Xây dựng lòng tin để liên kết chuỗi cung ứng
Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 14:58, 20/03/2023
Câu chuyện "đèn nhà ai nấy rạng"
Doanh nghiệp (DN) Việt Nam lâu nay vẫn xem câu chuyện thông tin trong kinh doanh là bí mật kinh doanh, không thể chia sẻ với các DN khác được. Tuy nhiên, liên kết chuỗi cung ứng đòi hỏi các thành viên trong chuỗi phải hợp tác chia sẻ thông tin đúng, đầy đủ với các thành viên của nhóm thì chuỗi liên kết mới thành công.
Đối với liên kết theo chiều dọc, thông tin cần phải được chia sẻ từ các nhà cung ứng nguyên vật liệu với nhà sản xuất, các đơn vị vận tải, logistics và cuối cùng là đến khách hàng. Nhà sản xuất cần phải chia sẻ với nhà cung ứng về sản lượng, số lượng hàng tồn kho, như cầu nguyên vật liệu hàng tháng, hàng quý để nhà cung ứng có thể chuẩn bị tốt nguồn cung. Đối với khách hàng, nhà sản xuất cần chia sẻ đầy đủ thông tin từ khâu thiết kế sản phẩm, khả năng cung cấp, thời hạn giao hàng để khách hàng chủ động trong việc marketing, quảng cáo, phân phối sản phẩm. Bên cạnh đó các nhà vận tải, logistics cần nắm rõ thông tin về việc cung cấp nguyên vật liệu, sản phẩm để bố trí phương tiện, sắp xếp lưu kho hợp lý, giảm hàng tồn kho cho doanh nghiệp sản xuất.
Đối với liên kết theo chiều ngang, các DN có cùng ngành nghề hoặc có liên quan với nhau có thể chia sẻ thông tin về thị trường, giá cả sản phẩm, sản lượng hàng hoá để các thành viên có thể có chiến lược kinh doanh phù hợp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN mình.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay các liên kết như vậy vô cùng lỏng lẻo. Các DN rất ngại chia sẻ thông tin với đối tác, khách hàng của mình. Các DN sản xuất, thương mại ít có hợp đồng dài hạn với các nhà cung ứng, nhà thầu phụ. Các nhà sản xuất thường theo đuổi mục tiêu giảm chi phí nên không ký hợp đồng dài hạn với nhà cung ứng mà kỳ vọng sẽ cắt giảm chi phí nguyên vật liệu thông qua đấu thầu hoặc chào giá cạnh tranh hằng năm để lựa chọn lại nhà cung ứng. Việc chia sẻ thông tin là rất ít và thông thường là thông tin một chiều từ nhà sản xuất. Tương tự, các DN liên kết theo hình thức liên kết ngang là các hiệp hội ngành nghề thông thường cũng không chia sẻ thông tin về DN mình vì e ngại đối tác, đối thủ lợi dụng để phá giá hoặc cạnh tranh không lành mạnh. Chính vì bưng bít thông tin, không muốn chia sẻ do thiếu lòng tin lẫn nhau nên dẫn đến tình trạng sản xuất cung vượt cầu hoặc phá giá, cạnh tranh trong nội bộ ngành xảy ra thường xuyên.
Xây dựng lòng tin để gia tăng giá trị chuỗi cung ứng
Để xây dựng lòng tin giữa các thành viên trong chuỗi cung ứng, trước hết các DN cần nhận thức được lợi ích to lớn của việc liên kết. Liên kết chuỗi cung ứng sẽ giúp các DN phòng ngừa rủi ro do biến động của thị trường như giá cả nguyên vật liệu, nguồn cung, nhu cầu... từ đó có chiến lược kinh doanh phù hợp. Liên kết chuỗi cung ứng sẽ giúp các DN giảm lượng hàng tồn kho, giảm dự trữ nguyên vật liệu, giao hàng đúng hạn... từ đó gia tăng lợi nhuận cho DN.
Xuất phát từ nhận thức đó, các DN sẽ cởi mở hơn trong việc chia sẻ thông tin để liên kết chuỗi cung ứng.
Đầu tiên các DN sản xuất cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ, dài hạn với các nhà cung ứng nguyên vật liệu; xây dựng các kênh chia sẻ thông tin thông qua các phần mềm dùng chung hoặc cũng có thể sử dụng các hình thức khác như email, họp giao ban định kỳ nhằm cung cấp đến nhà cung ứng các thông tin chính xác về nhu cầu nguyên vật liệu của mình, từ đó nhà cung ứng có thể chủ động trong việc cung cấp, giúp DN sản xuất tiết kiệm được chi phí tồn kho, cũng như đáp ứng kịp thời các đơn hàng của DN. DN sản xuất nên có danh sách hạn chế (short list) các nhà cung ứng nguyên vật liệu với hợp đồng dài hạn để có thể tạo mối liên kết lâu dài, hai bên cùng có lợi.
Bên cạnh đó, đối với khách hàng, nhà phân phối, DN sản xuất cần hợp tác trong việc chia sẻ thông tin về thiết kế sản phẩm, mẫu mã, sản lượng, thời điểm giao hàng. Tương tự, DN có thể chia sẻ thông tin qua các phần mềm dùng chung và các hình thức họp, giao dịch điện tử khác. Việc chia sẻ thông tin ngay từ giai đoạn thiết kế với khách hàng sẽ giúp DN nắm bắt thị hiếu, nhu cầu của thị trường trước khi bắt tay vào giai đoạn sản xuất. Cần lưu ý rằng, cũng tương tự nhà cung ứng, DN cần tạo dựng lòng tin với khách hàng để có thể giữ chân khách hàng lâu dài, một mắt xích quan trọng của việc liên kết chuỗi cung ứng.
Cần lưu ý, các thoả thuận hoặc hợp đồng dài hạn với đối tác, nhà cung ứng hoặc khách hàng chính là cơ sở để xây dựng lòng tin lẫn nhau. Các hợp đồng ngắn hạn luôn được các đối tác, khách hàng, nhà cung ứng cho là chưa tin cậy lẫn nhau.
Ngoài các thông tin nói trên, DN vẫn bảo mật được các thông tin khác như tài chính, khách hàng, bí quyết công nghệ... nên không quá lo ngại về việc thất thoát thông tin.
Các DN trong chuỗi liên kết theo chiều ngang cần dựa vào các hiệp hội ngành nghề, liên minh các hợp tác xã... để xây dựng quy chế hợp tác, liên kết. Các hiệp hội nghề này cần có đủ thực lực để có chế tài loại bỏ các thành viên vi phạm điều lệ, quy chế như phá giá, che giấu thông tin. Đây là hình thức đầu tiên để xây dựng lòng tin. Các DN trong chuỗi liên kết phải cởi mở thông tin, hiểu biết lẫn nhau trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi (win-win). Các kiểu liên kết theo chiều ngang sẽ thất bại nếu như các hiệp hội nghề không mang lại giá trị gia tăng cho DN. Các thành viên trong chuỗi cung ứng cần phải được đối xử công bằng, minh bạch, bình đẳng để tạo dựng lòng tin lẫn nhau, nếu không sẽ dễ xảy ra xung đột lợi ích, kết cục là liên chuỗi sẽ tan rã. Hiện nay nhiều hiệp hội ngành nghề hoạt động chỉ mang tính hình thức nên khả năng liên kết trong chuỗi là rất yếu kém.
Không có lòng tin giữa các DN thì khó có thể bàn đến liên kết chuỗi cung ứng.