Kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 200 tỷ USD

Báo Công Thương|03/05/2021 08:00

(VLR) 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước ước đạt gần 204,91 tỷ USD, tăng mạnh 28,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 103,4 tỷ USD, tăng 27,7% và nhập khẩu ước đạt 101,51 tỷ USD, tăng 29,4%.

Kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã vượt mốc 200 tỷ USD sau 4 tháng đầu năm

Kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đã vượt mốc 200 tỷ USD sau 4 tháng đầu năm

Theo Tổng cục Hải quan, tháng 4, tổng trị kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 50,9 tỷ USD, giảm 12,4% so với tháng trước (nguyên nhân chủ yếu do số ngày làm việc của tháng 4/2021 ít hơn 3 ngày so với tháng trước). Trong đó xuất khẩu ước đạt 25 tỷ USD, giảm 15,7% và nhập khẩu ước đạt 25,9 tỷ USD, giảm 9%.

Với kết quả ước tính trên, 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước ước đạt gần 204,91 tỷ USD, tăng mạnh 28,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, xuất khẩu ước đạt 103,4 tỷ USD, tăng 27,7% và nhập khẩu ước đạt 101,51 tỷ USD, tăng 29,4%.

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 4 ước tính thâm hụt 900 triệu USD. Tuy nhiên, tính chung trong 4 tháng đầu năm, cả nước ước xuất siêu 1,89 tỷ USD.

4 tháng đầu năm nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao. Đơn cử, gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 4,98 tỷ USD, tăng 50,5% so với cùng kỳ năm trước; điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 18,37 tỷ USD, tăng 19,4; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt gần 15,85 tỷ USD, tăng 19,4%; giày dép ước đạt 6,39 tỷ USD, tăng 18,7%...

Ngoài các nhóm hàng tăng trưởng hai con số kể trên, dệt may, thủy sản cũng là hai nhóm hàng chủ lực có sự phục hồi đáng ghi nhận. Trong đó dệt may ước đạt 9,5 tỷ USD, tăng 9%; thủy sản ước đạt 2,38 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước…

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, hiện nay nếu chỉ nhìn vào con số xuất nhập khẩu thì thành tích của ta rất tốt vì tăng trưởng đang vượt quá kỳ vọng cũng như chỉ tiêu đặt ra. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy rằng các yếu tố góp phần tạo nên sự tăng trưởng này rất dễ bị tổn thương, rất là mong manh. Ví dụ như nếu trường hợp bùng phát dịch trở lại thì có thể trở thành yếu tố gây ảnh hưởng, sụt giảm ngay hoạt động xuất khẩu. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, chúng ta không được phép quá lạc quan và không được phép chủ quan. Đấy là yếu tố quan trọng hàng đầu. Mặt khác, cần nhận thức rõ được những diễn biến trên thị trường thế giới để có thể tranh thủ khai thác hết cơ hội, tiếp tục duy trì được thế mạnh xuất khẩu.

Còn về mặt thị trường, chúng ta đã đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu sang hầu khắp thị trường, song khu vực Châu Á vẫn là thị trường nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu. Khu vực Châu Mỹ vẫn là thị trưởng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao và tiếp theo là thị trường Châu Âu. Còn các khu vực như Châu Phi và Châu Đại Dương tăng trưởng cũng tốt nhưng giá trị tuyệt đối hiện nay vẫn chưa lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Đây là những căn cứ để doanh nghiệp có thể tận dụng, gia tăng kim ngạch xuất khẩu trong thời gian tới.

Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã tập trung đàm phán các hiệp định thương mại tự do, mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp. Trong bối cảnh hiện nay, do tác động của dịch nên Bộ Công Thương đã đẩy mạnh tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, hội chợ trực tuyến cũng như đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, qua đó hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp tục duy trì quan hệ giao thương với các nước.

Bên cạnh đó, việc cải cách thể chế, tiếp tục rà soát các vấn đề tồn tại, đặc biệt là những thủ tục hành chính liên quan đến xuất nhập khẩu, tháo gỡ khó khăn về nhiều mặt, ví dụ như là công nghiệp hỗ trợ cũng là trọng tâm Bộ Công Thương đẩy mạnh trong năm 2021. Việc cung cấp thông tin cũng như hỗ trợ về mặt thông tin cho các doanh nghiệp cũng là một yếu tố hết sức quan trọng mà Bộ Công Thương quan tâm.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Kim ngạch xuất nhập khẩu vượt mốc 200 tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO