EVFTA chính thức được Nghị viện châu Âu phê chuẩn: Cú hích mới cho xuất khẩu

Kinh tế đô thị|13/02/2020 08:37

(VLR) "Việc Nghị viện châu Âu thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) có ý nghĩa rất quan trọng với việc đẩy mạnh xuất khẩu (XK) hàng hóa trong thời điểm dịch viêm phổi cấp do virus Corona (Covid-19) lan rộng, cũng như thời gian tới" - đó là khẳng định của Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại buổi về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU tổ chức chiều 12/2.

Bốc xếp hàng xuất khẩu tại cảng Hải Phòng - Ảnh: Phạm Hùng.

Bốc xếp hàng xuất khẩu tại cảng Hải Phòng - Ảnh: Phạm Hùng.

Tháng 7, Hiệp định có thể được thực thi
Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thông báo đúng 12h15 ngày 12/02 (giờ châu Âu), tức 18h15 giờ Việt Nam, Nghị viện châu Âu (EP) đã chính thức bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và EU. Kết quả là 401 phiếu ủng hộ, 192 phiếu không ủng hộ, 40 phiếu trắng, đạt tỷ lệ 63,33% phiếu ủng hộ EVFTA. Nghị viện châu Âu cũng thông qua Hiệp định EVIPA với 407 ủng hộ, 188 chống, 53 trắng.
Người đứng đầu Bộ Công Thương thông tin: Từ nay đến kỳ họp Quốc hội gần nhất (dự kiến vào tháng 5), Bộ Công Thương sẽ hoàn thiện hồ sơ để trình Chủ tịch nước và Quốc hội Việt Nam xem xét thông qua.
Song song với đó, Bộ Công Thương sẽ chuẩn bị ban hành kế hoạch hành động để tận dụng EVFTA, kế hoạch hành động này xác định rõ mục tiêu, các nhiệm vụ chủ yếu và các Bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện với lộ trình cụ thể. Trong đó, các nhiệm vụ chủ yếu bao gồm 5 nhóm chính: Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường của các nước EU; công tác xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và các tổ chức của người lao động tại cơ sở DN; và chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.“Theo tiến độ, dự kiến tháng 7 EVFTA sẽ được đưa vào thực thi”, Bộ trưởng chia sẻ.
Cơ hội cho xuất khẩu
Việc EU thông qua EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Những cam kết dành đối xử công bằng, bình đẳng, bảo hộ an toàn và đầy đủ cho các khoản đầu tư và nhà đầu tư của nhau trong Hiệp định IPA cũng sẽ góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó Việt Nam sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư hơn đến từ EU và các nước khác.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, châu Âu là thị trường rất lớn với quy mô 18.000 tỷ USD nhưng hiện mới có hơn 40% sản phẩm ngành hàng của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan. Vì vậy, Hiệp định EVFTA sẽ là nền tảng giúp các DN Việt Nam có thêm giá trị gia tăng khi xuất khẩu vào thị trường này.
Khi được hưởng ưu đãi thuế quan, các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như: Dệt may, da giày, hàng điện tử, thủy sản, đồ gỗ… sẽ có thể vào được thị trường EU một cách dễ dàng. Ngay sau khi EVFTA được thực thi trong năm đầu tiên, EU sẽ giảm 85% dòng thuế với hàng hóa Việt Nam.
Sau đó 7 năm, 99% dòng thuế cũng được miễn giảm, đây là cơ hội rất quan trọng để hàng hóa Việt Nam có thể tiếp cận thị trường EU, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn về thị trường do xảy ra dịch Covid-19.
Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi mà EVFTA và EVIPA, Bộ trưởng cũng nêu rõ các ngành cũng phải đối mặt với thách thức. Có như vậy là bởi EU có nhiều quy định không chỉ liên quan đến tiêu chuẩn sản phẩm mà cả đối với quy trình sản xuất ra sản phẩm đó (ví dụ không được dùng hải sản từ đánh bắt bất hợp pháp hay không được dùng gỗ khai thác từ rừng tự nhiên mà chưa được phép).
Ngoài ra, các quy định về quy tắc xuất xứ cũng sẽ là thách thức đối với ngành dệt may và một số ngành chế tạo nếu muốn tận dụng được các ưu đãi về thuế quan do nguồn nguyên liệu cho sản xuất hàng xuất khẩu hiện nay của Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu từ các thị trường khu vực như Trung Quốc hoặc ASEAN...

"Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, qua đó hỗ trợ DN có tâm thế sẵn sàng tận dụng ngay các ưu đãi về thuế quan khi Hiệp định được chính thức đưa vào thực thi. Song song với đó, Bộ cũng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá hình ảnh, quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu tại thị trường các nước thuộc EU." - Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

"Các hiệp định này sẽ cho phép DN châu Âu đón đầu xu thế phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam, có thêm cơ hội tham gia vào các thị trường, sản phẩm và dịch vụ của châu Âu. Tương tự như vậy, các công ty Châu Âu cũng có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường đang phát triển mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả của cuộc bỏ phiếu phê chuẩn ngày hôm nay mới chỉ là khởi đầu. Ngay bây giờ, chúng ta cần đảm bảo việc triển khai Hiệp định EVFTA diễn ra suôn sẻ để các DN và người tiêu dùng ở cả Việt Nam và châu Âu có thể tận dụng mọi cơ hội mà Hiệp định này mang lại. - Chủ tịch EuroCham Nicolas Audier


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
EVFTA chính thức được Nghị viện châu Âu phê chuẩn: Cú hích mới cho xuất khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO