Phát triển các huyện theo đặc thù, thế mạnh của địa phương gắn với quy hoạch phát triển chung của TP.HCM

Hạ tầng - Ngày đăng : 15:33, 09/03/2023

UBND TPHCM vừa tổ chức hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả nghiên cứu các đề án nhánh thuộc đề án đầu tư - xây dựng các huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc TPHCM) giai đoạn 2021 - 2030 (Đề án).

Giải pháp cần tập trung đầu tư xây dựng cho 5 huyện ngoại thành

Đầu tư, xây dựng, chuyển đổi các huyện ngoại thành lên quận hoặc thành phố trực thuộc TPHCM giai đoạn 2021-2030 là một trong những chương trình đột phá của TPHCM theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM nhiệm kỳ 2021 - 2025. Nhằm hướng đến sự chuyển đổi và phát triển 5 huyện mang tính bền vững, UBND TP đã phân công 4 sở và Viện Nghiên cứu phát triển chủ trì nghiên cứu 5 đề án nhánh, bao gồm: Kinh tế đô thị; Hạ tầng đô thị; Bộ máy đô thị; Văn hóa đô thị và Con người đô thị.

Song song đó, 5 huyện ngoại thành cũng được phân công chủ trì tổ chức xây dựng tổng hợp 5 đề án về đầu tư xây dựng chuyển huyện thành quận (hoặc thành phố thuộc thành phố), trên địa bàn từng huyện. Trong số các đề án nhánh, lần đầu tiên thành phố chỉ đạo nghiên cứu về chủ đề con người đô thị, nhằm xây dựng và đưa ra các giải pháp để đẩy nhanh tiến trinh chuyển đổi người nông dân thành thị dân.

Đây là sự sáng tạo trong đề xuất và giao chủ đề nghiên cứu mới trong các đề án đầu tư xây dựng chuyển huyện thành quận (hoặc thành phố trong thành phố), hướng đến phát triển bền vững, do con người là trung tâm của mọi vấn đề. Từ thực tiễn vừa qua cho thấy, nếu không đầu tư xây dựng con người đô thị tương thích trong môi trường mới, cho dù các huyện ngoại thành có đầu tư cơ sở vật chất hiện đại đến đâu, cũng vẫn xuất hiện những rào cản rất lớn, do không có sự tương đồng giữa một xã hội tương đối hiện đại với những con người cũng phải phù hợp với lối sống hiện đại.

Qua thực tiễn và đối chiếu các tiêu chí từ các quy định hiện hành khi chuyển đổi từ chính quyền nông thôn sang chính quyền đô thị, so sánh giữa tiêu chí thực trạng và tiêu chỉ theo quy định, kết quả cho thấy, việc lựa chọn mô hình thành phố thuộc thành phố (tương ứng đô thị loại III) sẽ khả thi và thuận lợi hơn đối với 5 huyện, so với mô hình lên quận (tương ứng đô thị loại I cao hơn). Hầu hết 5 huyện đều vướng tiêu chí theo quy định là 100% xã, thị trấn phải là phường đối với chuyển thành đơn vị hành chính cấp quận, trong khi chỉ đạt tối thiểu là 70% phường trực thuộc, đối với đơn vị hành chính cấp thành phố (thuộc thành phố).

ha-1-vlr-09032023-thanhuytphcm-dang.png
Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan trao đổi với đại biểu bên lề hội nghị

Bên cạnh đó, tiêu chí đối với đơn vị hành chính cấp thành phố thuộc thành phố có cho phép huyện giữ lại 1 số xã nông thôn (30% trong tổng số xã), vẫn được giữ nguyên và xem như là khu vực nông thôn ngoại thành của thành phố mới (thành phố thuộc thành phố), nên sẽ là phương án lựa chọn tối ưu của hầu hết các huyện.

Về kết quả tích hợp 5 đề án nhánh, có 2 nhóm giải pháp cần tập trung đầu tư xây dựng cho 5 huyện ngoại thành, bao gồm nhóm giải pháp đầu tư về cơ sở vật chất của đồ thị bao gồm lĩnh vực phát triển kinh tế đô thị và hạ tầng đô thị và nhóm giải pháp đầu tư về thể chế, văn hóa, con người và bộ máy quản lý đô thị, sao cho phù hợp. Trong số các giải pháp, cần lưu ý đến các giải pháp đề xuất xây dựng và định hình con người đô thị và lối sống đô thị; qua đó các huyện cần tập trung triển khai các giải pháp ưu tiên đối với người dân, nhằm tăng cường khả năng thích ứng, cùng khả năng tiếp cận (nhà ở, dịch vụ an sinh xã hội và tiếp cận thông tin), kể cả hạn chế những rủi ro có thể xảy ra của người dân 5 huyện, trong quá trình chuyển đổi.

UBND TPHCM cũng đề xuất, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật để cụ thể hóa tinh thần của “Nghị quyết 31/NQ-TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trung ương cần có cơ chế thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông kết nối nội vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long tạo sự lưu thông giúp phát huy nguồn lực trong liên kết vùng, từ đó tạo thể chế, thu hút nguồn lực giúp quá trình đô thị hóa và phát triển của TPHCM nói chung và 5 huyện nói riêng, cũng như thúc đẩy sự phát triển của các địa phương trong vùng.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Nội vụ có cơ chế đột phá cho TPHCM. Xem xét, thẩm định, giao bổ sung số lượng biên chế cho các phường, xã, thị trấn cần căn cứ theo các tiêu chí tùy theo thực tiễn địa phương về quy mô diện tích, dân số, sự phức tạp của địa bàn.

Đặc biệt đối với các xã của các huyện có đông dân cư, đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Bộ Nội vụ nghiên cứu cơ chế đột phá hơn nữa về chính sách thu hút nhân tài đặc biệt là nhân tài trong lĩnh vực công nghệ, trí tuệ nhân tạo ở cả nước nói chung trong đó có cơ chế đột phá thí điểm cho TPHCM để tạo nguồn lực phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp gắn với công nghệ và trí tuệ nhân tạo giúp tạo ra sản phẩm cạnh tranh, đáp ứng xu thế công nghệ của thế giới và đây là tiền đề cho TPHCM nói chung và 5 huyện nói riêng mở ra cơ hội bứt phá, phát triển tăng trưởng ngoạn mục và nhằm hướng đến một đô thị hiện đại, văn minh, phát triển mạnh mẽ kinh tế, xã hội số và quản trị số hiệu quả.

Phát triển huyện theo thế mạnh đặc thù của từng địa phương

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đánh giá cao các đơn vị sở ngành đã hoàn thành 5 đề án nhánh, các đề án mang tính khoa học, khái quát cao, định hướng rõ, là cơ sở để xem xét đưa vào quy hoạch, kế hoạch phát triển chung của thành phố và 5 huyện, cũng như của các sở ngành.

Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Hoan các đề án này đã chậm so với kế hoạch triển khai của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố, do ảnh hưởng của hai năm dịch bệnh, do vậy cần phải tập trung triển khai nhanh, vì đây là cơ sở để làm quy hoạch chung của thành phố và đưa vào định hướng phát triển của các ngành.

Qua các báo cáo các đề án nhánh, ông Võ Văn Hoan lưu ý, các huyện đều phát triển lên theo thế mạnh của từng địa phương, nên cần xác định rõ theo hướng phát triển đô thị phức hợp, tạo ra những sản phẩm bổ trợ khuyếm khiết của đô thị trung tâm. Nghiên cứu để phát triển huyện thành các đô thị vệ tinh của TPHCM, đô thị hiện đại, đô thị xanh, đô thị có định hướng phát triển vượt trội hơn, phát triển đô thị có định hướng, nhìn ở khía cạnh phát triển toàn diện, từ kinh tế, xã hội, con người, hạ tầng, văn hóa, quản trị, quản lý đô thị, để có định hình phát triển đô thị mới hiện đại.

ha-2-thanhuy-tphcm-02032023-vlr-dang.png
Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan phát biểu kết luận hội nghị

Ông cũng lưu ý, các huyện, các ngành liên quan đến 5 đề án nhánh, nghiên cứu những đề án nhánh khác để bổ sung và đề nghị các huyện chuyển thành chỉ tiêu phấn đấu để đạt các chỉ tiêu phát triển về dân số, văn hoá, trường học… Trong các chỉ tiêu kinh tế, cần chú ý chỉ tiêu phát triển công nghiệp, dịch vụ là chủ yếu, còn chỉ tiêu về nông nghiệp giữ ổn định. Đề nghị các huyện phấn đấu lên đô thị loại III, nhưng các chỉ tiêu về hạ tầng xã hội phải đạt đô thị loại I, hình thành đô thị không gian mới, không lãng phí… Đồng thời, các huyện cũng cần nghiên cứu cơ chế chính sách để huy động nguồn lực để xây dựng đô thị ở các huyện, huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư vào đô thị. Quy hoạch chú ý quy hoạch hạ tầng kết nối.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai, ông đề nghị các huyện căn cứ đề án nhánh để hoàn thiện đề án của địa phương, trình Ban Thường vụ Huyện ủy và gởi về UBND TPHCM trước ngày 25/3/2023. Các sở ngành, 5 sở liên quan tiếp tục hoàn thiện Đề án, tập hợp số liệu, rà soát, hoàn thiện gởi Sở Nội vụ tổng hợp và giao Sở Nội vụ hoàn thiện đề án chung và tờ trình Ban Thường vụ Thành ủy trước ngày 30/3/2023.

Minh Hiệp