Nhiều thách thức với nguồn nước ĐBSCL

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:54, 07/12/2020

(VLR) Chưa bao giờ nguồn nước ở Đồng bằng sông Cửu Long lại bất ổn như hiện nay. Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, ngập lụt ngày càng nghiêm trọng. Theo các nhà khoa học, vấn đề nguồn nước cho vùng cần chiến lược dài hơi…

Người dân tỉnh Tiền Giang xếp hàng nhận nước ngọt trong mùa hạn, mặn năm 2020

Người dân tỉnh Tiền Giang xếp hàng nhận nước ngọt trong mùa hạn, mặn năm 2020

Ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng

Trong 5 năm qua, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xảy ra 2 đợt xâm nhập mặn lịch sử vào mùa khô năm 2015 - 2016 và 2019 - 2020, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và dân sinh.

Hạn mặn đã làm 58.400 ha lúa bị thiệt hại, 25.120 ha cây ăn trái, 96.000 hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt, gây sụt lún nghiêm trọng nhiều tuyến đê, đường giao thông. Tổng thiệt hại ước tính trên 3.000 tỷ đồng. Có 6/13 tỉnh, thành thuộc ĐBSCL buộc phải công bố tình huống khẩn cấp do hạn mặn.

Sự tác động của con người và biến đổi khí hậu, vùng ĐBSCL đang đối mặt với nhiều thách thức như việc khai thác, sử dụng nước quá mức đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn vào sâu trong nội đồng.

Đặc biệt, biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan, làm ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, sụt lún đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập lụt tại các đô thị, tuyến dân cư. Ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng.

Chuyên gia độc lập về sinh thái Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, ĐBSCL là một trong những vùng dồi dào nước nhất thế giới. Nhưng vấn đề lớn nhất liên quan đến an ninh nguồn nước của vùng hiện nay nằm ở chất lượng nước mặt đã quá ô nhiễm. Khi nói về an ninh nước phải đảm bảo 3 yếu tố. Đó là số lượng, chất lượng và chu trình biến thiên theo thời gian.

Hiện nay, vùng quê sông nước ở khu vực đồng bằng rộng lớn này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Việc sử dụng lãng phí nước ngầm đang gây ra tình trạng mặt đất và đồng bằng bị sụt lún nhanh gấp 10 lần so với nước biển dâng. Ngoài ra, việc sản xuất liên tục 3 vụ lúa một năm cũng là nguyên nhân gây cạn kiệt tài nguyên dinh dưỡng của đất…

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), nước ở tầng nông đã bị cạn kiệt, ô nhiễm. Các tầng nước sâu được khai thác chủ yếu.

Nhưng nước ở tầng sâu khó được tái bổ cập bằng nguồn nước mặt dễ dẫn đến rủi ro cạn kiệt. Hiện trạng tổng lượng nước ngầm khai thác trên 2 triệu m3/ngày được đánh giá là đang khai thác quá mức, có thể dẫn tới sụt lún ở ĐBSCL.

Người dân Sóc Trăng chở từng thùng nước ngọt trong mùa hạn mặn năm 2020

Người dân Sóc Trăng chở từng thùng nước ngọt trong mùa hạn mặn năm 2020

Cùng với việc các nước thượng nguồn xây dựng hàng loạt đập thủy điện trên dòng Mekong tạo ra nhiều hệ lụy. Đáng lưu ý là suy giảm phù sa, sụt lún đồng bằng, sạt lở bờ sông, bờ biển; gia tăng xâm nhập mặn, hạn hán nghiêm trọng hơn… Những tác động này kéo theo rối loạn hệ thống sinh thái, phù sa không còn bồi đắp, suy thoái đất, sản xuất nông nghiệp giảm năng suất…

Phải xây dựng chiến lược “cứu nguồn nước”

Mới đây, Hội thảo tham vấn Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với chuyên đề “Nước - Định hướng chiến lược cho vùng ĐBSCL” được tổ chức tại TP Cần Thơ. Theo các nhà khoa học, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 quy hoạch ĐBSCL được xây dựng dựa trên nguyên tắc: “Bảo vệ người dân, cải thiện sinh kế, phát triển cân bằng và bảo vệ môi trường”.

Trọng tâm là hướng tới phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường. Lấy yếu tố “con người” làm trung tâm, trở thành chìa khóa cho tăng trưởng và phát triển. Lấy “thích ứng” với biến đổi khí hậu làm cách thức phát triển theo khẩu hiệu “muốn tiến lên phía trước, bắt buộc phải thích ứng”.

Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, ĐBSCL đang đứng ở ngã 3 đường, mà đường cũ không thể đi tiếp, phải theo Nghị quyết 120 của Chính phủ (về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với Biến đổi khí hậu) mới bền vững được.

Nếu được thực hiện tốt sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề để phát triển bền vững vùng. Đặc biệt, cần tôn trọng quy luật tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên; xem nước mặn, nước lợ, nước ngọt đều là tài nguyên.

Vùng ĐBSCL có điều kiện tự nhiên gắn với hệ thống sông ngòi, kênh, rạch. Trong đó, vai trò của nước được xác định là tài nguyên không gì có thể thay thế được, là động lực phát triển chính của vùng. Đây cũng là nơi nước gắn với hoạt động của con người, tạo nên một nét văn hóa đặc trưng, đó là Văn hóa sông nước.

Về giải pháp nguồn nước cho vùng ĐBSCL, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) kiến nghị: “Các tỉnh ĐBSCL phải cùng ngồi để bàn giải pháp khác thay vì tháo nước lũ mà phải xây dựng chiến lược cứu nguồn nước. Chủ động hơn trong sản xuất canh tác nhằm bảo tồn Văn minh sông nước
ở ĐBSCL”.

Giải pháp lâu dài, bảo đảm an ninh nguồn nước cho vùng, theo các nhà khoa học, trong quy hoạch vùng ĐBSCL cần phân vùng quản lý. Chia vùng thành 3 tiểu vùng. Vùng nước ngọt lùi vào khu vực an toàn tự nhiên, không can thiệp. Vùng chuyển tiếp - chấp nhận ngọt - mặn theo mùa, chỉ điều tiết không ngăn mặn.

Vùng mặn - tuần hoàn nước biển, phát triển thủy sản và phục hồi sinh thái. Cần phục hồi không gian hấp thu lũ, tăng diện tích thủy sản nước ngọt. Bỏ lúa vụ 3, xả lũ vào ruộng, phát triển sinh kế dựa vào lũ…

“Để chủ động nguồn nước, việc trữ nước ngọt cho ĐBSCL là điều rất cần thiết. Đối với vùng tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, các vùng ven sông, cần trữ nước lũ vào các vùng trũng thấp, ao hồ và kênh rạch.

Đối với vùng ven biển và bán đảo Cà Mau, trong suốt mùa lũ, bên cạnh trữ nước lũ, việc trữ nước mưa cũng rất quan trọng vì nếu lũ không về thì vẫn có nước sử dụng...”, PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) kiến nghị.

Giáo dục và Thời đại