Vùng Tàu mùa bông gòn tinh khôi
Du lịch - Ngày đăng : 15:56, 16/03/2023
Vũng Tàu là vùng đất nghỉ dưỡng mà nhiều người dân vùng Đông Nam Bộ thường muốn tìm đến để xoá đi cái nóng, xoá đi những căng thẳng của cuộc sống bộn bề.
Sẽ chẳng xa lạ khi nhắc đến Vũng Tàu với biển và sóng mênh mông. Nhưng vùng địa dư xinh đẹp này, vẫn luôn tiềm ẩn những ưu đãi với con người. Những cảnh sắc bốn mùa thay đổi, vẫn luôn chờ đợi để được du khách tìm đến khám phá và yêu mến.
Mùa này, cây gòn- một loài cây đặc trưng của vùng đất phương Nam bỗng đua nhau thay lá, trổ bông và kết trái. Những trái gòn xanh lủng lẳng trên cành, chờ ngày chuyển mầu nâu sẫm rồi trút xuống những lớp bông trắng xoá. Những đám mây nhỏ xinh giăng mắc khắp trời, khiến người ta tưởng tượng tới những bông tuyết của xứ hàn đới xa xôi nào.
Vũng Tàu lại có nguyên một con đường đầy những cây bông gòn đó mọc chen nhau, cùng nhau thay lá, cùng nhau trổ hoa và nở những lớp bông trắng xoá ấy. con đường dốc, men theo triền núi, và phía xa xa kia là biển ngày đêm vỗ sóng. Cảnh vật ấy, người ta liên tưởng tới những hòn đảo của đất nước Hàn Quốc xa xôi, những khung cảnh diễm lệ trong những bộ phim nổi tiếng của xứ sở kim chi. Con đường nhỏ, uốn lượn lên núi Nhỏ (hay còn gọi núi Tao Phùng).
Cây gòn hay còn gọi là cây bông gạo, trong thời chiến dùng để cầm máu nhưng bây giờ được sử dụng để sản xuất gấu bông, hạt ép lấy dầu, lá thay cho dầu gội. Quả gòn dài hơn gang tay, bên trong là lớp bông trắng mềm dịu, để tận dụng món quà thiên nhiên này nhiều người thường lấy bông gòn làm gối.
Nhiều nhà học thuật đã chỉ ra mối tương quan giữa loài cây này với vùng đất Sài Gòn – Gia Định. Căn cứ vào từ “Sài” nghĩa là củi và “Gòn” tức cây bông gòn, nhà bác học Pétrus Trương Vĩnh Ký lý giải tên Sài Gòn nghĩa là “rừng gòn”, do ngày trước người Cao Miên trồng nhiều cây mà thành. Có lẽ đó là cách lý giải thích hợp mà nhiều người yêu mến vùng đất này còn hay nhắc tới.