Giải pháp tài chính bền vững cho vườn quốc gia và khu bảo tồn

Nông nghiệp - Ngày đăng : 19:12, 20/03/2023

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, để xây dựng định hướng và giải pháp tài chính bền vững cho các khu bảo tồn rừng, trước hết chúng ta cần hiểu rõ các giá trị của rừng.
ha-1-vlr-nong-nghiep-20032023.png

Ngày18/3, tại Vườn quốc gia Cát Tiên, Hội nghị cấp cao về “Định hướng và giải pháp tài chính bền vững cho các vườn quốc gia và khu bảo tồn” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF)

Thực trạng về các vườn quốc gia và khu bảo tồn Việt Nam

Theo báo cáo của Cục Lâm nghiệp, Việt Nam có hệ thống rừng đặc dụng với tổng diện tích trên 2,3 triệu ha. Trong đó, tính riêng 34 vườn quốc gia chiếm diện tích hơn 1,27 triệu ha.

Hệ thống rừng đặc dụng phân bố khắp cả nước rất đa dạng và phong phú, từ hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi, tiêu biểu ở các vườn quốc gia: Ba Bể, Cát Bà, Cúc Phương, Phong Nha - Kẻ Bàng. Hệ sinh thái rừng cận nhiệt đới trên núi có độ cao thấp và trung bình ở các vườn quốc gia: Hoàng Liên, Chư Yang Sin, Kon Ka Kinh, Bidoup - Núi Bà. Hệ sinh thái hỗn hợp (rừng - biển đảo) ở các vườn quốc gia: Bái Tử Long, Cát Bà, Côn Đảo, Núi Chúa, Phú Quốc, cho đến hệ sinh thái rừng ngập mặn ở các vườn quốc gia: Xuân Thủy, Côn Đảo, U Minh Thượng, Mũi Cà Mau, U Minh Hạ,…

Hệ thống rừng đặc dụng hiện lưu giữ đa dạng loài quý hiếm với 186 loài động vật và 71 loài thực vật, tiêu biểu như Hổ, Voi Châu Á, Voọc Cát Bà, Chà Vá chân nâu, Chà vá chân đen, Sâm Ngọc Linh, Thông nước… Đặc biệt, hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế công nhận với 2 di sản thiên nhiên thế giới; 9 Khu dự trữ sinh quyển được UNESCO công nhận; 10 Vườn di sản ASEAN ; 9 Khu RAMSAR…

“Việc bảo vệ, bảo tồn các giá trị của hệ sinh thái và đa dạng sinh học là rất cấp thiết trong hiện nay và tương lai, Tổng cục Lâm nghiệp đã tham mưu ban hành và tổ chức triển khai nhiều văn bản, chính sách quan trọng nhằm tiếp tục bảo tồn và phát triển bền vững môi trường rừng, sử dụng rừng gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.

Có thể thấy, công tác bảo tồn đa dạng sinh học của nước ta hiện đang được thực hiện chủ yếu ở các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, nơi lưu giữ các cánh rừng đang được bảo vệ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật Việt Nam. Các vườn quốc gia, khu bảo tồn cũng đã và đang có nhiều hoạt động bảo tồn mang lại hiệu quả cho hệ sinh thái hoang dã cũng như lợi ích thiết thực đối với cộng đồng”, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết.

Giải pháp tài chính bền vững cho vườn quốc gia và khu bảo tồn

Tại hội nghị, bà Kirsten Schuijt - Tổng Giám đốc WWF toàn cầu cho biết, WWF luôn quan tâm đến nâng cao tài chính bền vững cho các vườn quốc gia và khu bảo tồn, nhất là Việt Nam – một trong 16 quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao và là một trong 06 khu sinh thái quan trọng, ưu tiên hàng đầu trong hoạt động của WWF.

ha-2-vlr-nong-nghiep-20032023.png

Bà Kirsten Schuijt, Tổng Giám đốc WWF toàn cầu phát biểu

Tổng Giám đốc WWF toàn cầu cũng nhấn mạnh, để đảm bảo sinh cảnh tốt cho các loài động vật hoang dã cũng như đạt được chỉ tiêu toàn cầu 30% diện tích hành tinh được bảo vệ, Việt Nam rất cần có thêm nguồn lực tài chính ổn định và bền vững để nâng cao hiệu quả quản lý của các khu bảo tồn, các hành lang kết nối. Ngoài việc đưa ra các giải pháp, Việt Nam cũng cần xây dựng khung pháp lý và chính sách để tạo điều kiện xây dựng và thực hiện hiệu quả các giải pháp tài chính bền vững cho bảo tồn đa dạng sinh học ở các khu bảo tồn dài hạn.

Đại diện các vườn quốc gia, khu bảo tồn cũng nêu những tồn tại, khó khăn thách thức, theo đó, nguồn lực đầu tư như con người, tài chính, cơ sở vật chất hạn chế. Các khu bị chia cắt, dễ bị tổn thương; nhiều cấp quản lý; thiếu hệ thống giám sát. Biến đổi khí hậu làm mất một phần diện tích do nước biển dâng, bão lũ, hoặc suy giảm các hệ sinh thái/loài…

Các chuyên gia tại hội thảo cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm đưa ra các phương pháp nghiên cứu và xây dựng chiến lược tài chính bền vững cho các vườn quốc gia, khu bảo tồn.

Theo các chuyên gia, tính bền vững về tài chính của các khu bảo tồn là khả năng đảm bảo có các nguồn tài chính đầy đủ, ổn định, dài hạn; được phân bổ kịp thời và dưới hình thức phù hợp để trang trải toàn bộ chi phí của các khu bảo tồn và đảm bảo rằng các khu bảo tồn được quản lý một cách hiệu quả theo các mục tiêu bảo tồn và các mục tiêu khác…

ha-3-vlr-nong-nghiep-20032023.png
Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, để xây dựng định hướng và giải pháp tài chính bền vững cho các khu bảo tồn rừng, trước hết chúng ta cần hiểu rõ các giá trị của rừng. Trong cùng không gian rừng, ngoài giá trị từ gỗ, còn có những dược liệu quý hiếm, những loài thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, hay có thể phát triển chăn nuôi, thuỷ sản dưới tán rừng.

Ngoài ra, giá trị kinh tế mới của rừng còn đến từ dịch vụ cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái, nguồn thu từ tín chỉ carbon rừng.

Hay việc bảo tồn, không chỉ bảo tồn đa dạng sinh học với những nguồn gen động thực vật quý hiếm; mà tri thức và văn hoá cộng đồng, không gian tinh thần, tín ngưỡng và tâm linh của đời sống con người cũng cần được bảo tồn và phát triển trong một “bảo tàng sống” là không gian rừng.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, mặc dù Chính phủ đã và đang rất quan tâm tới lĩnh vực lâm nghiệp nói chung và bảo tồn nói riêng, nhưng với bối cảnh nguồn lực tài chính công cũng cần phân bổ cho các lĩnh vực và ngành ưu tiên quan trọng khác. Vì thế, việc huy động, tìm kiếm các giải pháp tài chính bền vững cho bảo tồn là cần thiết.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tới vai trò bảo tồn của khối tư nhân, của cộng đồng và người dân trong việc tạo nguồn tài chính thông qua các mô hình cộng đồng đồng quản lý, mô hình đối tác công - tư, phí chi trả môi trường rừng, phí bảo vệ nguồn lợi tài nguyên thiên nhiên.

Đồng thời, cam kết sẽ thực thi sứ mạng bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng. Ngược lại, cũng mong mỏi cộng đồng quốc tế thực thi những cam kết hỗ trợ đối với Việt Nam.

ha-4-vlr-nong-nghiep-20032023.png

Trong khuôn khổ hội nghị, WWF-Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng nhau ký kết Kế hoạch hành động giai đoạn 2023 - 2026, tầm nhìn 2042.

Trung Đức (tổng hợp)