Quan hệ kinh tế Việt Nam - Ba Lan trong chuỗi giá trị quốc tế

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 21:00, 16/03/2023

Ba Lan nhiều năm qua là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Trung - Đông Âu. Thời gian qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ

Dư địa thương mại còn rất lớn

Việt Nam là đối tác thương mại quan trọng của Ba Lan tại châu Á. Trong những năm qua, Việt Nam là thị trường có mức tăng trưởng tổng kim ngạch hai chiều với Ba Lan tăng đều và ở mức cao. Ba Lan hiện là bạn hàng số một của Việt Nam tại khu vực Đông Âu trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Ba Lan ngoài châu Âu.

khai-thac-hang-air-mlc.jpg
Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 và năm 2022 đều ở mức cao, trên 2,5 tỷ USD

Quan hệ thương mại, đầu tư Việt Nam - Ba Lan đã phát triển nhanh chóng và hiệu quả, theo xu hướng gia tăng thương mại hai chiều của Việt Nam - EU kể từ khi hiệp định EVFTA có hiệu lực. 

Việt Nam hiện là thị trường cung cấp hàng hóa lớn thứ 12 cho Ba Lan với tỷ trọng chiếm 0,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của nước này và là thị trường xuất khẩu hàng hóa đứng thứ 26 của Ba Lan với tỷ trọng chiếm 0,14%. 

Các mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Ba Lan gồm hàng may mặc, giày dép, thủy sản, hàng nông sản như ngũ cốc, cà phê. Ngược lại, Ba Lan có thế mạnh về dược phẩm, nhóm sản phẩm từ sữa, thức ăn gia súc hay mỹ phẩm. Đây đang là những mặt hàng Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu khá lớn. Vì vậy, hai bên còn nhiều dư địa hợp tác trong lĩnh vực thương mại nông sản thực phẩm nhờ những lợi thế bổ sung cho nhau.

Theo ông Grzegorz Piechowiak, Quốc vụ khanh Bộ Phát triển và Công nghệ Cộng hòa Ba Lan, để thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp hai bên, tại cuộc họp tham vấn hợp tác kinh tế - thương mại song phương với Bộ Công Thương nước ta mới đây, phía Ba Lan đã trao đổi, thảo luận nhiều nội dung nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai bên trong đó tập trung vào những giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong hợp tác thương mại và đầu tư để tăng cường sự hiện diện của các doanh nghiệp Ba Lan tại Việt Nam.

Thời gian tới, phía Ba Lan sẽ tăng cường tổ chức đoàn doanh nghiệp tới Việt Nam để khảo sát thị trường và tìm kiếm cơ hội hợp tác thông qua việc tham gia vào các hội chợ triển lãm, kết nối doanh nghiệp và quảng bá sản phẩm. Cán cân thương mại giữa hai nước hiện nay đang thiên lệch và phía Ba Lan đang từng bước nỗ lực cân bằng và thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ hơn nữa với Việt Nam.

Thúc đẩy quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực

Tại buổi tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Zbigniew Rau vào chiều 16/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ tin tưởng chuyến thăm Việt Nam của Ngài Bộ trưởng sẽ góp phần đưa quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Ba Lan ngày càng phát triển hơn nữa trên nhiều lĩnh vực.

img7275-1678963026749410035764.jpg
Thủ tướng đánh giá cao việc Ba Lan nhiều năm qua luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Trung Đông Âu

Trao đổi về quan hệ song phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ hài lòng về những phát triển tích cực trong quan hệ hai nước thời gian qua; đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao, cũng như giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước nhằm tăng cường sự tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau, tạo nền tảng để thúc đẩy và mở rộng hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực.

Thủ tướng đánh giá cao việc Ba Lan nhiều năm qua luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại Trung Đông Âu; bày tỏ vui mừng về việc thời gian qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 và năm 2022 đều ở mức cao, trên 2,5 tỷ USD. 

Thủ tướng đề nghị Ba Lan tạo thuận lợi cho các sản phẩm nông, lâm và thủy sản của Việt Nam có mặt ngày càng nhiều hơn trên thị trường Ba Lan; khuyến khích các doanh nghiệp Ba Lan đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực dược phẩm, chế biến thực phẩm, công nghiệp chế tạo...

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Ba Lan sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) để tạo thuận lợi cho hợp tác đầu tư bình đẳng, cùng có lợi giữa hai nước; thúc đẩy EC sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với hàng thủy sản Việt Nam, đáp ứng lợi ích người tiêu dùng Ba Lan và EU, cũng như bảo đảm sinh kế cho hàng trăm nghìn lao động trong ngành ngư nghiệp Việt Nam.

Thủ tướng cũng đã trao đổi với Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan về một số biện pháp thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, văn hóa-du lịch, nông nghiệp, khoa học-công nghệ…

Bộ trưởng Ngoại giao Zbigniew Rau cam kết sẽ thúc đẩy các bộ, ngành của Ba Lan phối hợp với phía Việt Nam nhằm cụ thể hóa các ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, góp phần đưa quan hệ hợp tác song phương ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả; đồng thời bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mà Ba Lan có thế mạnh, như công nghệ thông tin, thành phố thông minh, công nghệ xanh, bảo vệ môi trường...

Bảo Hân (tổng hợp)