Chuyến công du mang nhiều thông điệp của Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 11:18, 09/02/2023

Theo Đại sứ Singapore tại Việt Nam Jaya Ratnam, chuyến công du “xông đất” Singapore của Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt năm 2023. Chuyến thăm sẽ làm nổi bật ba trụ cột trong quan hệ hai nước gồm chính trị, kinh tế và giao lưu nhân dân.
img6047-1675862273418577353264.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ bà con kiều bào và cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, chiều qua 8/2 - Ảnh: VGP

Việt Nam - Singapore, hình mẫu của quan hệ năng động

Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Singapore đang trên đà phát triển ổn định và ngày càng mở rộng trên hầu hết các lĩnh vực hợp tác đặc biệt sau các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước trong những năm qua. Năm 2023, hai nước sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Singapore.

Có thể nhận thấy những bước phát triển mạnh mẽ, năng động trong quan hệ song phương, nhất là về hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại và đầu tư. Bất chấp đại dịch COVID-19, kim ngạch thương mại hai chiều không ngừng gia tăng, Singapore là đối tác thương mại thứ 4 của Việt Nam trong ASEAN và tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong ASEAN, đứng thứ 2/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 3.003 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 70 tỷ USD.

Kể từ khi hai nước mở cửa sau đại dịch, giao lưu nhân dân đã nhanh chóng phục hồi, nhất là trong lĩnh vực du lịch, trao đổi văn hóa, quan trọng nhất là trao đổi sinh viên.  Singapore góp phần hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho Việt Nam, giúp đỡ đào tạo hơn 20.000 cán bộ Việt Nam.

11 khu công nghiệp VSIP tại 8 tỉnh, thành phố Việt Nam đã thu hút 880 công ty trong nước và nước ngoài đầu tư hơn 17 tỷ USD, tạo việc làm cho hơn 300.000 lao động. VSIP hoạt động hiệu quả, là biểu tượng hợp tác thành công giữa hai nước. Hợp tác quốc phòng-an ninh, văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân… phát triển mạnh mẽ.

Cũng về hoạt động kinh tế, hiện hàng ngày có khoảng 20 chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam và Singapore kết nối hai nước. Một số doanh nghiệp Việt Nam hoạt động thành công ở Singapore, nổi bật nhất là Petrolimex chỉ có vài chục người ở Singapore nhưng hoạt động hiệu quả, đạt doanh thu 3,6 tỷ USD; ngoài ra có đại diện của FPT, Vietcombank…

Trong quá trình liên tục phát triển, Singapore không tự thỏa mãn mà luôn tìm tòi những hướng đi, cách làm mới để gia tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế; sớm gắn nền kinh tế với khu vực và thế giới, tạo thêm những cơ hội cho mình.

Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế và tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng.

Cùng với sự tin cậy chính trị giữa lãnh đạo, sự hiểu biết, tương đồng về văn hoá giữa nhân dân hai nước đã tạo ra sự trùng hợp về lợi ích phát triển quan hệ kết nối, hợp tác bền vững giữa hai bên, là cơ sở vững chắc tạo ra những cơ hội mới để tiếp tục mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác cùng có lợi trên những lĩnh vực như: Năng lượng tái tạo, an ninh mạng, môi trường, giáo dục-đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời mở rộng sang các lĩnh vực quan trọng của thời đại công nghiệp 4.0 như kinh tế số, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh...

Kết nối và hợp tác để cùng phát triển là đòi hỏi và nhu cầu tất yếu của tất cả các quốc gia không phân biệt giàu nghèo, lớn nhỏ và điều đó cũng đúng với quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Singapore ngày nay.

Chuyến đi mang theo nhiều thông điệp

Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ tới Singapore (và sau đó là Brunei Darussalam) lần này mang theo thông điệp về láng giềng gần gũi, bổ sung lẫn nhau, chung tay phát triển vì một ASEAN gắn kết, một Đông Nam Á hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

image6-16476642188061933619062.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu thực hiện nghi thức Lễ động thổ đầu tư xây dựng Khu công nghiệp VSIP III  tại Bình Dương, tháng 3/2022.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Lãnh đạo cấp cao của Singapore và Brunei dự kiến sẽ trao đổi và thống nhất nhiều phương hướng và biện pháp, trong đó có những biện pháp mới, mang tính đột phá nhằm làm sâu sắc hơn nữa hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, an ninh, quốc phòng, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới như đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, phát triển bền vững và năng lượng sạch...

Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp của ta cũng sẽ ký kết các văn kiện hợp tác quan trọng với các đối tác của Singapore và Brunei nhân dịp này, trong đó điểm nhấn là Bản ghi nhớ cấp Chính phủ về thiết lập Quan hệ Đối tác Kinh tế số - Kinh tế xanh Việt Nam - Singapore và Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Brunei giai đoạn 2023-2027. Các bộ, ngành, địa phương cũng sẽ có nhiều hoạt động hợp tác chuyên ngành nhân dịp chuyến thăm này, nhất là trong giáo dục-đào tạo, an ninh-quốc phòng, phát triển hạ tầng đô thị, hàng hải, cảng biển...

Đại sứ Singapore tại Việt Nam,  Jaya Ratnam khuyến nghị hai nước nên tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác kinh tế xanh và số hóa. Theo ông, Singapore mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và tín chỉ carbon trong dài hạn. Quan hệ hợp tác sẽ giúp tăng cường an ninh năng lượng mỗi nước nói riêng và ASEAN nói chung khi cả hai đang nỗ lực tìm cách đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Singapore và Việt Nam đều mong muốn đẩy mạnh phát triển kinh tế số và Chính phủ số, đều mong muốn hợp tác để áp dụng các công cụ kỹ thuật số ở mức cao nhất nhằm cải thiện cuộc sống của người dân. Đây là hai lĩnh vực then chốt mới mà Singapore và Việt Nam đang tìm cách hợp tác với nhau bên cạnh những lĩnh vực hợp tác truyền thống khác./.

Thành Nam (tổng hợp)