Logistics xanh trong sản xuất công nghiệp
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 09:11, 22/03/2023
Tại sao sản xuất công nghệp cần phát triển theo hướng Logistics xanh?
Một trong số những nguyên nhân chính gây ra tình trạng trên xuất phát từ mặt trái của nền công nghiệp, hay cụ thể hơn là các hoạt động sản xuất, khai thác, phát triển của doanh nghiệp. Trong hơn một thập kỷ qua, tốc độ tăng trưởng công nghiệp hàng năm từ 15 - 17% đã góp phần rất lớn vào tăng trưởng kinh tế của cả nước. Bên cạnh mặt tích cực, quá trình công nghiệp hóa cũng gây nên những tác động môi trường không nhỏ. Tình trạng ô nhiễm các môi trường ngày càng nghiêm trọng ở các khu công nghiệp, khu đô thị và địa bàn tập trung đông dân cư.
Nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực từ mặt trái của nền công nghiệp lên môi trường, Phát triển bền vững (PTBV – Sustainable Development) chính là chiến lược phát triển mà Việt Nam đang đề ra và thực hiện trong thế kỷ 21. Trong đó, “Logistics xanh” chính là xu hướng tất yếu và là tiêu chí quan trọng mà doanh nghiệp Logistics phải cùng Nhà nước thực hiện để hoàn thành tốt chiến lược này.
Logistic xanh, phát triển kinh tế gắn liền với các hoạt động cân bằng sinh thái môi trường sẽ là xu hướng tất yếu và là tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển bền vững của sản xuất công nghiệp.
Thực tế, thị trường logistics khu vực khu vực Mekong được quốc tế nhìn nhận còn tổ chức cục bộ, manh mún, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sử dụng phổ biến hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất và phương tiện cũ kỹ dẫn đến nhu cầu sử dụng nhiên liệu cao, tăng phát thải khí CO2 ra môi trường.
Nếu không thực hiện được các tiêu chí về môi trường và Logistic xanh, các doanh nghiệp sẽ dần bị đào thải ra khỏi các hoạt động kinh doanh và thương mại. Vì vậy, Logistics Xanh có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ với Việt Nam nói chung mà toàn khu vực nói riêng.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, ứng dụng Logistics xanh vào sản xuất, kinh doanh dịch vụ sẽ làm tăng chi phí đầu vào, từ đó giảm khả năng cạnh tranh và không sinh lời. Tuy nhiên, thực tế lại chứng minh điều ngược lại.
Mục đích của Logistics xanh là tối ưu hóa mối liên hệ giữa việc vận hành kho lạnh, phân phối hàng hóa và môi trường tự nhiên. Logistics xanh là việc phát triển đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không làm giảm tính sẵn có và chất lượng tài nguyên. Cốt lõi của xu hướng này là việc áp dụng các biện pháp quản lý và kỹ thuật nhằm giảm tổn thất, giảm mức tiêu thụ năng lượng của phương tiện, thiết bị mà vẫn đảm bảo nhu cầu, mục tiêu đặt ra đối với quá trình sản xuất và đời sống.
Ứng dụng Logistics xanh vào kinh doanh không những làm giảm những tác hại về môi trường mà còn giúp doanh nghiệp đạt được nhiều lợi ích.
Giảm phát thải cacbon trong các ngành sản xuất công nghiệp
Ngày 16/3 vừa qua, tại TP HCM, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) phối hợp với Hiệp hội thép, xi măng và Hiệp hội nhựa Việt Nam tổ chức Hội thảo "Giảm phát thải carbon trong các ngành sản xuất công nghiệp: xi măng, thép và nhựa".
Tại Hội thảo, các diễn giả đã bàn thảo xu hướng giảm phát thải carbon trong các ngành công nghiệp lớn trên thế giới và rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Đồng thời, các chuyên gia cũng cung cấp thông tin về đòi hỏi giảm phát thải của thị trường, công nghệ sản xuất cacbon thấp tốt hiện có và mới nổi cho ngành xi măng, thép và nhựa trên thế giới cùng các chính sách quy định, hỗ trợ liên quan, các giải pháp tài chính khả thi để khử,giảm thải cacbon trong các ngành công nghiệp, đặc biệt là ngành thép.
Theo ông Hoàng Văn Tâm - đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) “Kế hoạch hành động ứng phó với biến đối khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” (gọi tắt là Kế hoạch hành động) được Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành ngày 14/12/2022. Trong đó, mục tiêu của Kế hoạch là năm 2030, tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% và 25 - 30% vào năm 2045, phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực sản xuất điện khoảng 42 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2050.
Cùng với đó thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh, trong đó, áp dụng giải pháp khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số… phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Ngoài ra, 100% các cơ sở thuộc danh mục cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thực hiện kiểm kê và có kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính… Kế hoạch hành động cũng đặt mục tiêu về tăng trưởng xanh, đến năm 2025, thúc đẩy các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững trong công nghiệp, thương mại nhằm đạt mục tiêu giảm 5-8% mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu của các ngành sản xuất như dệt may, thép, nhựa, hóa chất.. Cùng với đó, việc sử dụng các sản phẩm tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện môi trường thay cho các sản phẩm từ nhựa, khó phân hủy được gia tăng; thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn…
Theo PGS.TS Lương Đức Long - phó chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam, để giảm phát thải trong sản xuất xi măng thường gồm các cách phổ biến: giảm hàm lượng clinker (thành phần chính của xi măng), giảm năng lượng nung hoặc giảm tiêu hao điện trong sản xuất. Tuy nhiên, hàm lượng clinker trong xi măng Việt Nam đã đạt mức trung bình thấp của thế giới, khoảng 70 - 75%, nên khó giảm tiếp. Với giảm năng lượng nung, có thể thực hiện bằng cách cải tạo lò, thay đổi phối liệu… Thêm vào đó, có thể đốt rác thay than đá giúp giảm phát thải, thu lại nguồn năng lượng sạch. Đây là con đường khả thi mà thế giới đã làm. Tuy nhiên các doanh nghiệp cần một cơ chế khuyến khích, hỗ trợ về tài chính, chuyển đổi công nghệ làm đòn bẩy.
Ông Nguyễn Sỹ Linh, Trưởng ban Ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, sản xuất xi măng, thép và nhựa là những ngành thuộc 2 lĩnh vực phát thải khí nhà kính chính ở Việt Nam. Đây cũng là những đối tượng chính chịu sự điều chỉnh của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP và Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg yêu cầu thực hiện kiểm kê khí nhà kính từ năm 2024 và đề xuất giảm phát thải khí nhà kính, biện pháp, giải pháp can thiệp.
Do đó, ông cho rằng các đơn vị sản xuất xi măng, thép và nhựa dự kiến sẽ là các bên liên quan tích cực tham gia thị trường cacbon trong nước (thí điểm vào năm 2025) và các mô hình kinh tế tuần hoàn. Việc giảm phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực sản xuất được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ cacbon thấp, chuyển đổi năng lượng xanh và phát triển thị trường cacbon trong nước và các mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.