Tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế

Trần Trình Lãm|07/01/2022 14:00

(VLR) Khôi phục, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn lực xã hội, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng chiến lược… là những trọng tâm cần tập trung thực hiện, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế.

Duy trì các động lực tăng trưởng

Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2022 được thông qua tại kỳ họp thứ 2. Quốc hội khóa XV xác định mục tiêu tổng quát năm 2022 là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp. Tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển KT-XH trên cả nước, trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương và duy trì các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế.

Nghị quyết cũng nêu 15 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6% - 6,5%. GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,5% - 25,8%. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,5%. Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 27,5%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27% - 27,5%...

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2021 trên nền tăng trưởng thấp (khoảng 2%), bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025. “Việc đặt chỉ tiêu khoảng 6% - 6,5% thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ, đồng thời để bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu năm 2022”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Tiếp “máu” cho nền kinh tế

Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong báo cáo tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV đã nhấn mạnh nhiệm vụ năm 2022 là tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH phù hợp, khả thi bằng các giải pháp thích ứng như điều chỉnh linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác để vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; vừa hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh (SXKD), thúc đẩy xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư, có cơ chế huy động thêm nguồn lực cho phục hồi, phát triển KT-XH.

Rà soát kỹ, xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác phòng, chống dịch thời gian tới, bảo đảm khả thi, dễ thực hiện, thể hiện ngắn gọn, dễ hiểu; trong đó nhấn mạnh: các biện pháp y tế với 3 trụ cột: cách ly chặt, nhanh, hẹp và giải tỏa cách ly nhanh nhất có thể; xét nghiệm thần tốc, khoa học, hiệu quả và nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch bệnh; điều trị từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở, bảo đảm người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế gần nhất, sớm nhất có thể; các biện pháp hành chính, bảo đảm an sinh xã hội và việc đáp ứng yêu cầu đi lại của người dân, người lao động, lưu thông hàng hóa phù hợp áp dụng tương ứng với cấp độ dịch của từng vùng, từng địa bàn theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ.
Trích Nghị quyết 141/NQ-CP ngày 14/11/2021

Hiến kế cho việc phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, để thúc đẩy quá trình tái khởi động và phục hồi nền kinh tế trong hai năm tới, bên cạnh các chính sách về tài khóa, tiền tệ, về an sinh xã hội còn phải áp dụng một giải pháp phi tài chính hay nói khác đi là các cơ chế về các thủ tục đặc thù để thúc đẩy cho SXKD, đầu tư toàn xã hội với nội hàm cụ thể có thể là rút gọn các thủ tục quản trị rủi ro, chuyển sang hậu kiểm, hạn chế thanh, kiểm tra, thực hiện chủ yếu trên nền tảng trực tuyến và không ban hành thêm bất cứ một chính sách nào có thể làm phát sinh các thủ tục và chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. “Dư địa chính sách tiền tệ là không còn nhiều nên biện pháp tiếp máu cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay chỉ có thể là sự cộng hưởng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, trong đó chính sách tài khóa phải đóng vai trò chủ đạo”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Liên quan đến các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, ông Nguyễn Như So, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam cho rằng, cần tập trung giải quyết 3 “nút thắt” quan trọng đó là: Thứ nhất, khẩn trương, quyết liệt giải ngân gói hỗ trợ cho doanh nghiệp đã ban hành trong thời gian qua. Theo ông So, việc tiếp cận gói chính sách hỗ trợ còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hưởng thụ còn hạn chế, vì vậy cần tối giản và rút gọn các thủ tục rườm rà và linh động xét duyệt cho đối tượng, tạo điều kiện thuận lợi doanh nghiệp tiếp cận được nguồn hỗ trợ quý giá này. Thứ hai, cần nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo đủ lớn, có hiệu ứng lan tỏa sâu rộng. Các gói hỗ trợ cần lựa chọn đúng, trúng các đối tượng ngành nghề hay là xác định để nâng cao năng lực cạnh tranh, tự chủ cho doanh nghiệp. Thứ ba, phát triển và mở rộng thị trường, đây là nhiệm vụ sống còn trong phát triển kinh tế. “Cần phải có chính sách đột phá nhằm ổn định phát triển thị trường nội địa, đa dạng hóa thị trường quốc tế, mở rộng môi trường xuất khẩu mới có tiềm năng tăng cường xúc tiến đầu tư thương mại trực tuyến gắn với chuyển đổi số; xây dựng Trung tâm quảng bá thương hiệu hàng hóa Việt Nam”, ông Nguyễn Như So nói.

Tập trung thực hiện 3 trọng tâm

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Dịch COVID-19 có thể sẽ phức tạp, nguy hiểm hơn. Tăng trưởng kinh tế thế giới không đồng đều, chưa vững chắc và thấp hơn năm 2021; rủi ro tiếp tục gia tăng.

Chính phủ yêu cầu tập trung chỉ đạo phục hồi SXKD an toàn, thông suốt của doanh nghiệp trong điều kiện bình thường mới; cải thiện nguồn cung, năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh trở lại sau khi chuyển sang phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; kết nối hiệu quả giữa sản xuất và tiêu thụ, thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Các địa phương cần tập trung tháo gỡ triệt để tình trạng ách tắc, đứt gãy chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hóa do bất cập trong thực thi các quy định, thủ tục về phòng, chống dịch COVID-19, tuân thủ các quy định, hướng dẫn của Trung ương; không tạo ra các loại giấy phép con, các điều kiện cản trở lưu thông hàng hóa, không để xảy ra tiêu cực, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Thủ tướng khẳng định lại quan điểm chỉ đạo điều hành của Chính phủ là vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển KT-XH, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, khôi phục và ổn định thị trường lao động, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân; bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán, thông suốt, trách nhiệm trong chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành, các địa phương. Đồng thời điều chỉnh chính sách tiền tệ, tài khóa phù hợp, khả thi, linh hoạt, thích ứng với bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài; tập trung thực hiện 3 trọng tâm: khôi phục, thúc đẩy SXKD; đẩy mạnh xuất khẩu; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn lực xã hội, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng chiến lược.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO