Tiếp tục điều tra mở rộng vụ án trong ngành Đăng kiểm

Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 19:14, 05/03/2023

Mấu chốt là tình trạng "chuỗi cung ứng" dịch vụ đăng kiểm làm sao không để "tắc nghẽn" như VLRO đặt vấn đề? Giải pháp trước mắt, cần làm ngay lúc này là Bộ GTVT và Bộ Công an phải cùng bàn với nhau, vì lợi ích chung.

VLRO vừa qua có đăng bài: "Vụ án Đăng kiểm" và sự đứt gãy chuỗi cung ứng dịch vụ; vậy hiện nay "vụ án" ấy như thế nào?

32999701227933222641375208078545633889372018n-16778386234941932102791.jpg
Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, thông tin tại cuộc họp báo - Ảnh: Nguyễn Khánh

Tiếp tục điều tra mở rộng

Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 đã cung cấp thông tin, công an 28 địa phương đã khởi tố 42 vụ án, khám xét 62 trung tâm đăng kiểm (TTĐK), 4 chi cục đăng kiểm, khởi tố 379 bị can với các tội danh môi giới hối lộ, đưa hối lộ, nhận hối lộ, giả mạo trong công tác, sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng công cụ, thiết bị phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác; che giấu tội phạm.

So sánh như vụ Việt Á, ông Xô khẳng định số bị can trong vụ này chắc chắn không dừng lại và các tỉnh đang tiếp tục làm. Với hoạt động đăng kiểm, có ba mảng chính là kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường thủy và hoán cải phương tiện.

Tuy nhiên, công an đang tiếp tục điều tra một số hoạt động khác, ví dụ kiểm định phương tiện nội thủy cũng có “rất nhiều vấn đề”.

Qua xác minh ban đầu, các cán bộ của Cục Đăng kiểm Việt Nam và TTĐK nhận hối lộ để bỏ qua lỗi. Ví dụ lỗi không đưa phương tiện thủy lên kiểm tra, không kiểm tra máy chạy thử phương tiện, phương tiện không có đèn tín hiệu, thiếu thiết bị an toàn… nhưng vẫn lập báo cáo kiểm định an toàn, đạt yêu cầu và cấp giấy chứng nhận an toàn và bảo vệ môi trường.

Thêm nữa, việc hoán cải phương tiện cũng có nhiều tiêu cực. Một số nhân viên phòng đăng kiểm lập công ty “sân sau”, móc nối các công ty này để bỏ qua lỗi qua quá trình thẩm định; lập hồ sơ giả trong thi công, hoán cải, sau đó chỉ nộp tiền hợp thức hóa, móc nối các trung tâm đăng kiểm để cấp giấy chứng nhận..

Ngay ngày hôm qua (2/3), Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Châu Ngọc Ý (38 tuổi, ngụ quận Cái Răng, TP Cần Thơ) và Nguyễn Sỹ Hùng (43 tuổi, ngụ TP Bến Tre) để điều tra về hành vi “Nhận hối lộ”. Chiều 3/3, Công an thị xã Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ) cho biết, đơn vị đang điều tra, làm rõ vụ “Nhận hối lộ” xảy ra tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 19-02D. Số bị can chắc chắn chưa dừng lại ở con số gần 400 người.

60 trung tâm Đăng kiểm bị dừng hoạt động

Thống kê của Cục ĐKVN đến sáng 2/3, cả nước có 60 trung tâm đăng kiểm bị dừng hoạt động. Trong đó, tại TP.HCM có 9 dây chuyền phải đóng cửa. Tương tự, ở Hà Nội, đã có 20/31 trung tâm đăng kiểm phải tạm dừng hoạt động.

So với ngày 1/3, hôm nay Thủ đô có thêm 2 đơn vị đăng kiểm khác phải đóng cửa để phục vụ công tác điều tra, gồm: 2912D (Mai Đình, Sóc Sơn) và 2916D (Sài Đồng, Long Biên). Như vậy toàn thành phố chỉ còn 11 đơn vị mở cửa phục vụ công tác đăng kiểm xe cơ giới cho người dân, doanh nghiệp.

Theo dự báo của ĐKVN, chu kỳ đăng kiểm lượng phương tiện đến kiểm tra sẽ giảm trong tháng 2 và tăng từ tháng 3 trở đi. Tuy nhiên, năng lực kiểm định của các TTĐK tại Hà Nội chỉ đạt khoảng 42% nhu cầu. Tương tự, tại TP.HCM là khoảng 53%.

Nguyên nhân là do lượng lớn đăng kiểm viên tại các trung tâm bị khởi tố, bắt tạm giam vì sai phạm. Điều này khiến cho những ngày gần đây tại Hà Nội, TP.HCM tái diễn cảnh người dân phải xếp hàng từ đêm chờ đăng kiểm.

Người dân mệt mỏi khi phải chờ đợi, bản thân những đăng kiểm viên đang làm việc cũng phải gồng mình bù vào "khoảng trống" nguồn nhân lực đang ngày một "cạn kiệt".

Do thiếu hụt đăng kiểm viên, có người phải làm một lúc 2 công đoạn (nhiều việc gấp đôi so với trước). Lượng xe đổ về lớn nên đăng kiểm viên phải đi sớm, về muộn hơn ngày thường, nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Các ngành chức năng cần ngồi lại tìm cách tháo gỡ

Theo thông tin trên các báo, hiện nay ở nhiều nơi, đặc biệt Hà Nội và TP.HCM, đã tái diễn cảnh ô tô ùn ứ kéo dài chờ kiểm định. Người dân đưa xe đi đăng kiểm phải xếp hàng dài, chờ từ sáng đến trưa mới tới lượt. Người dân lo ngại, nhất là trước dịp lễ 30/4 sắp đến.

img-0518-2327.jpg
Hàng trăm ô tô chờ đăng kiểm tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 2903S (Ảnh báo Thanh Niên)

Lo ngại đứt gãy hệ thống đăng kiểm, phương tiện không được kiểm định sẽ đối diện nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, vận tải, nhu cầu đi lại của doanh nghiệp và người dân, nên thời gian qua Cục ĐKVN đã đưa ra nhiều giải pháp.

Trong số đó, có phương án sửa quy định 3 đăng kiểm viên trên một dây chuyền. Theo lãnh đạo Cục ĐKVN, giải pháp cấp bách là cần sửa đổi quy định cho phép 2 đăng kiểm viên thực hiện một dây chuyền kiểm định. Quy định hiện hành đang là tối thiểu 3 đăng kiểm viên/1 dây chuyền.

Theo đó, việc sắp xếp một dây chuyền kiểm định có đăng kiểm viên chuyên môn cao, có thể đánh giá được tất cả các hạng mục trong quy trình kiểm định, giảm bớt áp lực về số đăng kiểm viên trên một dây chuyền, từ đó tăng năng suất lao động và khả năng đáp ứng nhu cầu đăng kiểm xe của người dân. Tuy nhiên, việc này chỉ thực hiện được khi xem xét, sửa đổi Nghị định 139/NĐ-CP hiện nay.

Theo các huyên gia giao thông, cuộc "khủng hoảng" trong lĩnh vực đăng kiểm này gần như phải xoá đi làm lại từ đầu, điều đó cần thời gian. Vấn đề thực tiễn hiện nay là nhu cầu đăng kiểm rất lớn, máy móc có nhưng thiếu đăng kiểm viên vận hành. Những giải pháp mà Cục ĐKVN nêu thời gian vừa qua chỉ mang tính chất tạm thời, "chữa cháy" tình huống.

Với đề xuất giảm đăng kiểm viên trên một dây chuyền, các chuyên gia đăng kiểm, an toàn giao thông lão thành cho rằng, về nguyên tắc là chấp nhận được. Vì trong dây chuyền đăng kiểm, 1 người cũng có thể làm thêm một vài công đoạn khác cho nên giảm từ 3 xuống 2 đăng kiểm viên cũng có thể thực hiện được.

Mấu chốt là tình trạng "chuỗi cung ứng" dịch vụ đăng kiểm làm sao không để "tắc nghẽn" như VLRO đặt vấn đề? Giải pháp trước mắt, cần làm ngay lúc này là Bộ GTVT và Bộ Công an phải cùng bàn với nhau, vì lợi ích chung. Còn nếu như hiện nay, sẽ không có phương án nào giải quyết được.

Võ Thị Phương Thủy (tổng hợp)