Bình Phước thực hiện chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp
Nông nghiệp - Ngày đăng : 12:13, 11/03/2023
Chiến lược này nhằm phát triển cơ giới hóa nông nghiệp đồng bộ và chế biến nông, lâm, thuỷ sản về cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị và điều kiện đầu tư phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất của từng vùng sản xuất, địa phương. Trong đó ưu tiên đối với các vùng sản xuất hàng hóa, tập trung, trọng điểm và ngành hàng có giá trị gia tăng cao, sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết vùng.
Để hoàn thành kế hoạch đề ra, UBND tỉnh Bình Phước đưa ra 6 nhóm giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện về thể chế, chính sách. Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, nghiên cứu hoàn thiện quy định để quản lý, thực hiện.
Khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã và cá nhân đầu tư vào cơ giới hóa nông nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch; sơ chế, bảo quản sau thu hoạch, chế biến chuyên sâu tạo giá trị gia tăng cao, đồng thời có chính sách thúc đẩy doanh nghiệp/hợp tác xã khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực cơ giới hóa và chế biến nông sản.
Hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai theo hướng khuyến khích, tạo điều kiện tích tụ đất đai và cơ chế phối hợp giữa các ngành, địa phương trong công tác tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn được cơ giới hóa đồng bộ kết nối với cụm ngành chế biến, thị trường tiêu thụ, phù hợp với điều kiện từng vùng, ngành hàng.
Thứ hai, phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; tổ chức sản xuất. Tổ chức các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo định hướng phát triển nhóm sản phẩm (sản phẩm chủ lực quốc gia, cấp tỉnh, sản phẩm là đặc sản của địa phương) được cơ giới hóa đồng bộ, phù hợp với lợi thế của từng vùng, đảm bảo cung cấp đủ nguồn nguyên liệu và kết nối với khu chế biến nông sản, khu dịch vụ thương mại và khu du lịch, liên kết vùng.
Phát triển các cụm liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ nông sản được cơ giới hóa đồng bộ tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; chú trọng, phát triển các doanh nghiệp chế biến, bảo quản có đủ năng lực về vốn, công nghệ và thị trường tiêu thụ để dẫn dắt chuỗi giá trị nông sản, vận hành một cách thông suốt, hiệu quả; khuyến khích phát triển các cụm liên kết làm động lực của các vùng.
Thứ ba, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ. Tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ phục vụ phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào đầu tư phát triển cơ giới hóa và chế biến nông sản.
Áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến của thế giới như HACCP, ISO, BRC, BSC…trong tất cả các cơ sở chế biến nông sản, nhất là các cơ sở chế biến xuất khẩu để đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.
Thứ tư, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Từng bước chuẩn hóa đội ngũ lao động điều khiển máy móc, thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản theo hướng đào tạo, huấn luyện có chứng chỉ, bằng cấp; tăng cường công tác huấn luyện an toàn vệ sinh cho người lao động và sử dụng lao động trong máy móc, thiết bị, công nghệ và chế biến nông sản.
Thứ năm, hợp tác và hội nhập kinh tế trong và ngoài nước. Tăng cường chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến với các tổ chức quốc tế, các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản.
Triển khai thực hiện các nội dung thỏa thuận về lĩnh vực nông nghiệp của các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết; tăng cường áp dụng quy trình công nghệ, hệ thống quản trị tiên tiến, hiện đại của thế giới nhằm đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, năng lực cơ giới hóa và chế biến nông sản phù hợp với điều kiện của tỉnh.
Thứ sáu, phát triển tín dụng trong sản xuất nông nghiệp. Triển khai hiệu quả chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo nghị định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phù hợp với các đối tượng khách hàng.