Năm 2025 và mục tiêu 2 tỷ USD xuất khẩu hồ tiêu, gia vị
Nông nghiệp - Ngày đăng : 20:20, 21/03/2023
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất
Theo thống kê bộ sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và cây gia vị Việt Nam (VPSA), trong 2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 40.814 tấn hồ tiêu với kim ngạch 128,6 triệu USD, tăng 33% (10.138 tấn) về lượng nhưng giảm 9% tương đương 12,7 triệu USD về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam với 10.209 tấn, tăng 8,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái và bằng một nửa lượng hồ tiêu mà Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này trong cả năm ngoái.
Thị phần của Trung Quốc trong tổng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam theo đó đã tăng lên mức 25% so với khoảng 4% của cùng kỳ năm 2022.
Tính riêng trong tháng 2, khối lượng hồ tiêu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 6/2020 với 8.485 tấn, tăng 392,2% so với tháng 1 và chiếm 30,1% thị phần xuất khẩu.
Năm ngoái, do ảnh hưởng bởi chính sách “Zero Covid” xuất khẩu tiêu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc chỉ đạt 20.498 tấn, giảm 46,4% so với năm 2021. Đây cũng là mức thấp nhất trong 5 năm. Tuy nhiên, việc Trung Quốc mở cửa hoàn toàn biên giới kể từ đầu năm nay sau gần 3 năm đóng cửa chống dịch đã giúp cho các hoạt động xuất khẩu tiêu của Việt Nam sang thị trường này khởi sắc trở lại.
Mặc dù xuất khẩu tăng trưởng tốt về lượng trong hai tháng đầu năm, tuy nhiên, theo VPSA, giá tiêu xuất khẩu trung bình khoảng 3.177 USD/tấn, giảm 31,4% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là lý do khiến kim ngạch xuất khẩu giảm 9%. Trong đó, riêng trong tháng 2, giá hồ tiêu xuất khẩu chạm mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua, khoảng 3.006 USD/tấn.
Năm nay, thu hoạch tiêu chậm, tính trung bình cả nước mới chỉ thu hoạch 50 - 60% lượng tiêu của niên vụ 2022 - 2023. Những tháng quý I, hoạt động giao dịch tiêu của Việt Nam sẽ sôi động hơn vì vừa kết thục vụ thu hoạch, tiêu còn mới. Đến quý III và IV, khách hàng sẽ tìm đến các nước như Brazil và Indonesia để mua vì đây là thời điểm thu hoạch tiêu của hai nước này.
Đa dạng hóa thị trường
Môi trường kinh doanh năm 2023 được cho là không thuận lợi khi nền kinh tế đi xuống và căng thẳng địa chính trị vẫn chưa kết thúc. Yếu tố đang lo nhất thời điểm hiện tại đối với xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam chính là tác động của suy thoái kinh tế tác động lên nhu cầu.
Theo thông lệ, trong quý I, các doanh nghiệp sẽ lo trả nợ đơn hàng đã ký trong quý IV của năm ngoái và đồng thời ký tiếp các hợp đồng mới. Những hợp đồng này buộc phải giao trong quý II trở đi. Tuy nhiên, chuyện suy thoái kinh tế đều ảnh hưởng chi tiêu của người dân trên thế giới. Người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, giảm ăn hàng kéo theo lượng tiêu thụ tiêu cũng sẽ giảm theo.
Ngoài ra, những biến động tại ngân hàng SVB hay Credit Suise thời gian quan đã ảnh hưởng dây chuyền hệ thống thanh toán quốc tế và khả năng tài chính, tín dụng của các nhà thu mua tiêu trên thế giới. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng đang theo dõi sát thị trường và năm nay, đơn hàng sẽ không dồn dập như năm ngoái.
Trước những khó khăn trong đầu ra, VPSA mong muốn mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là những thị trường ngách. Bởi nếu đa dạng được thị trường, các doanh nghiệp có thể tránh những rủi ro khi xảy ra các sự cố ở thị trường tiêu thụ chính.
Hiện hồ tiêu Việt Nam thuộc TOP đầu thế giới và là nước sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu nhiều nhất trên thế giới. Năm 2022, riêng mặt hàng hồ tiêu, Việt Nam xuất khẩu được khoảng hơn 232.000 tấn và kim ngạch xuất khẩu gần 990 triệu USD.
Nếu tính tổng số lượng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành hồ tiêu và gia vị thì hiện đạt khoảng hơn 370.000 tấn, tương đương trên 1,4 tỷ USD. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hiện nay ngành hồ tiêu và gia vị của Việt Nam mới chỉ khai thác được 40 - 50% tiềm năng nên vẫn còn nhiều dư địa.
Thực tế phát triển của hồ tiêu và các loại cây gia vị của Việt Nam mới chỉ khai thác được khoảng 50% tiềm năng. Điều đó có nghĩa là nếu được hỗ trợ kết nối với thị trường, cùng với định hướng sản xuất quy hoạch ngành hàng bền vững, đáp ứng nhu cầu nhà nhập khẩu thì kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu và các loại gia vị có thể đạt đến 2 - 3 tỷ USD/năm.
Với định hướng phát triển bền vững ngành hồ tiêu và gia vị nhằm đưa Việt Nam trở thành điểm đến được chọn lựa đầu tiên trong chuỗi cung cấp gia vị toàn cầu. Để làm được điều này, VPSA sẽ tập trung vào chiến lược đa dạng hóa ngành hàng, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, giá trị gia tăng trong cơ cấu sản phẩm hồ tiêu và gia vị.
Song song đó, VPSA sẽ đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, chế biến sâu, canh tác bền vững tại các vùng nguyên liệu để xây dựng chuỗi giá trị hồ tiêu và gia vị Việt Nam bền vững.
* Cây hồ tiêu có tên khoa học là Piper nigrum, thuộc họ Piperaceae, có nguồn gốc từ Ấn Độ, được người Pháp trồng ở Việt Nam từ thế kỷ XVII. Đến những năm 1970, diện tích hồ tiêu tại Việt Nam khoảng 400 ha, đạt sản lượng khoảng 500 tấn. Hiện nay, Việt Nam có 6 tỉnh trọng điểm sản xuất hồ tiêu gồm: Bình Phước 12.148 ha, Đắk Nông 11.154 ha, Đắk Lắk 12.082 ha, Bà Rịa - Vũng Tàu 9.074, Đồng Nai 9.010, Gia Lai 11.245.
* Hiện nay, hồ tiêu Việt Nam được xuất khẩu đến 97 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi. Đặc biệt, sản phẩm hồ tiêu chất lượng cao của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ và các nước EU ngày càng tăng. Các nước châu Âu chiếm thị phần 40%, đã chấp nhận công nghệ sản xuất hồ tiêu Việt Nam và các mặt hàng gia vị chế biến từ hồ tiêu Việt Nam.
Nguồn: Báo Công Thương và nguồn khác