Nối tiếp hành trình xứ sở

Văn hóa - Ngày đăng : 15:07, 22/03/2023

Tôi về thăm lại Ninh Bình, quê hương tôi. Mảnh đất ấy, bây giờ tôi về chỉ để tìm lại sợi dây liên kết mong manh nhưng nồng thắm với vùng quê Cha đất Tổ. Có lẽ, cảnh cũ người xưa đã bị những biến đổi, xoay vần của thời gian làm phôi phai đi nhiều.

Quê tôi ở tỉnh Ninh Bình, nằm ở cực nam đồng bằng Bắc Bộ, cách thủ đô Hà Nội khoảng 90 km về phía Nam. Nếu bắt xe khách tại bến xe Giáp Bát hoặc đặt xe limousine thì cũng từ 100 đến 150 ngàn một vé và đi chỉ có hai tiếng đồng hồ là đến nơi. Tuy Ninh Bình là một tỉnh không lớn nhưng có địa hình rất đa dạng, có núi, đồng bằng, vùng ven biển mang sắc thái của nước Việt Nam thu nhỏ. Là vùng ranh giới của 3 khu vực địa lý: Tây Bắc, Châu Thổ Sông Hồng và Bắc Trung Bộ, có diện tích tự nhiên khoảng 1.386 Km2 và mật độ dân số khoảng 952 ngàn người. Nơi đây được biết đến là nơi có nguồn tài nguyên phong phú với nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng và môi trường sinh thái tự nhiên có giá trị. Đặc biệt là Quần thể Danh thắng Tràng An được Tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 2014. Là di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á.

ben-thuyen-trang-an-compressed.jpg

Trên đường về Ninh Bình, đang mải mê đọc những dòng mô tả về quê hương trên Google, tôi chợt bừng tỉnh khi anh lơ xe thông báo hành khách chuẩn bị xuống xe ở Trạm dừng nghỉ ngơi. Đó là trạm Xuân Khiêm thuộc tỉnh Ninh Bình, Đây là trạm dừng nằm trên đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Cao Bồ. 

Tôi bước xuống xe đi chầm chậm vào trong Trạm, thật bất ngờ nơi đây vừa đẹp, hiện đại, sạch sẽ, làm cho tôi cảm thấy dễ chịu, bớt phần mệt mỏi. Có cả một vườn hoa bên cạnh để du khách vừa tham quan vừa chụp hình thư giãn. Có khu phục vụ ăn uống, đổ nhiên liệu, cũng rất hiện đại. Hành khách có thể vừa ăn uống, nghỉ ngơi mua sắm các loại đặc sản vùng miền. Trên vẻ mặt của mọi người rất vui và phấn chấn vì sắp được về đến nhà, về nơi mà họ được sinh ra và lớn lên, sắp được gặp những người thân yêu và tặng những món quà được mang về từ thành phố.

Chắc hẳn ai cũng biết khắp các tỉnh thành giờ đều không thiếu thứ gì. Vận chuyển hàng hóa đã thông thương rất tốt, Bắc Nam một nhà. Nhưng tại sao những người xa quê luôn mang quà về gia đình? Đó chính là tình cảm, sự yêu thương, nỗi nhớ nhung quê nhà. Tôi cũng là người sinh sống ở Sài Gòn về thăm quê, lòng vui sướng lạ thường. 

Ở quê các cụ của dòng họ nhà tôi đều đã mất nhưng còn con cháu của các cụ có lẽ họ sẽ biết tôi và nhận ra tôi. Từ khi xe khởi hành tôi bắt đầu dò tìm địa chỉ, đường phố, những người trong dòng họ của tôi trên google, facebook... Tôi đang tìm kiếm một sự quen thuộc, một mối dây liên kết giữa tôi với nơi này. Tôi về đây không chỉ là du lịch mà còn tìm về cội nguồn của mình, nơi quê cha đất Tổ. Sau cuộc hành trình dài vừa kết thúc tôi bước xuống xe trong tâm trạng rối bời, vừa vui, vừa lo, vừa mệt. Tôi ngỡ ngàng và hồi hộp lo lắng không biết sẽ bắt đầu từ đâu? Chân bước đi mà lính quýnh, vấp váp những gờ đá trên đường. 

at_thoi-tiet-va-khi-hau-ninh-binh-thang-5_4fc4af65af6e127bbca6bbb280a37ef4-compressed-1-.jpg

Mắt tôi thì tập trung ngó quanh lơ đãng nhìn gì đó, tôi cũng chẳng biếttìm ai hay cái gì, chỉ cứ thế đi ra từ trạm xe khách. Bỗng có tiếng nói từ phía sau “Chào cháu, thế cháu định đi đâu?”, tôi lơ đãng trả lời “Dạ cháu cũng không biết, cháu mới đến đây và đang tìm người quen”. Nói thế thôi chứ tôi có quen ai khi mà lần đầu tiên đến. “Vậy người quen của cháu ở đâu, chú chở đi cho?”, bác xe ôm tiếp lời. Tôi thật sự bối rối không biết phải diễn tả thế nào, rồi tôi chợt nhớ ra tên cụ nhà mình “Dạ cháu có nghe nói dòng họ Lý có nhà thờ tổ lớn lắm ạ”, tôi ba hoa xíu. Bác xe ôm chợt bảo “À vậy thì tốt quá, bác xin giới thiệu, bác họ Lý tên Luyến, rất vui được gặp cháu”. Tôi vui mừng khôn xiết, bất giác nắm tay bác chào hỏi và khóe mắt cũng cay cay.

Tôi vui vì gặp được người quen và cũng xem như là người thân của mình. Bác chất hành lí của tôi lên xe và đưa tôi đi. Từ con đường lớn rồi đến các con đường nhỏ cứ trải dài uốn lượn, hai bên là những cánh đồng xanh mát, có vài con trâu đang đằm mình dưới ao hoặc dưới vũng bùn, những con chim chao mình lượn lờ trên cánh đồng xanh ngát. Khung cảnh nên thơ và tươi đẹp.

Bác lại đưa tôi đi tham quan phiên chợ buôn bán sầm uất, xe cộ đông đúc . Ở đây phát triển nhộn nhịp tấp nập, không khác gi ờ Sài Gòn. Các cửa hàng quần áo, giày dép, trái cây, bánh kẹo... mọi thứ đều bán ngập đường.

Ở Ninh Bình có gần một trăm lễ hội lớn nhỏ như lễ hội Hoa Lư, lễ hội Đền đức Thánh Nguyễn, lễ hội Tràng An, lễ hội Thái Vi... Nếu là đi du lịch thì chúng ta có thể ghé thăm Ninh Bình vào nhiều thời điểm trong năm. Tuy nhiên nên đến vào mùa Xuân từ tháng một đến tháng ba khí trời mát mẻ. Mùa hè từ tháng năm đến tháng tám sẽ được ngắm những cánh đồng lúa chín vàng hay đầm sen thơm ngát.

at_ninh-binh-mua-xuan-co-gi-dep-ninh-binh-thang-2-3-4-co-gi-dep_7a1c88366a0768cd8689afff280d9091-compressed.jpg

Cũng nhờ bác Luyến tôi mới biết quê hương Ninh Bình giờ đây có nhiều thay đổi lớn và cũng là nơi dòng máu tôi chảy về. Tôi hạnh phúc biết bao với niềm vui ngập tràn. Những tuyến đường Bắc - Nam khai thông mở rộng để hàng hóa ngày càng được thông thương. Rồi ở quê sẽ chẳng còn thiếu bất cứ thứ gì nữa. Nhưng có một thứ mà tôi thấy vẫn luôn luôn thiếu đó là tình cảm gia đình, nỗi mong nhớ gia đình của những người đi làm việc nơi xa. Bất cứ lúc nào tình cảm ấy cũng luôn trăn trở, ấp ôm, mong ngóng sẽ đổ dồn về một thời điểm, một khoảnh khắc cuối năm. Đó là thời điểm của mọi sự thay đổi, khát khao, mong chờ, bừng nở, vỡ òa trong sự gặp gỡ và yêu thương

Uyên Ly