Biển bạc đầu, thương nhớ...
Bất động sản - Ngày đăng : 09:40, 21/02/2023
Hải Phòng là thành phố Cảng, thành phố biển thuộc “cực tăng trưởng” Đông Bắc. Đến với Hải Phòng, những ai yêu mến vùng đất này đều nhớ giai thoại về nhà thơ Tố Hữu. Quãng tháng 10/1984. Tại Hội nghị sơ kết công tác xây dựng huyện toàn quốc, nhà thơ Tố Hữu, lúc ấy là Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng (Chính phủ bây giờ) gặp Bí thư Thành uỷ Hải Phòng là ông Đoàn Duy Thành và vui vẻ nói: “Mình có một bài thơ mới làm để cổ vũ những thành tích và cố gắng của thành phố Hải Phòng. Nhưng bài thơ mới chỉ có 3 câu thôi”. Tố Hữu đọc luôn: “Bốn cống, ba cầu, năm cửa ô! / Đào kênh, lấn biển, dựng cơ đồ / Làm ăn hai chữ, à ra thế...”.
Ngày ấy, còn đang thời kỳ bao cấp, kinh tế các địa phương nói chung, Hải Phòng nói riêng còn gặp rất nhiều khó khăn, cần tháo gỡ và tìm ra một hướng làm ăn mới để thoát ra khỏi sự trì trệ. Trong tình hình chung, Hải Phòng làm được nhiều việc như xây cầu, cống, đào kênh, lấn biển...Thành phố Cảng trở thành “điểm sáng” về làm ăn kinh tế được dư luận cả nước quan tâm.
Thực ra, nhà thơ Tố Hữu đã làm xong bài thơ nhưng ông chỉ đọc ba câu trên nhằm gợi ý cho một cuộc “thi thơ” không chính thức, cổ vũ phong trào tinh thần lao động, dám nghĩ dám làm trước đổi mới ở Hải Phòng. Sau đó là “thơ hay nườm nượp bay về” ban tổ chức là Báo Hải Phòng. Câu chuyện là thế, vấn đề là hồi đó Hải Phòng đã biết “vươn ra biển”.
Biển là cái nôi sinh ra sự sống. Trái đất có biển nên mới có các loài sinh vật, có loài người. Biển ôm vào lòng vô vàn tài nguyên quý giá, từ tài nguyên năng lượng, khoáng chất cho tới thực phẩm … Biển cung cấp cho nhân loại những con đường đi tới khắp nơi trên trái đất; vận tải đường biển là phương tiện vận tải rẻ nhất, chở được nhiều nhất, tiện lợi nhất. Biển là quà tặng vô giá của thiên nhiên, là thế mạnh của các quốc gia giáp biển. Bắt đầu từ những năm cuối của thế kỷ 20, nhiều quốc gia đã xây dựng chiến lược biển, với khao khát trở thành “cường quốc biển”. Thuật ngữ thế kỷ 21 là “Thế kỷ đại dương” bắt đầu xuất hiện trên báo chí, diễn đàn, văn kiện.
Thực ra vào thế kỷ XV, khi lịch sử thế giới chuyển từ thời đại lục địa sang thời đại biển thì trước cả Vasco da Gama và Christopher Columbus, Trung Quốc đã có nhà hàng hải lớn Trịnh Hòa (1371–1433). Ông được coi là nhà hàng hải và nhà thám hiểm người Trung Quốc nổi tiếng nhất. Trong khi đó nước Mỹ tuy sinh sau đẻ muộn nhưng nhờ có những nhà chiến lược biển vĩ đại như Alfred Mahan nên đã tạo dựng được một “sức mạnh biển” có tính toàn cầu đến bây giờ vẫn mạnh nhất thế giới.
Việt Nam, từ xa xưa, ông cha ta đã biết bám biển. Từ trong huyền sử đã có Lạc Long quân đưa 50 người con xuống biển. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, mãi đến những năm 30 của thế kỷ 20 mới xuất hiện nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi. Mãi tới năm 2007 Việt Nam mới có Nghị quyết 09-NQ/TW về Chiến lược biển đến năm 2020 (nay là Nghị quyết số 36-NQ/TW về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045), năm 2012 mới có Luật Biển Việt Nam.
Tôi nhớ, quãng năm 2010 nhân một lần được mời dự Hội nghị tổng kết năm của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và được gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông bảo, nhiều nước ước ao có một km bờ biển như Việt Nam đấy. Đúng thật, một đất nước ưỡn ngực ra biển với hơn 3.260 km chiều dài bờ biển, vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa với diện tích trên 1 triệu km2 thì đúng là mơ ước.
Để thực hiện chiến lược biển, hẳn có chủ trương phát triển kinh tế biển. Để có kinh tế biển, tất nhiên phải đầu tư hạ tầng, từ hạ tầng cứng đến hạ tầng mềm. Hạ tầng cứng là hệ thống giao thông vận tải đồng bộ, làm nhiệm vụ “đi trước” một bước để xây dựng đô thị biển, trung tâm kinh tế biển...Hạ tầng mềm, đó là thông tin liên lạc, nguồn nhân lực, năng lực quản trị và các trung tâm logistics. Do nghề nghiệp là nhà báo, công tác trong ngành Hàng hải Việt Nam nên tôi đọc khá nhiều, có hệ thống thư tịch, các văn kiện, hành lang pháp lý để thực hiện chiến lược biển. Và, tôi băn khoăn...
Điều tôi băn khoăn chính là, việc đầu tư hạ tầng cứng, hạ tầng mềm... mới được xác định để phát triển kinh tế du lịch, với vị trí là một trong những “mũi” nhọn của kinh tế biển. Thực ra nói đến kinh tế biển, do không gian của nó, hẳn nhiên có kinh tế biển và kinh tế bờ. Khi đầu tư hạ tầng ven biển, có nghĩa là bất động sản ven biển được “đánh thức”, trở thành nguồn lực lớn. Bất động sản không chỉ trên bờ, đã và đang xảy ra xu hướng lấn biển – vươn ra biển tạo nên những giá trị bất động sản mới. Hẳn nhiên đó là nguồn lực lớn.
Có thể đó là một khoảng trống của nhận thức, của tư duy? Nó là nguyên nhân, tạo ra “khoảng trống” về pháp lý. Cho đến nay chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về quản lý, kiểm soát hoạt động lấn biển, đặc biệt là chưa rõ chế độ quản lý, sử dụng đất lấn biển…Cách đây 20 năm tôi từng “ăn ngày, nằm đêm” ở Hạ Long (Quảng Ninh) và được nghe nhiều trăn trở của người dân vùng di sản về tương lai của vùng di sản. Có đến Hạ Long mới hiểu quỹ đất để phát triển đô thị không nhiều. Thời đó, bờ Vịnh đã thành địa chỉ đổ xỉ than, kè Vịnh, lấn biển...lấy đất xây dựng. Sông cửa Lục ngày một hẹp, luồng cửa Lục ngày càng bồi lắng, tương lai của vịnh Hạ Long, nơi 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thế giới nằm trong những tiếng thở dài.
Bất động sản ven biển, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới luôn “chiếm sóng”, trở thành ma lực của các nhà đầu tư. Hai năm qua, dẫu Covid-19 gây ra thảm họa toàn cầu nhưng giá bất động sản ven biển tăng mạnh. Tại nhiều nơi trên thế giới bất động sản nghỉ dưỡng ven biển tiếp tục mang lại giá trị sinh lời cao. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này khi các căn hộ biển ở Phú Quốc - đô thị biển đầu tiên ở Việt Nam cho đến các các nơi khác vẫn đang âm thầm tăng giá.
Biết bao thành phố như Hải Phòng, Đà Nẵng, Quy Nhơn...đang mở rộng không gian đô thị theo “tầm nhìn biển”. Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang “sải cánh” thành phố về phía Nhà Bè, Cần Giờ.
Quỹ đất trên bờ, ven bờ....không vô tận. Nó sẽ hết vào một ngày không xa. Lấn biển đã có và là xu thế của tương lai gần. Biển như “nàng tiên” đã và đang được đánh thức, nhưng tâm hồn, cảm xúc của “nàng” không chấp nhận thô bạo, bóc ngắn cắn dài. Biết bao vấn đề cần được giải quyết, đối xử thận trọng, nhất là môi trường, sinh thái biển khi thực hiện đầu tư. Tất cả phải được giải quyết trong hành lang pháp lý, đồng bộ và tương thích cùng hệ thống. Tầm nhìn, tất nhiên phải dài hạn.
Tôi sinh ra gần biển. Lang thang khắp đô thị biển đã có trên đất nước mình. Do vậy, không biết bao nhiêu lần tôi đã đọc bài thơ “Biển” của Xuân Diệu. “Thuyền và biển” của Xuân Quỳnh và hát những ca khúc về biển. “Anh xin làm sóng biếc / Hôn mãi cát vàng em / Hôn thật khẽ, thật êm / Hôn êm đềm mãi mãi”, những câu thơ của Xuân Diệu mãi vang lên.
Đó không chỉ là khát khao về tình yêu đôi lứa qua ngôn ngữ ẩn dụ của thi ca, mà nó là thông điệp gửi đến con người. Thủy chung với biển, đối xử với biển phải bằng tình yêu của con người, vì sự bền vững của cuộc sống. Chớ làm biển âu lo “bạc đầu thương nhớ”./.