Sân bay Long Thành động lực cho logistics phía Nam

17/11/2014 15:33

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Chúng ta cảm nhận sự ủng hộ và đồng thuận về chủ trương cũng như vị trí tọa lạc của Sân bay Long Thành, chưa thấy luồng phản biện nào mang tính đối kháng. Đó là thuận lợi lớn làm cơ sở cho cấp vĩ mô đưa ra quyết sách phù hợp, cũng như củng cố lòng tin cho người thực thi.

(Vietnam Logistics Review) Chúng ta cảm nhận sự ủng hộ và đồng thuận về chủ trương cũng như vị trí tọa lạc của Sân bay Long Thành, chưa thấy luồng phản biện nào mang tính đối kháng. Đó là thuận lợi lớn làm cơ sở cho cấp vĩ mô đưa ra quyết sách phù hợp, cũng như củng cố lòng tin cho người thực thi.

VỊ THẾ ĐĂC ĐỊA Ở KHU VỰC KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM PHÍA NAM

Long Thành là một huyện có địa hình bằng phẳng, với rừng cao su và cây ăn quả bạt ngàn, nằm về hướng Tây Nam của tỉnh Đồng Nai, cách TP.HCM khoảng 50km đường chim bay (Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất). Hướng Tây và Tây Nam giáp với sông Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, một tỉnh ven biển có hệ thống cảng biển nước sâu hoàn chỉnh, là cửa ngõ của quốc gia ra biển Đông. Mỗi năm xếp dỡ gần 1 triệu TEU và là khu vực đang phát triển sầm uất ngành Logistics ở VN.

Từ năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt địa điểm Long Thành trở thành sân bay trung chuyển quốc tế ở khu vực phía Nam với qui mô là 125 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa/năm theo tiêu chuẩn 4F (ICAO). Qui hoạch giao thông vận tải cũng ghi nhận, Cảng Hàng không Long Thành sẽ là một động lực kinh tế mới thúc đẩy phát triển sản xuất, đời sống và giao thông cho các tỉnh phía Nam với 3 đường cao tốc và một đường sắt đi qua (TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu và đường sắt TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây...).

Như vậy, vị thế chính của Cảng Hàng không quốc tế Long Thành được xác định rõ ràng theo qui hoạch và trên thực địa, chứ không theo phân kỳ thời gian, nhằm khắc phục sự quá tải của Sân bay Tân Sơn Nhất. Giả định, nếu Sân bay quốc tế Long Thành không được thực thi vì một lý do nào đó, thì sự quá tải của Sân bay Tân Sơn Nhất cũng sẽ diễn ra (nếu không được đầu tư) và trước hết là ngành GTVT phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên... sau cùng mới đến những người cộng đồng liên đới. Nhưng suy cho cùng hậu quả dù có lớn bao nhiêu thì người dân bình thường vẫn phải gánh chịu tổn thất. Bài học nhãn tiền của Cảng Vân Phong thuộc tỉnh Khánh Hòa đang còn chờ chúng ta rút kinh nghiệm...?

Vì vậy, chúng ta cần tỉnh táo hơn trong việc lắng nghe phản biện xã hội, phản biện khoa học - công nghệ của đội ngũ tri thức VN để có quyết sách chính xác, đúng đắn thì vấn đề gót chân Archilles thời Vinashin không còn quấy rầy, cản trở sự nghiệp phát triển GTVT của chúng ta nữa.

NHỮNG LUỒNG PHẢN BIỆN KHÔNG MANG TÍNH ĐỐI KHÁNG

Qua nhiều cuộc Hội thảo phản biện xã hội và khoa học – công nghệ được tổ chức để lấy ý kiến về Sân bay Long Thành.

Chúng ta cảm nhận sự ủng hộ và đồng thuận về chủ trương cũng như vị trí tọa lạc sân bay, chưa thấy luồng phản biện nào mang tính đối kháng. Đó là thuận lợi lớn làm cơ sở cho cấp vĩ mô đưa ra quyết sách phù hợp, cũng như củng cố lòng tin cho người thực thi. Dư luận chỉ băn khoăn về kinh phí đầu tư để xây công trình và sự thật về sự quá tải của Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất sau năm 2017.

Thiết nghĩ đây là những vấn đề mà Bộ GTVT và chủ đầu tư phải làm rõ trong báo cáo khả thi xin chủ trương xây dựng với những cơ quan thẩm quyền ở tầm vĩ mô, trước khi đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của các giới trong xã hội.

Về phần mình, ở góc độ kinh tế biển, ngành rất hoan nghênh và ủng hộ mạnh mẽ hình thành Sân bay quốc tế Long Thành, coi đây là một động lực thúc đẩy logistics hàng không VN hội nhập và phát triển thành một lực lượng mạnh của GTVT thời hội nhập.

CẦN MỞ RỘNG TẦM SUY NGHĨ ĐỂ HỘI NHẬP TỐT HƠN

Chúng ta đang đi vào hội nhập và công nghiệp hóa đất nước từ một quốc gia lạc hậu, đói nghèo, trải qua cuộc chiến tranh vệ quốc dài ngót gần 100 năm. Những thành quả mà chúng ta đạt được là đáng tôn trọng và thế giới tôn vinh. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể lấy đó làm niềm tự hào “bất tận”, mà phải coi là những thách thức mang tính thời đại của cả thế giới ngày nay và VN đang đối mặt.

CÂN NHẮC ĐỂ TRÁNH THẤT THOÁT, LÃNG PHÍ

Thành bại, phát triển bền vững sẽ quyết định ở sự cạnh tranh về kinh tế - xã hội giữa các quốc gia và dân tộc bằng năng suất lao động mà hiện nay VN đang được xếp cuối cùng trong danh sách các nước đang phát triển. Bạn sẽ nghĩ gì khi được biết thông tin này? Tiếp tục kêu gọi lòng yêu nước của nhân dân chăng? Ở mức độ vừa phải. Song cần nâng cao trình độ dân trí và năng lực khoa học - công nghệ cả nước, nhất là đội ngũ chất xám cùng hành động như Cha, Ông trong thời giữ nước thì chúng ta sẽ tìm ra con đường ngắn nhất để cạnh tranh với thế giới trong thời đổi mới toàn diện này.

Công trình phát triển Sân bay Long Thành, Nhà máy Thủy điện Sơn La, khu công nghiệp hay đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây... cũng mới là những viên gạch đầu tiên trong sự nghiệp xây dựng đất nước phồn vinh. Nhưng đối với một quốc gia nghèo như chúng ta thì việc cân nhắc, tính toán thiệt hơn trước khi ra quyết sách là điều đương nhiên và cần thiết, để tránh thất thoát, lãng phí như một số đề án đã thực hiện trước đây. Với tư duy mới, chúng ta không sợ tốn kém, miễn là đề án hay công trình đem lại hiệu quả cho sự phát triển bền vững và lợi ích dân sinh.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Sân bay Long Thành động lực cho logistics phía Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO