Giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông vận tải

Nguyễn Tương|17/04/2018 09:21

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Ngày 16.4.2018, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về logistics - các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông vận tải.

(Vietnam Logistics Review)Ngày 16.4.2018, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về logistics - các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông vận tải.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị

Tham gia chỉ đạo Hội nghị có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Dự hội nghị có lãnh đạo các Bộ, ngành, các Viện nghiên cứu, các Trường đại học, đại diện các Hiệp hội ngành nghề liên quan, các doanh nghiệp logistics và các chuyên gia đầu ngành về logistics…

Lãnh đạo Bộ GTVT đã trình bày Báo cáo đánh giá tóm tắt về thực trạng GTVT, những tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến chi phí logistics GTVT, các giải pháp chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng trong lĩnh vực GTVT và các kiến nghị, đề xuất nhằm cắt giảm chi phí logistics còn cao hiện nay ở mức tương đương 20,9% GDP. 23 Báo cáo trong kỷ yếu Hội nghị được đăng trên cổng thông tin điện tử của Bộ GTVT www.mt.gov.vn.

Chỉ đạo thảo luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến vào 4 vấn đề cốt lõi là Thể chế chính sách; Hạ tầng và kết nối hạ tầng cho phát triển logistics; Tính kết nối các loại hình vận tải, Phát triển doanh nghiêp và nguồn nhân lực phục vụ logistics phát triển, với những kiến nghị cụ thể cho việc phát triển ngắn hạn và lâu dài của từng Bộ, ngành, địa phương để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics.

Ông Lê Duy Hiệp – Chủ tịch VLA báo cáo về các cơ hội giảm chi phí logistics Việt Nam

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Lê Duy Hiệp, đã thay mặt Hiệp hội trình bày Báo cáo Cơ hội giảm chi phí logistics Việt Nam. Báo cáo nêu bật tổng quan về ngành dịch vụ logistics Việt Nam; Chi phí logistics Việt Nam là bao nhiêu? (- Cách tính như thế nào?, Chi phí logistics cao ở mắt xích nào?) và Các khuyến nghị của VLA về các giải pháp cắt giảm chi phí dịch vụ logistics. Toàn bộ Báo cáo được đăng tải trong Cổng thông tin điện tử Bộ GTVT nói trên và trên trang mạng của VLA: www.vla.com.vn. Bộ trưởng Bộ GTVT điều hành phiên thảo luận đã đánh giá cao các kiến nghị cụ thể của Hiệp hội. Gồm: Tăng tỷ lệ thuê ngoài của dịch vụ logistics; Kết nối giữa các nhà cung cấp dịch vụ logistics với nhau; Phát triển dịch vụ logistics khu vực Tây Nam Bộ gắn chặt với vận tải thủy kết nối Cần Thơ và Cát Lái, Cái Mép –Thị Vải; Ứng dụng công nghệ đột phá để tối ưu hóa quá trình vận chuyển, giảm chi phí; Đào tạo nguồn nhân lực logistics chất lượng cao và Bổ sung chức năng điều phối hoạt động logistics vào Ủy Ban quốc gia về một cửa ASEAN, một cửa Quốc gia tạo thuận lợi thương mại xuyên biên giới. Trong phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và của Đại diện Ngân hàng thế giới (WB), tại Việt Nam cũng nêu khuyến nghị về bổ sung nhiệm vụ này như của VLA.

Báo cáo của Đại diện WB cho rằng, chi phí logistics của Việt Nam cao có thể được cắt giảm bằng cách thực hiện Chương trình 4 trụ cột: Tạo thuận lợi thương mại thông qua đơn giản hóa quy định hải quan và quản lý chuyên ngành; Nâng cao hiệu quả cơ sở hạ tầng thương mại và chất lượng kết nối; Xây dựng ngành dịch vụ logistics có tính cạnh tranh và Tăng cường phối hợp liên ngành và cơ chế thực hiện.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu ý kiến làm bật một số vấn đề về cắt giảm chi phí logistics và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Kết luận Hội nghị, sau khi đánh giá tình hình phát triển dịch vụ logistics, những ưu điểm và tồn tại, Thủ tướng đã nhắc lại 6 quan điểm về phát triển dịch vụ logistics trong QĐ200 của Thủ tương Chính phủ, ngày 14.2.2017 và nêu bật quyết tâm cao của hệ thống chính trị trong việc cắt giảm chi phí logistics. Xây dựng đội ngũ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics vững mạnh. Duy trì cổng thông tin điện tử về logistics. Áp dụng quản lý rủi ro chuyên ngành, thực hiện hậu kiểm. Có tầm nhìn phát triển Việt Nam thành trung tâm logistics của khu vực. Nâng cao năng lực logistics quốc gia. Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành và địa phương. Bộ GTVT có 10 nhiệm vụ, trong đó có việc phát triển vận tải thủy và đường sắt, xây dựng chương trình đào tạo và ứng dụng công nghệ thông tin. Bộ Công Thương có 7 nhiệm vụ, trong đó có việc phát triển Trung tâm logistics, triển khai thực hiện QĐ 200. Bộ Kế hoạch đầu tư có 3 nhiệm vụ, trong đó có quy hoạch phát triển hàng hóa khu kinh tế, khu công nghiệp. Bộ Tài chính có 2 nhiệm vụ về thuế và giá dịch vụ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có 2 nhiệm vụ về rút ngắn thời gian kiểm tra chuyên ngành và phát triển nguồn hàng hóa. Bộ Giáo dục và đào tạo/Bộ Lao động Thương binh và Xã hội có nhiệm vụ về đào tạo phát triển nguồn nhân lực logistics và Nghiên cứu phát triển. Bộ Thông tin Tuyên truyền về đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về logistics. Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu giải pháp vốn tín dụng cho phát triển kết cấu hạ tầng logistics. Ủy ban nhân dân các địa phương có quy hoạch và hỗ trợ doanh nghiệp về phát triển trung tâm logistics, cảng cạn, kho bãi. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có nhiệm vụ về kết nối quốc tế cho doanh nghiệp logistics... Sau Hội nghị, Thủ tướng sẽ có Chỉ thị về cắt giảm chi phí logistics và nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển dịch vụ logistics.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cho Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam là có kế hoạch phát triển dịch vụ logistics và cắt giảm chi phí logistics. Tổ chức hội nghị chuyên đề cho hội viên về cách mạng công nghiệp 4.0. Giáo dục ý thức cho hội viên về trách nhiêm cắt giảm chi phi logistics, áp dụng công nghệ cao, giảm giá thành dịch vụ logistics và nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa ngành dịch vụ logistics ngang tầm với khu vực và thế giới.

Các thành viên Hiệp hội VLA tại Hội nghị

Sau Hội nghị này, Hiệp hội VLA sẽ tổ chức triển khai các nhiệm vụ được Thủ thướng Chính phủ giao trên đây bằng những hành động, công việc cụ thể để thiết thực chào mừng kỷ niệm 25 năm thành lập Hiệp hội, góp phần cùng cả nước thực hiện việc cắt giảm chi phí logistics đến năm 2025 xuống tương đương 16-20% GDP như QĐ 200 đã đề ra.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông vận tải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO