Cần một “bà đỡ” hiệu quả cho các ý tưởng khởi nghiệp
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 10:07, 14/12/2020
Khởi nghiệp
Khởi nghiệp (start-up) là quá trình hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh, dựa trên việc tạo ra hoặc ứng dụng kết quả nghiên cứu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa với khả năng tăng trưởng nhanh. Như vậy, bản chất của start-up là mô hình của đam mê, sáng tạo, có khả năng mở rộng và phát triển mạnh, khác với lập nghiệp, là việc gầy dựng cơ nghiệp bằng cách lập một doanh nghiệp tư nhân hoặc hộ kinh doanh cá thể.
Khởi nghiệp đang là vấn đề lớn đang được Chính phủ và các ban, ngành, địa phương hết sức quan tâm hiện nay. Việt Nam hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, theo khảo sát của một tạp chí có trụ sở tại Singapore. Trong số đó, có thể kể đến một số trường hợp khởi nghiệp điển hình, phần lớn đều xuất phát từ những người trẻ tuổi, từng được trao giải thưởng Nhân tài đất Việt hay được vinh danh trong danh sách Top start-up tiêu biểu qua các năm.
Bên cạnh đó, hiện đang có hơn 40 quỹ đầu tư có hoạt động đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam, phần lớn đều từ nước ngoài. Năm ngoái, Việt Nam thu hút 29 thương vụ đầu tư với tổng số tiền được công bố lên đến 751 triệu USD. Thương vụ lớn nhất thuộc lĩnh vực công nghệ tài chính, có giá trị lên tới 300 triệu USD, đứng đầu trong số các thương vụ đầu tư vào các công ty công nghệ tài chính khu vực Đông Nam Á. Lượng vốn rót cho các công ty có trụ sở tại Việt Nam chiếm 18% tổng giá trị gọi vốn cho toàn khu vực, tăng mạnh so với mức 4% (287 triệu USD) năm trước đó. Theo các dự báo, nếu xu hướng này tiếp tục phát triển, Việt Nam sẽ có nhiều start-up được định giá từ 500 triệu đến 1 tỷ USD trong thời gian tới.
Tuy nhiên, đằng sau việc triển khai rầm rộ các phong trào kích thích khởi nghiệp, nhiều nhà khởi nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Họ thường thiếu thông tin về các nguồn đầu tư, các chương trình và tổ chức hỗ trợ phát triển, đặc biệt là thông tin về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Họ cũng thiếu vốn tự có, gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để triển khai các dự án kinh doanh, cũng như trong việc chứng minh tiềm năng phát triển để thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm từ các quỹ, các nhà đầu tư. Trên thực tế, các doanh nghiệp khởi nghiệp thường phải “tự lực” nhiều trong vấn đề tài chính và thường bỏ dỡ dự án giữa chừng do thiếu vốn hoặc chưa hiểu biết sâu sắc về việc phát triển một mô hình kinh doanh hiệu quả.
Hệ sinh thái khởi nghiệp
Đến nay, chưa có một định nghĩa hoàn chỉnh nào về hệ sinh thái khởi nghiệp và thuật ngữ này được sử dụng theo nhiều cách khác nhau. Nói chung, khái niệm này chỉ một cộng đồng bao gồm các thực thể cộng sinh, chia sẻ và bổ sung cho nhau tạo nên một môi trường thuận lợi thúc đẩy sự hình thành nên các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và tăng trưởng nhanh. Hệ sinh thái khởi nghiệp là tập hợp các doanh nghiệp khởi nghiệp (đóng vai trò trung tâm, dẫn dắt và lãnh đạo) và các bên liên quan khác (đóng vai trò hỗ trợ), có mối quan hệ hữu cơ, cùng tồn tại và phát triển. Đến nay, chưa có một định nghĩa hoàn chỉnh nào về hệ sinh thái khởi nghiệp và thuật ngữ này được sử dụng theo nhiều cách khác nhau.
Như vậy, các thành viên chính của hệ sinh thái khởi nghiệp là các doanh nghiệp khởi nghiệp. Các thành viên khác được coi là một phần của hệ sinh thái bao gồm các quỹ và các nhà đầu tư, các tổ chức hỗ trợ, tài trợ vốn, các doanh nghiệp lớn, các trường đại học, viện nghiên cứu, các “vườn ươm”, các chương trình tăng tốc khởi nghiệp (accelerator) và các nhà cung cấp dịch vụ khác (cả nhà nước và tư nhân), cũng như các quá trình, các sự kiện và các thực thể khác (như các cuộc gặp gỡ trao đổi, các cuộc thi).
Dựa trên những định nghĩa trên, có thể nhận thấy hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ bao gồm các yếu tố khác nhau tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, chính trị, giáo dục... của từng địa phương. Về cơ bản, có thể khái quát các yếu tố cấu thành một hệ sinh thái khởi nghiệp, theo định nghĩa của World Economic Forum như sau: (1) Thị trường; (2) Nguồn nhân lực; (3) Nguồn vốn và tài chính; (4) Hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp (người hướng dẫn, nhà tư vấn...); (5) Khung pháp lý và cơ sở hạ tầng; (6) Giáo dục và đào tạo; (7) Các trường đại học, học viện; (8) Văn hóa quốc gia; (9) Các công ty hay nguồn lực hỗ trợ về mảng IT.
Với các yếu tố cấu thành có phạm vi rất rộng và các thành phần tham gia rất đa dạng như vậy, hệ sinh thái khởi nghiệp là một thực thể phức tạp. Để hệ sinh thái khởi nghiệp thực sự trở thành “bà đỡ” cho các nhà khởi nghiệp, cần sự phát triển đồng bộ của tất cả các yếu tố và thành phần nói trên trong tổng thể một bối cảnh có tính định hướng kích thích, phục vụ cho các ý tưởng và dự án khởi nghiệp.
Các trường đại học đóng một vai trò quan trọng trong các hệ sinh thái khởi nghiệp, thông qua việc cung cấp cho sinh viên tinh thần khởi nghiệp, những ý tưởng mới và nâng cao năng lực trí tuệ của cộng đồng, tổ chức các hoạt động và các nhóm khởi nghiệp. Điều quan trọng không kém là sự hiện diện của lực lượng các nhà cung cấp dịch vụ hiệu quả như các luật sư, kế toán viên, các cơ quan tuyển dụng và các nhà tư vấn kinh doanh. Họ hiểu được nhu cầu của các doanh nghiệp khởi nghiệp và có thể trợ giúp các doanh nghiệp non trẻ tránh được hoàn cảnh khó khăn hay các hoạt động thuê ngoài không trọng tâm. Sự tham gia của các doanh nhân giàu kinh nghiệm, những người đóng góp thời gian, năng lượng và trí tuệ để hỗ trợ hệ sinh thái, đáng chú ý là các nhà đầu tư mạo hiểm, tư vấn khởi nghiệp, thành lập và lãnh đạo các tổ chức hỗ trợ cho các nhà khởi nghiệp, là nguyên nhân thành công chủ yếu của một hệ sinh thái khởi nghiệp.
Cần lưu ý là sự hình thành các hệ sinh thái khởi nghiệp phụ thuộc khá lớn vào sự phát triển của các thị trường công nghệ mới, nảy sinh các cơ hội mới về cách thức khai thác công nghệ và các cơ hội thị trường. Trong bối cảnh đó, các tổ chức “vườn ươm” cũng đóng vai trò quan trọng không kém trong việc thúc đẩy các nhà khởi nghiệp tương lai, giúp họ có được các kỹ năng kỹ thuật và kiến thức về sản phẩm và thị trường, cũng như có cơ hội phát triển sự hiểu biết về cơ cấu tổ chức, các chiến lược và hệ thống thích hợp.
Tất cả các yếu tố đó chỉ có thể phát huy trong một môi trường về thể chế và luật pháp năng động. Sự cải tiến các khung pháp lý từ chính quyền Trung ương và các giải pháp kịp thời từ lãnh đạo các địa phương, xuất phát từ sự quan tâm đến nhu cầu của các nhà khởi nghiệp, sẽ có tác động dẫn dắt quá trình và làm cầu nối cho các thành phần khác nhau phối hợp “hòa điệu” nhịp nhàng để tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp hiệu quả.