Cảng biển cần làm gì để giữ đà tăng trưởng trong năm 2023?

Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 07:51, 27/02/2023

Quý IV/2022, nhiều doanh nghiệp khối cảng biển thông báo sụt giảm lợi nhuận. Tình hình khó khăn được dự báo sẽ tiếp tục trong quý I/2023.

Loạt cảng biển giảm lợi nhuận

Bước sang tháng 2/2023, ông Phan Hoàng Vũ, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên doanh Dịch vụ Container Quốc tế Cảng Sài Gòn – SSA (SSIT) vẫn đau đáu vì thị trường tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Cách đây không lâu, cảng SSIT đã cải tạo thêm một số bãi để tạm thời đáp ứng nhu cầu container rỗng của các hãng tàu.

"Một lượng lớn container rỗng đang dư thừa trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam", ông Vũ phân trần.

img-bgt-2021-cangbien-1677386250-width700height448.jpg
Khối cảng biển đối mặt với nhiều khó khăn, song cũng có những cơ hội trong năm 2023. Ảnh minh họa

Theo khảo sát của Báo Giao thông, nhiều kho bãi tại cảng biển tại khu vực Hải Phòng đều được lấp đầy container. Các doanh nghiệp cảng biển cho rằng, lượng lớn vỏ container rỗng đã đổ về Việt Nam thời gian qua vì chi phí lưu kho bãi thấp.

Tình trạng dư thừa vỏ container cũng cho thấy sự sụt giảm về nhu cầu vận chuyển hàng hóa trên toàn cầu. Điều này cũng thể hiện rõ trong báo cáo tài chính quý IV/2022, nhiều doanh nghiệp cảng biển báo suy giảm lợi nhuận.

Đơn cử, quý IV/2022, Cảng Quy Nhơn ghi nhận lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 98,9 tỷ đồng, giảm 70,5% so với cùng kỳ năm trước.

Cảng Cam Ranh lại có lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt hơn 5 tỷ đồng, giảm 3,3 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021. Theo lãnh đạo Công ty CP Cảng Cam Ranh, tại kỳ hoạt động trong quý IV, hàng khai thác qua cảng không có thiết bị điện gió nhập khẩu, hàng dăm gỗ xuất khẩu giảm sản lượng. Đây là những mặt hàng cho lợi nhuận khai thác cao. Đồng thời doanh thu cảng phí của tàu ngoại cũng giảm, dẫn tới lợi nhuận kỳ giảm so với cùng kỳ năm trước.

Hay tại miền Bắc, Công ty Cổ phần Cảng Xanh VIP (VIP Green Port), CTCP Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ đều báo lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh suy giảm trong quý IV/2022 so với cùng kỳ năm 2021, song lũy kế cuối năm của các doanh nghiệp này đều đạt được mức tăng trưởng nhất định.

Đối với khối cảng miền Bắc của Gemadept như Cảng Nam Đình Vũ và Nam Hải Đình Vũ cũng giảm sản lượng, lần lượt 1,1% và 0,9%.

Trong khi đó, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) - đơn vị sở hữu hệ thống cảng biển lớn nhất cả nước ghi nhận mức doanh thu trong quý IV/2022 đạt 3.325 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của VIMC đạt khoảng 213,6 tỷ đồng, giảm 86% so với cùng kỳ. Trong đó, hoạt động khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải giảm 11% so với cùng kỳ.

Theo lãnh đạo VIMC, năm 2022, nền kinh tế thế giới chịu những tác động tiêu cực kể từ khi Nga mở cuộc tấn công quân sự vào Ukraine. Lạm phát tăng cao tác động đáng kể đến nhu cầu tiêu dùng toàn cầu và hoạt động vận tải hàng hóa. Giá cước vận tải bắt đầu giảm sâu kể từ tháng 6/2022, tình trạng dư thừa vỏ container ngày càng lớn do nhu cầu tiêu dùng thế giới liên tục giảm, người dân các nước thắt chặt chi tiêu.

Thị trường và sản lượng một số mặt hàng chủ lực của VIMC như sắt, thép, thức ăn gia súc sụt giảm mạnh. Hệ thống cảng cũng không khai thác được mặt hàng thiết bị điện gió như trong năm 2021 do hiện các dự án đang tạm dừng trong thời gian chờ chính sách mới của Chính phủ”, lãnh đạo VIMC cho hay.

Nói về tình hình kinh doanh của các cảng biển, Tổng thư ký Hiệp hội Cảng biển VN Hồ Kim Lân thừa nhận, sản lượng hàng hóa năm 2022 qua các cảng biển giảm nhiều hơn dự kiến, nhất là quý IV vừa qua.

Theo ông Lân, những khó khăn trong 2 năm qua do dịch Covid-19 và chiến sự Nga - Ukraine đã cộng hưởng và giờ mới xuất hiện, ảnh hưởng tới tình hình hàng hóa của Việt Nam.

Khơi thông luồng lạch, nâng cao giá dịch vụ xếp dỡ, tạo đà phát triển cảng biển

img-bgt-2021-img-0722-1677386429-width700height466.jpg
Hiện nay, giá dịch vụ cảng biển Việt Nam được đánh giá thấp nhất khu vực

Ông Lân khẳng định, tình hình phức tạp của thế giới tác động tới nước ta như thế nào, bao lâu là điều khó đoán trước. Bởi thế lúc này, quan trọng là nội lực kinh tế cũng như cần những chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho nền kinh tế và các doanh nghiệp cảng biển.

Hai mấu chốt đang tồn tại với khối cảng biển cần giải quyết hiện nay là khơi thông luồng lạch để khai thác tàu hiệu quả và nâng cao giá dịch vụ xếp dỡ container tại cảng biển. Hiện nay, mức giá dịch vụ cảng biển của Việt Nam đang ở mức thấp nhất khu vực”, ông Lân chia sẻ.

Đồng quan điểm, song với ông Phan Hoàng Vũ, giá dịch vụ thấp cũng là sự cạnh tranh. Nhưng sự cạnh tranh này khiến các doanh nghiệp cũng chịu thiệt thòi.

Nhà nước cần tạo cơ chế sao cho vẫn có thế cạnh tranh nhưng vẫn giữ được tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp, phát huy hiệu quả lợi thế của cảng biển”, ông Vũ nói.

Lợi thế của cảng biển Việt Nam là có thật, nhất là khi Việt Nam đang là thị trường tiềm năng, nằm trong “làn sóng” dịch chuyển đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài khỏi Trung Quốc. Chưa kể, việc Trung Quốc mở cửa sau chính sách Zero Covid cũng mang lại tín hiệu tích cực cho nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Cùng đó, ông Vũ thông tin năm 2022, sản lượng hàng hóa qua các cảng tại Cái Mép đã chiếm khoảng 67% công suất thiết kế. Các tuyến tàu đi Mỹ, Âu vẫn tiếp tục duy trì ổn định.

Những lợi thế đó cũng chính là cơ hội cho các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam giữa muôn thách thức trùng vây. Và để “đón sóng” những cơ hội này, lãnh đạo cảng SSIT cho rằng các cảng cần đầu tư, nâng cao công suất thiết kế mới có thể đáp ứng lượng hàng trong vòng 3-5 năm nữa, khi luồng hàng hải Cái Mép được nâng cấp xong. Các doanh nghiệp cảng cũng cần siết chặt hơn trong công tác quản lý chi phí, vận hành, hiệu quả làm việc, nhân lực...

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty CP Cảng Nam Đình Vũ thông tin thường sau dịp Tết Âm lịch khoảng 1 tháng, số lượt tàu thường giảm 50%.

Sản lượng hàng hoá giảm 50%, đặc biệt giảm mạnh trên các tuyến giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên năm nay, hàng hoá sụt giảm nhưng chỉ khoảng 30% và rất ít hãng tàu huỷ chuyến”, ông Hà cho hay.

Đáng chú ý, tình hình hàng hoá đã khởi sắc trở lại sớm hơn so với mọi năm. Hàng xuất khẩu đi các nước Châu Âu, Mỹ đã từng bước hồi phục. Các tuyến Nội Á khởi sắc hơn.

Đặc biệt, thị trường Trung Quốc sau khi nới lỏng kiểm soát dịch Covid-19 cũng đã có những dấu hiệu tích cực khi ngay trong cuối tháng 2 và đầu tháng 3, một số hãng vận tải sẽ mở thêm các tuyến tàu Việt Nam - Trung Quốc - Nhật Bản.

Dự kiến quý 1/2023, khu vực Hải Phòng giữ mức sản lượng hàng hóa như cùng kỳ 2022. Thị trường sẽ khởi sắc từ quý II/2023 và đạt mức tăng trưởng 5% năm 2023.

Để chuẩn bị đón những thời cơ, ông Hà cho biết doanh nghiệp của mình đã đầu tư thêm thiết bị xếp dỡ để nâng cao năng suất xếp dỡ, rút ngắn thời gian khai thác tàu. Đồng thời, cảng cũng mở rộng thêm 20 ha bãi nhằm nâng cao năng lực chất xếp hàng hoá, cũng như nâng cấp phần mềm, đầu tư công nghệ thông tin hướng tới xây dựng cảng thông minh, là trung tâm khu vực Đình Vũ với mức độ tự động hoá cao, cảng xanh và tiết kiệm năng lượng.

Theo Hoàng Anh (Báo Giao thông)