Nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Hiếu đã về cõi "trời xanh, mây trắng"

Văn hóa - Ngày đăng : 21:40, 05/03/2023

Nhà báo, nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Hiếu đột ngột qua đời lúc 10h50, ngày 5/3/2023, hưởng thọ 76 tuổi. Ông đã về với "trời xanh mây trắng" trong sự tiếc thương của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.

VLRO. Nhà báo, nhà văn, nhà viết kích Nguyễn Hiếu sinh năm 1948, sinh thời từng là Phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng, Trưởng phòng Phát thanh Kinh tế của Đài Tiếng nói Việt Nam; Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

Cuộc đời làm báo của ông, gắn bó từ sớm với ngành Giao thông vận tải, trải qua nhiều đời Bộ trưởng, từ thập niên 80 đến nay. Cho đến lúc rời "cõi tạm", ông vẫn là Hội viên Chi hội nhà báo Tạp chí Cầu đường Việt Nam (trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam). 

Nguyễn Hiếu viết kịch từ năm 16 tuổi, và nổi tiếng từ sớm. Kịch bản đầu tay của ông là "Truyền thuyết nỏ thần". Từ đó đến nay, ông đã có khoảng 80 kịch bản sân khấu, hơn 20 kịch bản điện ảnh...

Trong "gia tài" kịch, ông đã có nhiều kịch bản sân khấu ấn tượng như "Chu Văn An - người thầy của muôn đời", "Trái tim đông lạnh", "Tấm Cám"... Riêng vở "Thân phận nàng Kiều" của ông đoạt nhiều giải lớn, vang dội, như: Huy chương Vàng cho Vở diễn xuất sắc, giải Đạo diễn xuất sắc, giải Họa sĩ tạo hình xuất sắc, 2 Huy chương Vàng cho diễn viên xuất sắc, 5 Huy chương Bạc cho các diễn viên tham gia vở (Liên hoan sân khấu thử nghiệm Quốc tế lần thứ 10, năm 2019), Giải A vở diễn xuất sắc nhất năm của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

Trong "gia tài" văn xuôi, ông đã viết và xuất bản 21 tiểu thuyết; tiêu biểu như các cuốn: "Chuyện tình người điên", "Chân trời vỡ đôi", "Người đàn bà quỷ ám"; "Tôi bán mình", "Dòng sông màu máu" - 3 tập; "Tình nhân", "Vàng dưới đáy sâu", "Mặt nạ để đời"…Ông còn có hàng chục tập truyện ngắn. Ông viết văn gây "kinh ngạc" cho đồng nghiệp.

Ở mảng thơ, ông đã xuất bản "Làng mình", NXB Văn học năm 2021, trong số hàng trăm bài thơ đã sáng tác. Đây có thể coi là tác phẩm cuối cùng của ông, xuất bản lúc sinh thời.

Tưởng nhớ nhà báo, nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Hiếu, VLRO xin đăng lại bài viết "Làng mình, tiếng gọi tâm thức" của nhà báo, nhà thơ Ngô Đức Hành - Trưởng đại diện Tạp chí Vietnam Logistics Review tại Hà Nội, thay nén hương tiễn ông vào cõi vĩnh hằng.

333553568-1578519639323294-530308817175782444-n-1199.jpeg
Di ảnh nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Hiếu (1948 - 2023)

"Làng mình", tiếng gọi tâm thức

Lâu nay, tôi chỉ biết Nguyễn Hiếu với tư cách là nhà văn, nhà viết kịch. Biết hơn, ông là nhà văn viết như “bổ củi”. Không chỉ gia tài đồ sộ về văn chương, kịch bản sân khấu...và các giải thưởng ông nhận được; mà còn ngoài thất thập ông vẫn viết đầy sung mãn. Thế rồi tôi bất ngờ khi thấy Nguyễn Hiếu đăng thơ, in thơ. “Làng mình” NXB Văn học, quý 4/2021 là tác phẩm mới nhất của ông.

Thời đó, ông đã được Giải thưởng cuộc thi thơ do Bộ Nội thương (cũ) tổ chức và đích thân nhà thơ Xuân Diệu – thành viên Ban Giám khảo trao giải. Thời đó, ông đã được nhà thơ Phạm Hổ biên tập thơ và nhà thơ Chế Lan Viên gặp gỡ hai lần, góp ý về làm thơ.

Tiếp cận với “Làng mình”, tôi mới vỡ ra, ông làm thơ khá sớm. Năm 1973 nhà văn Nguyễn Hiếu sau này đã có thơ in trên báo Văn Nghệ - thời ấy thơ được in ở tờ báo hàng đầu về văn chương này, “không phải chuyện đùa đâu”. Vài năm sau đó, nhà văn Nguyễn Hiếu in tập thơ đầu tay “Thơ gửi ra chiến trường”. Thế rồi, ông “ly hôn”, mãi gần đây Nguyễn Hiếu mới “tái hôn” với Nàng Thơ.

Làng mình”, gồm 36 bài, “đẫm làng”. Có thể thấy qua tên các bài thơ “Cây rơm dưới chiều”, “Đùa với quan họ đến hội làng”, “Đàn bà làng tôi”, “Đàn ông làng tôi”, “Bây giờ ta lại về làng”, “Làng chèm của tôi”, “Nếu mai làng không còn tre”, “Nhật ký làng chống lụt”, “Bây giờ làng tôi”, “Thu làng”. Như vậy, đã có 10/36 bài có từ “làng”, chiếm 28%. Ngoài ra, còn có các bài thơ khác gợi làng như “Khúc ca người nông dân đi chợ đêm”, “Em gái tôi lấy chồng xứ Huế”, “Nón trắng trên đồng ơi”, “Thế là mẹ đã ra đi”, “Quê một thuở”, “Trở lại căn nhà xưa của mẹ”...

Tôi đọc thơ về làng khá nhiều. Đơn giản là các nhà thơ Việt Nam, phần lớn đều có xuất xứ nông thôn. Không viết về nơi chôn nhau, cắt rốn của mình, có lẽ sẽ là dị biệt, nếu sinh ra từ làng. Với Nguyễn Hiếu, tôi tò mò vì ba nhẽ, ông là nhà văn, nhà viết kịch nổi danh; sau nữa ông là người Hà Nội; cuối cùng làng ven đô, khác gì làng “nguyên thủy”?

Hóa ra, Nguyễn Hiếu cũng có một tuổi thơ mốc ẩm mùi rơm rạ: “Cây rơm rủ tóc dưới trời sương / Ai từng nhớ và ai từng thương / Mây vần vụ lửng lơ chiều tu hú / Trái thị lặng lẽ vàng ươm” (Cây rơm dưới chiều). Nguyễn Hiếu là một người nhẹ vía, cứ đùa, cứ tếu, ngay cả chốn lao xao. Nhiều khi tôi nghĩ ông cứ “tênh hênh” như Thị Mầu. Đọc thơ ông mới biết, ông đã là một người tếu táo từ hồi trẻ, hồi trẻ đã là một “tín đồ” của chèo: “Lòng đang sử rầu miệng lại hát lới lơ / Ta hóa thằng Nô, ta đi ra phố / Phú ông sáng nay đổ đốn làm thơ / Ta ngắc ngư bên Súy Vân giả ngố” (Tùy hứng chèo). Bài này ông sáng tác lúc nào thì không biết nhưng “bối cảnh” thơ ngỡ như hồi bé ông theo người lớn ra đình xem chèo. Thời đó, ông mặc quần dải rút, thắt vẫn tụt nhưng đã biết “ghẹo”.

Nguyễn Hiếu đã biết khai thác chất đồng dao, âm hưởng và tích dân gian để “ghẹo”. Phẩm chất chèo, bộc lộ ngay trong “Tùy hứng chèo”, thảo nào sau này trong gia tài của mình, ông có rất nhiều kịch bản, kịch hát cho sân khấu chèo Trung ương và địa phương. Không chỉ “Tùy hứng chèo”, nhân vật Thị Mầu còn được ông khai thác trong nhiều bài thơ khác như “Đùa với quan họ đến hội làng”.....hoặc dành cho Thị Mầu địa vị xứng đáng trong “Khúc tương tư Thị Mầu”.

...

Gió ơi đừng ghẹo cơn sầu

Sông ơi, đừng để qua cầu nhớ nhung

Thôi mà lòng vả, lòng sung

Loay hoay tìm giọt thủy chung. Thôi mà...

(Khúc tương tư Thị Mầu)

Thị Mầu một nhân vật trong chèo cổ. Trong tác phẩm “Quan Âm Thị Kính”, Thị Mầu là nhân vật đặc biệt; được miêu tả là lẳng lơ, sàm sỡ, táo bạo, đáng giận, đáng trách. Thị Mầu thành “điển tích”, “oan Thị Mầu” trở thành thành ngữ cho đến nay và chắc là về sau. Nhưng cái hay của Thị Mầu đó là nhân vật phản kháng, dám đòi hỏi nữ quyền trong một xã hội phong kiến lạc hậu. Bốn câu thơ cuối trong bài thơ “Khúc tương tư Thị Mầu” cho thấy, Nguyễn Hiếu vẫn tưng tửng với yếu tố giễu nhại trong thơ, nhưng phía sau là một tầng khác của của nhân thế, của giải phóng phụ nữ, ngay cả trong tình yêu, tình dục.

nha-van-nguyen-hieu-phai-va-tac-gia-bai-bao.jpg
Cố nhà văn Nguyễn Hiếu (phải) và tác giả bài viết (năm 2021)

Nguyễn Hiếu sinh ra ở Trung Văn, Từ Liêm (cũ) rặt khoai lúa. Không gian làng thơm mùi rơm rạ. Nay vùng đất ấy thành phố, thuộc quận Thanh Xuân. Cuộc đời ông có thời gian dài sống ở Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng) xưa cũng là làng. Thậm chí vùng đấy xưa nhiều cò, cói bay về làm tổ trên các rặng tre...Nay thì ông chuyển về làng Chèm, ấy cũng là làng, dù bây giờ thuộc quận Bắc Từ Liêm. Có lẽ vì thế, “Làng mình” đắm đuối, cái tình, cái nghĩa, tiếc nuối làng xưa.

...

Tre mất rồi làng ơi

Sông vắng thuyền nan

Sáo Trương Chi đứt tiếng

Con trai đưa cha không gậy chơi vơi

Mây ngừng trôi. Diều thôi liệng

Gạo không lọt sàng cũng chẳng xuống nia

(Nếu mai làng không còn tre)

Không chỉ là làng ở Hà Nội, nơi nhà văn Nguyễn Hiếu đã sinh ra và lớn lên mà trước “cơn lốc” đô thị, phong trào “Nông thôn mới”, làng quê vùng đồng bằng ở Việt Nam không còn nhiều tre. Ai mà không nhớ tùy bút nổi tiếng “Cây tre Việt Nam” của Thép mới, bài thơ “Tre Việt Nam” của Nguyễn Duy?

Trong bài thơ “Nếu mai làng không còn tre” của Nguyễn Hiếu, tre làm thuyền nan, gậy của người già, đan sàng, đan nia...(vật dụng nhà nông), nhưng tre cũng là văn hóa (với thi ảnh “sáo Trương Chi”, cánh diều trẻ thơ). Cây tre Việt Nam gắn bó với người nông dân trong lịch sử dựng nước, giữ nước, thân thuộc quá đỗi, thành một phần “hồn cốt” của làng. “Gạo không lọt sàng cũng chẳng xuống nia”, Nguyễn Hiếu đã “biến tấu” từ thành ngữ “Lọt sàng xuống nia” tạo ra nghĩa ẩn của câu thơ về đạo lý. Vâng, làng không còn tre, nhiều thành tố văn hóa làng cũng đã mất đi cùng “đô thị hóa” lệch hướng. Tre mất, làng rỗng.

...

Làng tôi bây giờ

Đường làng không còn gạch chôn nghiêng

Lớp bê tông trơ lỳ như mặt thằng quỵt nợ

Ngói vẩy xộp vỡ tan tành

Cây mít già đã cưa làm củi...

(Bây giờ làng tôi)

img_20211209_155101_2.jpg
Bìa tập thơ "Làng mình" của nhà văn Nguyễn Hiếu

Biết bao thay đổi. Con người sau lũy tre làng xưa vì mất ruộng, mất nghề phải vào phố làm osin, trai phóng xe “bình bịch mồm phì phèo”, “Gái làng bôi môi thâm Hàn Quốc”...Giữa “được” và “mất” là một câu hỏi, chưa ai trả lời. “Dù bây giờ làng không còn tre gù lưng chờ như thuở ta gội nắng chang chang chân bỏng cát bên dòng sông hoang mang cánh buồm nâu vá hai miếng trắng”; “Ta thiu thiu đi ngược chiều giàn mướt tháng Tám trổ hoa vàng rực, bát canh cua nổi riêu tiếng chày buông nhịp và thành bể cuốn vòm bên mắt na mở nhìn vào nắng sớm” (Bây giờ ta lại về làng – thơ văn xuôi). Ông thốt lên “Làng đấy ư hay nỗi nuối tiếc bâng quơ”.

Viết về “Làng mình”, dù có yếu tố giễu, yếu tố nhại; nhưng thăm thẳm trong thơ Nguyễn Hiếu là thế sự, nhân sinh, buồn ngơ ngác. Ông có hai bài thơ “Đàn bà làng tôi” và “Đàn ông làng tôi” xếp cạnh nhau, khá thú vị. Bài “Đàn bà làng tôi” có 49 câu, “Đàn ông làng tôi” có 51 câu. Phải nói là dài, tứ thơ được tự do bay nhảy trong đồng dao biến tấu. Tôi thấy, đây là hai bài thơ “đại diện” nhiều góc độ. Về nghệ thuật thi ca, đúng như TS. Nguyễn Văn Đường, nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội nhận xét: “Chất dân gian – hiện đại trong thơ Nguyễn Hiếu nổi lên khá đậm. Đó là sự kết hợp giữa các thể thơ 3, 4, 5 tiếng, thơ tự do với thơ lục bát một cách nhịp nhàng, kết hợp hình ảnh, vần điệu một cách có vẻ tự nhiên, dễ dãi mà thực sự dụng công, công phu và ở nhiều trường hợp anh đã thành công”. Xin nói thêm, Nguyễn Hiếu còn thành công trong thơ văn xuôi. Ngoài “Bây giờ ta lại về làng” đã dẫn, còn “Đối diện với ngọn chóp chài” “Sông Cái một giải nông sờ”, “Mấy hôm trời mưa mưa qua”. Bốn bài thơ văn xuôi này mỗi bài đều gồm 5 khúc.

Nguyễn Hiếu hoàn toàn ngẫu hứng, ông không gò cảm xúc, cố dấu, cố nén...khi triển khai tứ. Tuy nhiên, tạo ra trường mỹ cảm hiệu quả. Hãy xem hai câu lục bát cuối cùng trong hai bài thơ tạc “chân dung” đàn ông, đàn bà của làng:

...

Một vai gánh cả đường trường

Mênh mông bầu ngực, mây vương sớm chiều

(Đàn bà làng tôi)

...

Thân này, ham rượu thèm nem

Cái lúm đồng tiền...ứ hữ...cũng ham!

(Đàn ông làng tôi).

Nhà thơ Vũ Quần Phương trong đề từ nhận xét: “Nguyễn Hiếu giăng mắc nỗi nhớ của ông trong không gian làng”; nhà thơ Trần Anh Thái thì viết “Tâm hồn nhà thơ như chùng xuống, chìm ngập trong nỗi nhớ thương da diết...Ông gọi mãi, gọi mãi cho đến khi khản giọng”. Trong “Làng mình”, Nguyễn Hiếu có viết về mẹ “Thế là mẹ đã đi xa”, về em “Em gái tôi lấy chồng xứ Huế’ và gọi mẹ trong nhiều bài thơ khác. Tình mẫu tử luôn thiêng liêng, bất kể với ai “Xuôi tay sự đời mẹ trả / Chân con loạng choạng dưới chiều” (Thế là mẹ đã đi xa). Quê là mẹ, mẹ là quê, mẹ đã mất, làng xa vời, dẫu vẫn sống trên đất làng. “Quê một thời của ta ơi / Một bóng câu vụn ngang trời thoắt qua” (Quê một thuở); “Hôm tôi về mái đình cong dấu hỏi / Làng Chèm rồi sao, rồi sao” (Làng Chèm của tôi). Những câu thơ xa xót, ám ảnh.

Dẫu con tạo xoay vần, đời người như chớp bể, tất cả rồi sắc sắc không không. Nguyễn Hiếu đau đớn, xót xa và ngộ ra: “Thuyền nào mà chẳng lênh đênh / Giữ lòng nhân giữa buồn tênh ru mình” (Ru ta). Dẫu cung bậc nào thì sứ mệnh của thi ca cũng là gìn giữ, cứu rỗi cái đẹp. Đó là mục đích của tồn tại và sáng tạo của thi sỹ. Với ý nghĩa ấy “Làng mình” là một tập thơ của chiêm nghiệm và thức tỉnh.

Nhà thơ Ngô Đức Hành