Thủ tướng Phạm Minh Chính: Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, cần ưu tiên các nguồn lực, tạo động lực

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 13:15, 16/03/2023

"Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển" là chủ đề Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023, vừa diễn ra ngày 15/3. Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.
02-16788897558211499277202.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023

"Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine, những khó khăn mà cả thế giới phải đối mặt, thì đâu là nguyên nhân chủ quan khiến du lịch "đi trước về chậm". "Tại sao tỷ lệ khách du lịch quốc tế trở lại VN còn thấp? Các giải pháp đúng và trúng chưa?", Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt câu hỏi nhân dịp nhìn lại một năm kể từ ngày Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch (15/3/2022). 

Từ đó, Thủ tướng yêu cầu các doanh nghiệp (DN), chuyên gia phát biểu tại hội nghị không màu mè, không biểu diễn, đi thẳng vào vấn đề, đề xuất các giải pháp để VN thu hút được khách quốc tế.

Cạnh tranh điểm đến…

Ngành Du lịch đặt mục tiêu trong 2023, khách du lịch quốc tế sẽ đạt 8 triệu lượt; khách du lịch nội địa đạt 102 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch khoảng 650.000 tỉ đồng. Để đạt mục tiêu, Bộ VH-TT-DL kiến nghị Chính phủ ban hành Nghị quyết sau hội nghị, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cho các bộ, ngành, trong đó tháo gỡ về những điểm nghẽn trong chính sách miễn thị thực. Đồng thời, xem xét, đề xuất Quốc hội sửa đổi, bổ sung nhằm nâng cao sức cạnh tranh của du lịch VN, tạo thuận lợi hơn cho du khách quốc tế nhập cảnh VN… ", Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại hội nghị.

Tổng giám đốc Vietnam Airlines, ông Lê Hồng Hà cho biết: “Đến nay, Vietnam Airlines đã mở lại tất cả các đường bay quốc tế, còn mở thêm 2 khu vực thị trường mới trong giai đoạn dịch bệnh đó là Ấn Độ và Mỹ. Tuy nhiên, khách du lịch quốc tế vẫn thấp nên hệ số sử dụng của các hãng trên các đường bay quốc tế chỉ đạt 60 - 64%. Dự báo năm 2023, vận tải hàng không quốc tế sẽ quay về mức 80%, nội địa đạt tới mức 95% so với trước dịch với mức lãi nhỏ nhưng khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn chỉ ở mức thấp hơn 70% và tiếp tục lỗ 6,9 - 7 tỉ USD”. Những con số này cho thấy đây là thách thức rất lớn cho ngành Hàng không và Du lịch trong năm 2023.

04-16788897746601197629534.jpg
Phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể với phát triển kinh tế - xã hội với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sun Group ông Đặng Minh Trường cũng đánh giá VN đang đứng trước thách thức rất lớn khi cuộc cạnh tranh giữa các điểm đến ngày càng gay gắt: "Năm 2019, VN đón 18 triệu lượt khách thì Thái Lan họ đón 40 triệu. Năm 2023 chúng ta đặt mục tiêu 8 triệu thì họ đã đón 25 triệu và theo báo cáo của Bộ VH-TT-DL thì năm 2030, VN kỳ vọng đón 35 triệu khách nhưng Thái Lan đến năm 2027 đã muốn đón 80 triệu khách rồi. Như vậy, nếu như chúng ta không có các giải pháp đột phá, có những cải cách mạnh hơn nữa ngay bây giờ thì chúng ta sẽ đi sau rất xa".

Miễn thị thực và kéo dài thời gian lưu trú cho du khách

Để hỗ trợ phát triển du lịch nội địa, Chính phủ Việt Nam đã quyết định tiếp tục miễn thị thực đối với du khách nước ngoài khi nhập cảnh cho đến hết tháng 5 năm nay. Điều này sẽ giúp tăng số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong bối cảnh ngành du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19.

Ngoài việc miễn thị thực, Chính phủ cũng đã kéo dài thời gian lưu trú cho du khách nước ngoài từ 15 ngày lên tới 30 ngày. Điều này cho phép du khách có thêm thời gian để khám phá đất nước Việt Nam và trải nghiệm các địa điểm du lịch tuyệt vời tại đây. Việc miễn thị thực và kéo dài thời gian lưu trú là một bước tiến quan trọng trong việc hỗ trợ ngành du lịch tại Việt Nam trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19. Điều này cũng thể hiện sự quan tâm và sự đồng cảm của Chính phủ đối với các du khách quốc tế.

Cần những chính sách nào để hỗ trợ vực dậy du lịch nội địa?

"Chúng ta cần có thêm nhiều chính sách tập trung thu hút đối tượng khách có mức chi trả cao. VN có rất nhiều tiềm năng để phát triển loạt sản phẩm mới như du lịch golf. Năm 2019, trong 5 triệu khách Hàn Quốc đến VN thì có hơn 1 triệu khách đi đánh golf, mang đến doanh thu hàng tỉ USD cho ngành du lịch. Chúng tôi đề nghị giảm hoặc miễn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với khách đi đánh golf là khách du lịch để thu hút thêm nhiều đối tượng khách hạng sang này tới VN", ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN đề xuất.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) nhận định nguyên nhân lớn nhất do VN đang bỏ lỡ 2 loại hình là xu hướng mới về du lịch gồm du lịch sức khỏe và du lịch mua sắm: "Liên kết chuỗi giá trị là "chìa khóa" giúp ngành du lịch Thái Lan phát triển mạnh và các thành phần trong chuỗi giá trị, từ giao thông đến lưu trú, dịch vụ... đều hưởng lợi. Chúng ta cần phát động một chiến dịch liên kết cùng thúc đẩy du lịch như chiến dịch "SMILE" mà Thái Lan đã làm, trong đó, nhà nước đóng vai trò điều phối, liên kết các hãng hàng không, lữ hành tới điểm đến, lưu trú, nhà hàng và dịch vụ. Các hãng hàng không sẽ "bắt tay" với lữ hành để giảm giá vé, đưa khách tới các trung tâm mua sắm miễn thuế và nhận về bù trừ hoa hồng. Đây là nguồn lực rất lớn cho các hãng lữ hành nhanh chóng vực dậy. Khách quốc tế sẽ đổ về VN tiêu tiền, các hãng hàng không, khách sạn, nhà hàng cũng sẽ lập tức hồi phục".

Theo ông Hạnh Nguyễn, tất cả các nước có ngành du lịch phát triển trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... đều sử dụng mô hình factory outlet (trung tâm thương mại bán hàng giảm giá qua mùa) để thu hút du khách, tăng chi tiêu và doanh thu du lịch.

Chính phủ sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp ngành du lịch

Thủ tướng nhấn mạnh du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, ngành công nghiệp không khói, đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế của nhiều quốc gia. Đây là xu hướng phát triển của tương lai, phát triển xanh, bền vững, thân thiện môi trường.

ttxvn_1912_du_lich.jpg
Du khách nước ngoài trải nghiệm bằng thuyền tại Tràng An (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

"Đến năm 2030, khách du lịch quốc tế đến VN phải đạt 47 - 50 triệu lượt, du lịch đóng góp khoảng 14 - 15% GDP và nâng tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP lên trên 50%. Đây là những chỉ tiêu cao, đạt được không phải dễ. Tuy nhiên, tôi có niềm tin vững chắc rằng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, chủ động, sáng tạo, phản ứng kịp thời, linh hoạt, phân công rõ trách nhiệm của các chủ thể, chúng ta sẽ đạt được các mục tiêu này, với những nền tảng quan trọng" Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tập trung rà soát, kịp thời cập nhật, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, quy định về du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại và hội nhập, tạo thuận lợi cho khách du lịch cả nội địa và quốc tế; Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, giải pháp đột phá để phát triển ngành du lịch, nhất là khai thác các yếu tố riêng có của VN.

Trước hết, cần sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế theo hướng tăng số lượng nước được miễn thị thực và kéo dài thời hạn lưu trú phù hợp với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử; Tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước, quốc tế mở các đường bay và trực tiếp kết nối VN với các thị trường du lịch trọng điểm, tiềm năng. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các tập đoàn, tổng công ty du lịch lớn, đa quốc gia trong thúc đẩy kết nối, thu hút các thị trường khách lớn, tiềm năng…

Lê Thiện Khánh – Lâm Trọng Khang