Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, dấu ấn những con đường
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 12:58, 25/02/2023
Nhắc đến tướng Đồng Sỹ Nguyên, người ít để ý cũng dễ tra cứu thông tin, trong “thời internet”. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, từng giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ). Ông từng giữ cương vị Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (4/1982 – 6/1986),.. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên còn là Đặc phái viên Chính phủ, đặc trách Chương trình 327 về bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ, tham gia Ban Chỉ đạo Nhà nước về Đường Hồ Chí Minh.
Sau Đại hội Đảng lần thứ V (tháng 3/1982), Quốc hội bổ nhiệm trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm chức Bộ trưởng Bộ GTVT. Nhiệm vụ đầu tiên của Bộ trưởng mới là: "Gấp rút chấn chỉnh tổ chức, sắp xếp lại lực lượng, nâng cao năng lực quản lý". Điều đó đã được thể hiện tại Quyết định số 166/CP ngày 24/9/1982 của Chính phủ về việc chấn chỉnh một bước tổ chức quản lý và tổ chức sản xuất của ngành GTVT.
Quyết định số 166/CP lúc đó là một văn bản quan trọng, có ý nghĩa tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ nhằm chấn chỉnh lại hoạt động của toàn ngành GTVT trong giai đoạn thập niên 80. Xin nhớ rằng, Đại hội VI (năm 1986) mới tiến hành đổi mới, từng bước xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp. “Tổng công trình sư” của những bước đi chuyển đổi trong ngành GTVT, chính là Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên.
Căn cứ vào Quyết định này, công tác tổ chức của ngành GTVT được tiến hành một cách khẩn trương trên quy mô toàn ngành nhằm sắp xếp lại lực lượng, nhanh chóng lập lại trật tự GTVT; cải tiến dần cơ chế quản lý hành chính quan liêu bao cấp đang gây cản trở và kìm hãm sản xuất, từng bước chuyển đổi sang cơ chế hạch toán kinh doanh.
Tháng 2/1983, dưới sự điều hành của Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên, ngành GTVT bắt đầu “sờ đến” vấn đề nhạy cảm là tổ chức. Theo đó, ngành Đường sắt giải thể các quận để thành lập 5 công ty vận tải theo khu vực; giải thể các Vụ, Cục trực thuộc Tổng cục Đường sắt thành các Ban trực thuộc Liên hiệp Đường sắt Việt Nam. Với các ngành vận tải biển, vận tải sông sắp xếp tổ chức thành các công ty vận tải theo chuyên tuyến, theo khu vực. Ngành vận tải ô tô hợp nhất Tổng công ty quá cảnh vào Cục Vận tải ô tô, sắp xếp tổ chức thành các công ty vận tải theo khu vực. Ngành xây dựng cơ bản được tổ chức lại thành Liên hiệp các xí nghiệp xây dựng giao thông theo từng khu vực, làm nhiệm vụ xây dựng kết cấu hạ tầng của đường sắt, đường bộ và đường thuỷ....Ở các tỉnh, thành phố, các Ty Giao thông được chuyển thành các Sở GTVT như bây giờ.
Song song việc chấn chỉnh bộ máy lãnh đạo của Ngành từ Bộ tới cơ sở là việc tổ chức lại sản xuất, kinh doanh và chấn chỉnh một bước quản lý các cấp. Khẩu hiệu hành động: "Năng suất, chất lượng, hiệu quả" trở thành phong trào thi đua khắp toàn ngành lúc này.
Trong thời gian này, ngành GTVT đã tập trung vào việc xây dựng các công trình trọng điểm như cầu Thăng Long, cầu Chương Dương, cầu Đoan Vĩ, cầu Mai Lĩnh, Ghép, Phố Lu, Khuất, Ròn, Âu Lâu, Kỳ Lừa, Nông Tiến, cầu Bến Thủy... mở rộng đường vành đai Hà Nội nhằm giải toả ách tắc giao thông ở khu vực thủ đô.
Tính đến năm 1984, mật độ đường ô tô ở nước ta là 256,3 km/1.000 km2 (không kể giao thông nông thôn). Năm 1986 khối lượng vận chuyển hàng hoá đạt 31.075 nghìn tấn và khối lượng luân chuyển hàng hoá đạt 1.497,2 triệu tấn.km. Khối lượng hành khách vận chuyển 322,4 triệu lượt người. Khối lượng hành khách luân chuyển 9.743,9 triệu người.km....
Cũng xin nhắc lại, trong nhiệm kỳ Bộ trưởng GTVT của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, kinh tế - xã hội đất nước nhiều “biến động” phức tạp. Vào cuối tháng 12/1985, nghĩa là 3 tháng sau khi đổi tiền, dư nợ tín dụng gấp 3,1 lần; sang năm 1986 nhảy vọt lên, gấp 17 lần...Những cơn “rung lắc” trước đổi mới.
Những người ở thế hệ 7X, 8X thời kỳ đó, hẳn còn nhớ, nếu đi công tác Hải Phòng, thường 15h00 hàng ngày đã phải lo lắng về Hà Nội để tránh ùn tắc khi qua “điểm nghẽn” cầu Long Biên. Có thời những người công tác trong ngành GTVT ví von “Cầu Long Biên là cây cầu dài nhất thế kỷ”. Thời kỳ này cầu Thăng Long đang gấp rút hoàn thành, để qua sông Hồng lên Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh...đều phải qua cầu Long Biên. Hay nói cách khác, cây cầu Long Biên hơn trăm tuổi phải oằn mình “gánh” cả giao thông đường sắt và đường bộ.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên nhận ra điều này. “Vào cuối năm 83, ông Nguyên bắt đầu sờ vào bộ mặt giao thông Hà Nội. Hàng núi công việc. Ông Nguyên đã huy động cán bộ giúp việc bắt đầu hành động”, (Hồi ký của KS. Vũ Phạm Chánh, nguyên Chánh Văn phòng Bộ GTVT). Trong các “hành động” có việc triển khai dự án cầu Chương Dương. Sau 21 tháng thi công, vào ngày 30/6/1985, cầu Chương Dương khánh thành, vượt tiến độ 12 tháng, chấm dứt hoàn toàn cảnh tắc nghẽn trên cầu Long Biên. Hà Nội vỡ òa hạnh phúc.
Theo KS. Vũ Phạm Chánh, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên còn “nhắm” đến các công trình trọng điểm khác về hạ tầng giao thông, làm mới bộ mặt giao thông như các công trình đường sắt vào các khu công mỏ Apatit (Lào Cai), mỏ than Hòn Gai, Mông Dương...(Quảng Ninh), Điện Phả Lại, Xi măng Hoàng Thạch (Hải Dương)...; đặc biệt là đẩy nhanh việc xây dựng đường sắt tiêu chuẩn từ Kép (Bắc Giang) đi Cái Lân (Quảng Ninh).
Sau này, khi nhận bàn giao chức Bộ trưởng GTVT từ Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, GSTS. Bùi Danh Lưu nhớ lại: “Tôi vô cùng xúc động và chân thành cám ơn anh Đồng Sỹ Nguyên, vị tướng Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn và là một Bộ trưởng đầy tâm huyết của ngành GTVT chúng ta. Anh là nhà chiến lược, với tính quyết đoán mạnh mẽ, không chùn bước trước khó khăn nào. Nay anh từ biệt chúng ta để nhận trọng trách mới. Anh đã để lại một nhiệm vụ vinh quang cho tôi và những người ở lại”. GS.TS. Bùi Danh Lưu đã ôm chặt vị Tướng mà ông luôn coi như người anh lớn, đã tạo dấu ấn sâu đậm trong ngành GTVT, người tham gia mở chửa “đêm trước” đổi mới.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, dường như là “Người của những con đường”. Đó là con đường dân tộc theo nghĩa giải phóng, và những con đường theo nghĩa hẹp hạ tầng giao thông. Ông là vị Tư lệnh của Binh đoàn Trường Sơn huyền thoại, trong thời gian lâu nhất (1967 - 1975); và là một trong hai vị tướng Quân đội nhân dân Việt Nam được phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên có 3 giai đoạn gắn với với “những con đường”; đó là thời kỳ làm Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn - thời kỳ đấu tranh thống nhất đất nước là hai 2 con đường: đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh và "đường Hồ Chí Minh về xăng dầu"; Bộ trưởng Bộ GTVT và Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Phan Văn Khải, xây dựng đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhạc sỹ, KS. Phạm Hồng Sơn, nguyên Tổng giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh, có lẽ là người hạnh phúc nhất trong ngành GTVT, bởi có thời kỳ dài được gần gũi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. “Nói đến đường Hồ Chí Minh thì người đầu tiên luôn luôn được nhớ đến đó là bác Đồng Sỹ Nguyên, một Danh tướng của Trường Sơn xưa và nay! Kỷ niệm với Bác Nguyên thì rất nhiều, nhưng có những kỷ niệm không thể nào quên được, trong đó có câu chuyện vượt ngầm Ca Tang”, KS. Phạm Hồng Sơn tự hào.
KS. Phạm Hồng Sơn kể rằng, chiều 10/9/2001 khoảng 5h xe của đoàn công tác vượt ngầm Ca Tang (Quảng Bình). Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, lúc đó là Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ về đường Hồ Chí Minh, quyết định vượt ngầm trong khi nước lũ đang đổ về cuồn cuộn. Xe ông đi trước, xe Đoàn theo sau cách một đoạn chừng dăm chục mét. Nhìn chiếc Land Cruise chở Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên hùng dũng lao về phía trước có lúc như chìm hẳn trong dòng nước rồi lại chồm lên và vượt qua được quãng đường ngầm khá dài để sang được bờ bên kia, KS.Phạm Hồng Sơn thốt lên: “Bác Nguyên đúng là người nhà Trời phái xuống để giúp nước giúp dân ta nên xe Bác ấy không bị làm sao cả”.
Xe của Tổng Giám đốc Phạm Hồng Sơn đến giữa ngầm thì khựng lại, chết máy. Nước lũ cứ thế dâng cao ngập cả nóc capo xe, anh em trong xe lóp ngóp chui ra khỏi xe, tìm cách lên bờ. Người dân ở đó kể rằng: Những trường hợp người bị kẹt lũ ở giữa dòng như thế này thì mấy ngày sau phải về tận Đồng Hới cách đó mấy chục cây số để…vớt xác!
“Có lần Bác Nguyên nói với tôi, chú đi với tôi được vì tính chú điềm đạm, sâu sát công việc, biết quan tâm đến anh em công nhân và các bạn Cu ba, vì vậy mỗi lần tôi đi kiểm tra công trường thì chú sắp xếp thời gian thay mặt Ban QLDA đi cùng tôi nhé!”. KS. Phạm Hồng Sơn nói tiếp: “Thật vinh dự khi được một vị Tướng lừng danh, huyền thoại, một nhà lãnh đạo tài ba quan tâm và đánh giá rất cảm động về mình, cho nên tôi đã rất cố gắng để làm tròn bổn phận của mình đối với công việc, với công trình quan trọng quốc gia này và với bác Đồng Sỹ Nguyên!”.
“Thời gian Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên làm Bộ trưởng Bộ GTVT không nhiều, chỉ từ giữa năm 1982 đến giữa năm 1986, nhưng ông là một người rất gắn bó với Ngành, để lại nhiều dấu ấn đối với cán bộ, công nhân ngành GTVT. Ai cũng có thể kể về một vài kỷ niệm sâu sắc với ông trong cuộc đời mình. Tôi cho rằng, đó là phần thưởng quý giá nhân mà nhân dân và những người làm trong ngành GTVT đã dành cho ông”, KS. Vũ Phạm Chánh, dù đã gần 90 tuổi nhưng luôn mẫn tiệp, bồi hồi, cảm xúc nhớ lại.
Đường Hồ Chí Minh đã khánh thành, đưa vào khai thác từ lâu (giai đoạn 1, giai đoạn 2) và đang hoàn thiện (giai đoạn 3). Cao tốc Bắc Nam phía Đông và nhiều công trình hạ tầng GTVT khác đang hối hả thi công, vì một Việt Nam hùng cường. Mỗi con đường đã qua, mỗi con đường sắp tới đều có bóng dáng vị tướng huyền thoại Đồng Sỹ Nguyên./.