Quảng Bình đẩy mạnh triển khai giải pháp giảm chi phí logistics, kết nối hệ thống hạ tầng giao thông
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 14:07, 08/03/2023
Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Bình giao Sở Công Thương căn cứ nội dung của Quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và tình hình thực tế để tham mưu UBND tỉnh phương án định hướng phát triển trung tâm logistics thống nhất, đồng bộ và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển khác trên địa bàn tỉnh; tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) mà Việt Nam đã ký kết, mở rộng thị trường xuất khẩu; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lĩnh vực xuất khẩu, dịch vụ logistics; từng bước phát triển dịch vụ logistics theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại đảm bảo chất lượng và hiệu quả; khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, công nghệ số trong hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ logistics; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp qua việc cải thiện cơ sở hạ tầng logistics gắn kết với thương mại điện tử; khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp trong một số ngành áp dụng mô hình chuỗi cung ứng tiên tiến trong quá trình sản xuất kinh doanh, trong đó chú trọng triển khai các hoạt động logistics trên nền tảng công nghệ thông tin và công nghệ mới trong logistics…
Cùng với đó, các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo cơ chế, chính sách thông thoáng để khuyến khích đầu tư phát triển dịch vụ logictics trên địa bàn tỉnh; lập danh mục dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên kêu gọi thu hút đầu tư, trong đó chú trọng kêu gọi đầu tư Trung tâm logistics tại Khu kinh tế Hòn La, Khu kinh tế Cửa khẩu Cha Lo; thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo, mở rộng hệ thống giao thông vận tải, ưu tiên huy động nguồn lực để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông; hiện đại hóa hệ thống nhà ga, bến cảng, kho bãi... bảo đảm kết nối thuận tiện dịch vụ logistics; chỉ đạo phát triển sản xuất từng nhóm mặt hàng nông sản, lâm sản, thủy sản…, tạo nguồn cung ổn định, chất lượng và bền vững cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu; xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư để thu hút nhà đầu tư lớn, có tiềm năng trong và ngoài nước vào đầu tư tại khu kinh tế, khu công nghiệp giúp tăng nguồn hàng hóa, dịch vụ cho xuất khẩu; tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về biên giới, cửa khẩu, tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng trong hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu biên giới, cảng biển; quản lý chặt chẽ hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới, cửa khẩu, cảng biển; vận hành tốt hệ thống thông quan tự động, hệ thống dịch vụ công trực tuyến và hệ thống công nghệ thông tin chuyên ngành khác trong công tác quản lý hải quan, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi giải quyết thủ tục hải quan...
Ngoài ra, các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với sở, ngành liên quan để rà soát quy hoạch, dành quỹ đất phù hợp cho xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, kho bãi, dịch vụ hậu cần, cảng cạn, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông của tỉnh để từng bước tạo thành mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics trên địa bàn, đảm bảo đồng bộ, hiện đại, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như căn cứ điều kiện thực tế tại địa phương chủ động kêu gọi, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống kho, bãi, trạm dừng nghỉ hoàn chỉnh hệ thống logistics trên địa bàn.