Thành phố Hồ Chí Minh: Trong vai trò đầu tàu kinh tế
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 09:40, 10/11/2020
TP. HCM đã luôn biết vị trí của mình và luôn phấn đấu không ngừng để giữ vai trò là đầu tàu kinh tế cả nước
Đầu tàu kinh tế được hiểu là luôn đi trước đứng đầu và vượt lên, chứ không phải chỉ phát triển ở mức bình thường như các địa phương khác. Cũng có nghĩa, cùng với sự tăng trưởng và phát triển, đầu tàu kinh tế phải làm động lực kéo nền kinh tế của các địa phương quanh vùng đi lên. Vì thế, TP. HCM đã luôn biết vị trí của mình và luôn phấn đấu không ngừng để giữ vai trò là đầu tàu kinh tế cả nước.
Đóng góp của TP. HCM cho cả nước
Tại Hội nghị Thành ủy TP. HCM lần thứ 42, khóa X, diễn ra vào ngày 07/7/2020, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, cho biết: “Giai đoạn 1996 - 2000, kinh tế TP chiếm bình quân khoảng 17% kinh tế cả nước, đến giai đoạn 2001 - 2010 tỷ lệ này tăng lên 20% và giai đoạn 2011 – 2019 kinh tế TP chiếm hơn 22% kinh tế cả nước. Điều đó cho thấy khi nói vai trò đầu tàu là tỷ trọng đóng góp của TP cho cả nước trong 25 năm qua không ngừng tăng lên”.
Về công nghệ, các tiến bộ mới về khoa học công nghệ như gia công chế tạo sử dụng điều khiển kỹ thuật số công nghệ cao, tự động hóa, nano, plasma, laser, công nghệ sinh học, chuyển đổi số… đã và đang được áp dụng, từ đó hình thành các dây chuyền sản xuất đạt trình độ công nghệ tiên tiến của khu vực.
Ngành dịch vụ của TP. HCM là một ngành mũi nhọn, chiếm trọng số 62% GRDP. Thời gian tới, các ngành dịch vụ sẽ đi theo hướng dịch vụ hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Các dịch vụ vận tải, kho bãi, logistics, giáo dục, ứng dụng giáo dục từ xa, y tế thông minh cũng đang được thành phố quan tâm.
Trong những năm qua, TP. HCM đã thực hiện nhiều chính sách xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố sẽ tiếp tục xây dựng đồ án phát triển hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, theo hướng đô thị thông minh. Trong năm 2020 sẽ vận hành tuyến metro số 1 và triển khai tuyến metro 2, 3, 4, 5 trong những năm sau. Bên cạnh đó, hạ tầng tại các trục giao lộ, ngã tư, các nút giao quan trọng như Cát Lái, Phú Hữu, An Sương, tuyến kết nối với Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Bình Dương, Tây Ninh,… trục giao thông cửa ngõ sẽ được quan tâm đẩy nhanh.
Thành phố hướng tới chính quyền số
UBND TP. HCM vừa ban hành Quyết định số 2393/QĐ-UBND phê duyệt chuyển đổi số của thành phố với tầm nhìn năm 2025. Chương trình được xây dựng dựa trên Chương trình chuyển đổi số của quốc gia, đề án xây dựng TP. HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và kiến trúc chính quyền điện tử thành phố với hai nội dung chủ yếu: tầm nhìn, mục tiêu chuyển đổi số; nhiệm vụ và giải quyết chuyển đổi số.
Hiện nay, tình hình thực hiện chính quyền số đã được Chính phủ thông qua. Theo các chuyên gia nhận định, việc triển khai thành công chương trình chuyển đổi số đến năm 2025 sẽ giúp TP. HCM giảm được 40% thủ tục hành chính và hạ tầng băng thông rộng phủ trên 95% hộ gia đình và 100% quận.
Trở thành đô thị thông minh
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. HCM lần thứ XI nhấn mạnh, sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện kế hoạch xây dựng đô thị thông minh giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn 2030. Việc sáp nhập khu vực phía Đông gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức thành TP. Thủ Đức đã được Quốc hội, thông qua và đang triển khai. Sự sáp nhập này giúp việc quản lý khu vực dễ dàng và đồng bộ hơn. Đó là vấn đề mà TP. HCM đang tiến hành để dần hoàn thiện việc xây dựng thành phố thông minh.
Đô thị thông minh được xây dựng dựa trên việc chuyển đổi số từ công nghệ, giao thông, kinh tế, y tế đến chính quyền số. Đó là tiền đề cơ bản cho việc xây dựng thành phố thông minh. Trong đó phải kể đến là Chương trình “Không gian sáng tạo và chuyển đổi số” diễn ra từ ngày 12/10 đến hết ngày 12/11/2020. Chương trình này là nền tảng để từng bước hình thành và phát triển Trung tâm chuyển đổi số của TP. HCM.
Mục tiêu của TP. HCM giai đoạn 2025 - 2045
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. HCM lần thứ XI (18/10/2020) nhiệm kỳ 2020 - 2025, đã đề ra các mục tiêu phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 của TP. HCM.
TP. HCM quyết tâm thực hiện, triển khai để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, xứng đáng là trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước
Đến năm 2025: Là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, GRDP bình quân đầu người đạt 8.500 USD.
Đến năm 2030: Là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000 USD, là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.
Tầm nhìn đến năm 2045: Trở thành trung tâm kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, TP. HCM sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ và giải pháp là chủ yếu. Trong đó, TP. HCM xác định phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các tập đoàn, doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực mạnh.
Với phương châm “Quyết liệt, đồng bộ và sáng tạo” trong việc giữ vai trò đầu tàu kinh tế cả nước, TP. HCM quyết tâm thực hiện, triển khai để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, xứng đáng là trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước.