Tranh chấp về tổn thất hàng hoá và vận đơn sạch (Phần 1)

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 15:41, 22/03/2023

Có thể có nhiều chứng thư giám định cho một lô hàng nhưng cần lưu ý về nội dung, thời gian, nơi lập chứng thư vì giá trị pháp lý của chúng là khác nhau qua vụ tranh chấp dưới đây để bạn đọc tham khảo.

Tóm tắt sự việc: Ngày 11/04/2013, Bị đơn (doanh nghiệp bảo hiểm) ký Hợp đồng nguyên tắc bảo hiểm hàng hóa (“Hợp đồng”), chấp nhận bảo hiểm theo Điều kiện “A”, Quy tắc chung bảo hiểm hàng hóa vận chuyển bằng đường biển (”Quy tắc chung”) cho lô hàng thép nhập khẩu bằng đường biển về kho tại Việt Nam (”Kho”). Theo Hợp đồng, Bị đơn đã cấp Đơn bảo hiểm hàng hóa cho 600 tấn ( +/- 10%) thép cuộn từ cảng Trung Quốc đến Kho tại Long An với số tiền bảo hiểm 110% CIF là 484.856,83 USD (10.254.722.000 VND). Tiếp đó, Bị đơn cấp Giấy sửa đổi bổ sung, ghi thêm tên tàu (”Tàu”), khởi hành từ cảng Thượng Hải ngày 24/02/2014, số vận đơn, số tiền bảo hiểm sửa lại là 10.268.582.000 VND.

shipyard-full-shipping-containers-cranes-trade-logistics-global-transport-concept-global-compressed(1).jpeg

Ngày 06/03/2014 Tàu cập Cảng Lotus, TP.HCM. Trước khi dỡ hàng, Nguyên đơn phát hiện lô hàng bị tổn thất nên đã thông báo ngay và chỉ định công ty giám định tiến hành giám định tại hầm hàng (”Chứng thư 01”) và thống nhất chuyển lô hàng về kho của Nguyên đơn tại Long An để tiếp tục giám định. Ngày 08/03/2014, cảng Lotus lập Biên bản dỡ hàng xác nhận một số hàng bị đổ vỡ, hư hỏng trước khi dỡ: “gần như tất cả mặt ngoài các cuộn thép lô hàng này bị ướt đọng mồ hôi, 43 cuộn bị bung nẹp ngoài và bao bì bị rách, 01 cuộn bị quăn mép”. Nguyên đơn căn cứ Chứng thư 01 xác định lượng hàng bị tổn thất là 546,12 tấn, thành tiền là 3.979.491.963 VND, và thông báo để hạn chế tổn thất đã loại bỏ phần hỏng, bán được 63,09 tấn cho một số khách hàng, 535,61 tấn đang chờ xử lý.

Ngày 25/6/2014, mặc dù chưa cấp chứng thư giám định đề ngày 22/5/2014 – chứng thư chỉ nêu nguyên nhân tổn thất (Chứng thư 02) – nhưng Bị đơn đã cho rằng tổn thất nêu trên không xảy ra trong quá trình vận chuyển mà đã tồn tại trước khi bốc hàng lên tàu. Vì vậy, Bị đơn không có trách nhiệm bồi thường. Nguyên đơn không đồng ý với quan điểm của Bị đơn và thông báo, để hạn chế tổn thất, sẽ bán hàng hóa để thu hồi giá trị còn lại. Ngày 06/11/2014, Bị đơn gửi văn bản nêu rõ: “Hàng hóa bị tổn thất được lưu giữ trong thời gian dài, tình trạng hàng hóa đã khác so với thời điểm phát hiện tổn thất, việc đánh giá tổn thất hàng hóa ở thời
điểm hiện tại không phản ánh chính xác mức độ tổn thất của hàng hóa trong giai đoạn bảo hiểm. Do đó, [Bị đơn] không chấp nhận kết quả đánh giá theo thông báo của [Nguyên đơn] ngày 03/11/2014”

Ngày 02/02/2015 Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Bị đơn: (i) bồi thường 60% giá thị trường của lô hàng trên tại thời điểm xảy ra tổn thất, tương đương 5.500.000.000 VND; (ii) trả tiền lãi do chậm bồi thường; (iii) chịu chi phí xác định giá thị trường và mức độ thiệt hại của lô hàng; (iv) trả phí trọng tài. Tại Phiên họp, Nguyên đơn bổ sung: (iv) tiền bồi thường là 5.560.000.000 VND, (ii) tiền lãi chậm thanh toán 444.000.000 VND và (v) chi phí thuê giám định là 66.000.000 VND.

spring-prj-14(1).jpg

Quan điểm của Nguyên đơn: Không có bất kỳ điều khoản loại trừ nào để từ chối bồi thường; đã hơn 170 ngày kể từ ngày kết thúc giám định nhưng Bị đơn không có ý kiến gì về xử lý và hạn chế tổn thất, vì vậy, trong vòng 10 ngày kể từ ngày gửi văn bản (30/09/2014), nếu không nhận được ý kiến phản hồi.

Nguyên đơn sẽ xử lý hàng tổn thất theo cách: (a) mời giám định độc lập xác định lại số lượng và giá trị tổn thất; (b) bán đấu giá công khai và coi như Bị đơn hiển nhiên chấp nhận bồi thường theo cách xử lý nêu trên mà không có bất kỳ khiếu nại nào. Chứng thư 02 không đề cập mức độ tổn thất nên, ngay khi nhận được, Nguyên đơn đã “đề nghị công ty giám định độc lập khác giám định lại lô hàng tổn thất trên” nhưng Bị đơn không phản hồi.

Quan điểm của Bị đơn: (i) lô hàng bị khiếm khuyết hay khuyết tật vốn có, kết hợp với bị hấp hơi trong khi vận chuyển nên bị ố đen/ố vàng trên bề mặt; không loại trừ khả năng bị ố đen/ố vàng trước khi bốc hàng vì thời gian vận chuyển ngắn; (ii) về hiện tượng hàng hóa bị lõm, khuyết bề mặt, không có bằng chứng để nói rằng hiện tượng này xảy ra trong quá trình vận chuyển; lô hàng này đã bị khiếm khuyết, không đảm bảo chất lượng ngay từ khâu sản xuất; (iii) căn cứ Chứng thư 01 cũng như các yếu tố khác, tổn thất hàng hóa không xảy ra trong quá trình vận chuyển mà xảy ra trước khi bốc hàng lên Tàu nên không thuộc trách nhiệm bồi thường.

(*) Trọng tài viên VIAC

Ngô Khắc Lễ