Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đề nghị đặt quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch nền

Bất động sản - Ngày đăng : 11:24, 15/03/2023

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến 19 tỉnh, thành phía Nam về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vào ngày 14/3/2023 tại TP Cần Thơ.
hinh-anh-1-can-tho-vlr-15032023.jpg
Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Phát biểu định hướng thảo luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội đặc biệt quan tâm, hiện đang lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp Nhân dân, khẳng định vai trò đất đai trong mối quan hệ giữa quản lý Nhà nước với Nhân dân. Việc lấy ý kiến đóng góp của Nhân dân phát huy trí tuệ, đóng góp của Nhân dân đưa thực tiễn và yêu cầu đòi hỏi của cuộc sống đối với vấn đề quản lý đất đai vào dự thảo luật.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mong muốn hội nghị tập trung nhiều vấn đề lớn như cụ thể hóa về chính sách đặc thù riêng cho miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Những quy định gắn với điều kiện tự nhiên và lịch sử phát triển 2 khu vực trên như vấn đề đất nông nghiệp, vấn đề hạn điền, việc chuyển nhượng; các vấn đề liên quan đến chuyển dịch đất đai, vấn đề thu hồi giải phóng mặt bằng tái định cư, đền bù, hỗ trợ; việc chuyển dịch từ đất nông nghiệp; tính đặc thù của những địa phương hiện nay chuyển dần sang đô thị hóa và công nghiệp hóa; vấn đề mối quan hệ giữa đất nông nghiệp, đất ở các khu vực phòng hộ, rừng phòng hộ.
Tại hội nghị, đại diện các địa phương lần lượt đưa ra các góp ý, kiến nghị về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi lấy ý kiến từ nhân dân.

ha-2-can-tho-vlr-15032023.png
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, phát biểu đóng góp các ý kiến góp ý về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Phát biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đề nghị trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nên đặt quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch nền để các quy hoạch khác thực hiện theo, tránh sự chồng chéo bất cập, khó thực hiện. Đồng thời, đề xuất bỏ Khoản 3 và Khoản 4 tại Điều 65 Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện để tránh sự chồng chéo.

Về kế hoạch sử dụng đất, TP Cần Thơ đề nghị sửa lại thời gian thực hiện kế hoạch sử dụng đất cấp huyện là 30 tháng (2,5 năm) trong Dự thảo Luật cho phù hợp với thực tiễn. Bởi vì kế hoạch sử dụng đất cấp huyện có thời hạn là 1 năm là rất khó thực hiện, gây nhiều phiền phức, tốn kém thời gian, kinh phí của người dân, của các tổ chức và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cơ chế chuyển dịch đất đai (Chương 7, từ Điều 89 đến Điều 110), TP Cần Thơ cho rằng theo quy định của pháp luật về đất đai, việc hỗ trợ trong thu hồi đất nông nghiệp chỉ áp dụng cho tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp (là những người không được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, tổ chức kinh tế, chính trị xã hội khác, kể cả người về hưu). Việc quy định người trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp làm cho nhiều cán bộ, công chức, viên chức tham gia các công việc giúp cải thiện đời sống gia đình thông qua việc sản xuất nông nghiệp gây ra nhiều bất cập.

“Trong khi đặc thù của Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, TP Cần Thơ nói riêng, trên 80% cán bộ, công chức, viên chức xuất thân là nông dân, như vậy, họ không được xem là đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp nên khi bị thu hồi đất thì chỉ được nhận tiền bồi thường, không được nhận tiền hỗ trợ”, ông Trần Việt Trường phát biểu tại hội nghị.

Về quản lý, sử dụng đất nông trường, từ thực tiễn của Cần Thơ trong quá trình quản lý đối với 2 nông trường Sông Hậu và Cờ Đỏ, đề nghị Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bổ sung, điều chỉnh các nội dung sau:
Cần bổ sung thêm nội dung vào Khoản 2, Điều 175 “Đất do các công ty nông, lâm nghiệp quản lý, sử dụng”; Đề nghị bỏ điểm c, Khoản 3, Điều 175 “Công nhận quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất là người nhận khoán, người đang thuê đất sử dụng đất;” Đề nghị điều chỉnh điểm b, khoản 3, Điều 175 “Giao đất, cho thuê đất đối với cá nhân ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất sản xuất;” thành “Cho thuê đất đối với cá nhân ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất sản xuất;”.
Đồng thời, đề nghị Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đưa thêm nội dung điều kiện thu hồi đất giao khoán cho các nông trường viên tại các nông, lâm trường để tạo cơ sở pháp lý thực hiện chính sách cải tạo các nông, lâm trường tạo quỹ đất sạch đưa ra đấu giá, nhằm đưa đất vào sử dụng một cách có hiệu quả nhất.

Lãnh đạo các địa phương khác ở Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ cũng nêu ra nhiều ý kiến, góp ý tập trung vào các vấn đề mà nhân dân trong vùng quan tâm.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân, hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến hoàn thiện trước ngày 27/3/2023. Sau đó trình Chính phủ báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chỉnh lý, hoàn thiện theo ý kiến góp ý trước ngày 01/4/2023; báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước ngày 05/4/2023. Trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu cho Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi), báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, trước ngày 25/4/2023.

Phương Thảo