Hạ Long, Cần Giờ - những hy vọng mới trong "bản đồ" chuỗi cung ứng
Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 21:35, 10/02/2023
Phát triển TP Hạ Long thành đô thị dịch vụ, du lịch văn minh, thân thiện
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 72/QĐ-TTg ngày 10/2/2023 phê duyệt Quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040.
Phạm vi khu vực lập quy hoạch là toàn bộ đơn vị hành chính thành phố Hạ Long theo Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH14 ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phía Bắc giáp huyện Ba Chẽ và huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang). Phía Nam giáp vùng biển Cát Bà - Hải Phòng; vùng biển Bái Tử Long và vịnh Bắc Bộ. Phía Đông giáp thành phố Cẩm Phả. Phía Tây giáp thị xã Quảng Yên, thành phố Uông Bí. Quy mô lập quy hoạch khoảng 1.121,322 km2 (112.132 ha) và diện tích mặt biển khoảng 402 km2 (40.251 ha).
Mục tiêu quy hoạch nhằm xây dựng, phát triển thành phố Hạ Long trở thành đô thị dịch vụ, du lịch văn minh, thân thiện, trung tâm dịch vụ - du lịch quốc gia mang tầm quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại và đồng bộ gắn kết giữa bảo tồn và phát triển bền vững Di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng.
Phát triển thành phố Hạ Long theo hướng phát triển bền vững, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu, lấy Vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, theo hướng đa cực, hài hòa với di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và các vùng núi phía Bắc thành phố.
Đồng thời, khai thác tối ưu tiềm năng, lợi thế của thành phố Hạ Long; tạo việc làm; nâng cao chất lượng đô thị; khai thác tốt hệ thống hạ tầng giao thông đã và đang được đầu tư trên địa bàn để kết nối, mở rộng không gian phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch.
Hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I và xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện đại, đồng bộ; phát huy vai trò là hạt nhân, đầu mối giao thông quan trọng (đường thủy, đường bộ, đường sắt, hàng không) kết nối trong nước và quốc tế...
Theo dự báo đến năm 2040, thành phố Hạ Long có khoảng 800.000 - 830.000 người (trong đó: dân số thường trú 550.000 ÷ 570.000 người, dân số quy đổi khoảng 250.000 ÷ 260.000 người).
Thành phố Hạ Long phát triển theo mô hình gồm 05 Vùng (Vùng vịnh Hạ Long, Vùng phía Đông, Vùng phía Tây, Vùng vịnh Cửa Lục và khu vực phía Bắc Vịnh Cửa Lục, Vùng đồi núi phía Bắc); 01 hành lang ven Vịnh Hạ Long và lấy Vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối.
Theo định hướng, đô thị Hạ Long phát triển gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Vịnh Hạ Long, phát triển mở rộng không gian nội thành về phía Bắc vịnh Cửa Lục (các xã Lê Lợi, Thống Nhất, Sơn Dương, Vũ Oai), khai thác phát triển khu vực nông thôn và đồi núi phía Bắc gắn với các hoạt động dịch vụ hỗ trợ, dịch vụ sinh thái và sản xuất nông lâm nghiệp chất lượng cao.
Về du lịch, thành phố Hạ Long phát triển các khu du lịch vui chơi giải trí, du lịch nghỉ dưỡng, resort cao cấp, cảng tàu khách quốc tế, bến du thuyền, bến thủy nội địa hiện đại đẳng cấp quốc tế tại khu vực phía Tây và phía Bắc vịnh Cửa Lục; du lịch văn hóa tại khu vực phía Đông và vùng đồi núi phía Bắc; phát triển hệ thống các bãi tắm và dịch vụ công cộng tại các khu vực ven biển: Bãi Cháy, Hùng Thắng, Tuần Châu, Hồng Hà, Hà Phong, Yết Kiêu, Cao Xanh.... Phát triển các hoạt động dịch vụ du lịch đa dạng trên vịnh Hạ Long, vịnh Cửa Lục, hồ Yên Lập và khu bảo tồn Đồng Sơn - Kỳ Thượng.
Bộ GTVT ủng hộ đầu tư siêu cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ
Phát biểu tại buổi làm việc với TCT Hàng hải VN (VIMC) chiều qua (9/2), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định lĩnh vực hàng hải còn nhiều dư địa để phát triển. Người đứng đầu Bộ GTVT cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với Dự án cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ mà VIMC đang đề xuất đầu tư xây dựng.
Theo đó, ông đề nghị VIMC tiến hành sớm các quy trình thủ tục, Bộ trưởng nhấn mạnh: "VIMC phải làm việc với hãng tàu MSC, khẩn trương thực hiện các thủ tục, làm nhanh nhất có thể để sớm hiện thực hóa cảng Cần Giờ”.
0
Trước đó báo cáo tại cuộc họp, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc VIMC đề nghị Bộ GTVT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam cũng như cập nhật nội dung điều chỉnh quy hoạch khu bến cảng Cần Giờ trong Quy hoạch các nhóm cảng biển và trong Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Lãnh đạo VIMC cũng đề nghị Bộ GTVT có ý kiến với các Bộ, ngành liên quan, báo cáo Chính phủ để Tổng công ty và Cảng Sài Gòn được làm chủ đầu tư dự án này. Theo ông Tuấn, Dự án cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ có tổng mức đầu tư sơ bộ (7 giai đoạn) là hơn 112.000 tỷ đồng.
Trong đó, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự kiến là 18.276 tỷ đồng, giai đoạn 2 là 15.416 tỷ đồng. Đến năm 2030, sẽ đầu tư giai đoạn 1 và 2 với tổng vốn đầu tư khoảng 33.692 tỷ đồng (1,39 tỷ USD).
“Dự án dự kiến sử dụng 70% vốn vay và 30% vốn tự có với mục tiêu đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ trở thành cảng trung chuyển quốc tế”, ông Tuấn thông tin và cho biết thêm, dự án có quy mô tiếp nhận tàu mẹ trọng tải lên đến 250.000 DWT và tàu feeder trọng tải từ 10.000 - 65.000 DWT với tổng chiều dài bến cầu chính khoảng 7,2km.
Tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án là khoảng 570 ha trong đó diện tích đất cù lao (rừng phòng hộ ven biển) khoảng từ 35 ha - 70 ha, diện tích mặt nước khoảng 500 ha. Công suất thiết kế lên đến 18 triệu Teu/năm hàng container. Thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2040.
Lãnh đạo VIMC cũng cho biết, Tổng công ty và Cảng Sài Gòn đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục theo quy định để trình Bộ KH&ĐT hồ sơ Đề xuất đầu tư Dự án cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ.
Trước đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có Dự án đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ. Dự án cũng nằm trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09/01/2023.