng mạnh trở lại về giá cả, chủ yếu do tăng giá xăng dầu. Dự kiến, với biên độ tăng giá xăng dầu lớn hơn trong ngày 17.7 vừa rồi (ngay đầu kỳ tính tiếp theo), CPI tháng 8.2013 chắc chắn sẽ tăng.

Mới đây, một loạt các NHTM quy mô nhỏ vừa xin nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mà NHNN giao hồi đầu năm. Cụ thể là Nam Á Bank đã xin NHNN nới tăng trưởng tín dụng lên 3,3 lần từ chỉ tiêu 9% hồi đầu năm lên mức 30%. Quy mô tín dụng của ngân hàng này vào cuối năm 2012 gần 7.000 tỷ đồng, nếu cho vay hết biên độ cho phép, Nam Á sẽ đẩy thêm 2.100 tỷ vào nền kinh tế. Bên cạnh đó là hàng loạt trường hợp khác như Tiên Phong Bank, Sea Bank... Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm nay đạt 4,5%, cao hơn rất nhiều so với mức 0,76% cùng kỳ năm ngoái. Đến nay lãi suất đầu vào, đầu ra bình quân khoảng 9-12%. Đây là lãi suất hợp lý để các doanh nghiệp có thể mạnh dạn triển khai kế hoạch kinh doanh của họ. Phải chăng động thái này có nghĩa là tín dụng đã "rộng cửa" hơn trong những tháng cuối năm?

Các chuyên gia nhận xét rằng, các NHTM sẽ phải giải ngân mỗi tháng khoảng 40.000 tỷ từ nay đến cuối năm mới hỗ trợ cho tăng trưởng 5,5% mà Chính phủ đã đặt ra. Tín hiệu từ thị trường tháng 7 vừa qua, cho thấy có dấu hiệu tích cực đang bắt đầu từ khu vực tiêu dùng. Về sản xuất kinh doanh có thể tăng nhưng tăng không nhiều. Lĩnh vực tiêu dùng có thể kích thích được tiêu dùng bởi tổng cầu đang quá yếu. Tín dụng để kích cầu qua tiêu dùng cũng là một kênh tốt, giải quyết hàng tồn kho tốt hơn.

Nhập siêu bảy tháng năm 2013 là 733 triệu USD. Nhập siêu tăng trong mấy tháng trở lại đây được coi là dấu hiệu tốt vì các doanh nghiệp đã gia tăng hoạt động nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất. Dấu hiệu này được khẳng định qua việc sản xuất công nghiệp dần phục hồi (7 tháng ước tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái), đi đôi với việc tỷ lệ hàng tồn kho giảm dần qua các tháng từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, với giá đồng USD đang cao như hiện nay, và tình hình giá vàng trong nước luôn cao hơn vàng thế giới dẫn đến giá USD luôn vượt trần. Điều này làm tăng chi phí giá cả đầu vào của các sản phẩm. Do vậy, tới đây nhiều mặt hàng có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu sẽ tăng giá là điều không tránh khỏi và như thế, lạm phát sẽ trở thành một mối lo mới cho nền kinh tế từ nay đến cuối năm.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Đề phòng lạm phát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO