Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 10:27, 25/03/2023

30 năm qua (20/4/1993 – 20/4/2023), Tổng công ty Quản lý bay (VATM) luôn nêu cao ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vươn lên, hội nhập và phát triển bền vững; đặc biệt Tổng công ty luôn đi đầu trong đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ.
z4186166814370_83495a2fa40be5ea29da9085e524d0c4.jpg
VATM luôn được xem là đơn vị đi đầu của ngành HKVN trong việc đầu tư, đổi mới công nghệ

Chủ động đầu tư, ứng dụng tiến bộ KH&CN mới

Trong nhiều năm qua, VATM luôn được xem là đơn vị đi đầu của ngành HKVN trong việc đầu tư, đổi mới công nghệ, cải tiến và ứng dụng tiến bộ KH&CN; vì vậy đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dịch vụ điều hành bay, làm thay đổi cơ bản công tác quản lý điều hành bay và đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn kiểm soát điều hành bay của các hãng hàng không trong nước và quốc tế. Có thể kể đến các dự án, mốc sự kiện tiêu biểu:

- VATM đã tổ chức triển khai thực hiện dự án lắp đặt Trạm liên lạc vệ tinh VSAT phục vụ mạng thông tin thoại, thông tin truyền số liệu từ ACC/HAN và ACC/HCM đến các sân bay nội địa với tổng số 24 trạm VSAT. Từ năm 2013, VATM đã tích cực chương trình chuyển đổi từ VSAT sang Vinasat. Tại miền Bắc, các trạm VSAT đã được đầu tư mới theo dự án ATCC/HAN sẵn sàng công nghệ. Tại miền Trung, miền Nam sẽ được triển khai theo dự án đầu tư thay thế theo hướng sẵn sàng chuyển sang sử dụng Vinasat trong năm 2018.

- Đầu tư mới hệ thống xử lý dữ liệu radar và xử lý dữ liệu bay cho ACC/HCM (năm 1999). Hoàn thành dự án Mạng giám sát vùng thông báo bay Hà Nội vào đúng dịp Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX và được UBND thành phố Hà Nội và UBND Nghệ An gắn biển “Công trình chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng” (năm 2001).

- VATM đã tiến hành đầu tư hệ thống tự động chuyển điện văn dịch vụ không lưu (AMHS) trên nền Mạng viễn thông hàng không (ATN) với mục tiêu hoàn thành giai đoạn 1 trong năm 2014 và hoàn thành trong năm 2015, đáp ứng kế hoạch của cả khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đặc biệt, là hệ thống AMHS sẽ do ngành HKDD Việt Nam tự chế tạo (với phần mềm do Công ty Kỹ thuật QLB thuộc VATM). Thành công này đã góp phần giảm chi phí đầu tư, thay thế hàng nhập ngoại và đặc biệt là làm chủ công nghệ, điều rất quan trọng khi mà các tiêu chuẩn kết nối cũng như các tiêu chuẩn liên quan cho hệ thống này có nhiều khả năng vẫn sẽ được ICAO phát triển tiếp.

Năm 2006, VATM đưa vào khai thác Trung tâm điều hành bay đường dài, tiếp cận Hồ Chí Minh; năm 2015 khánh thành Trung tâm kiểm soát không lưu Hà Nội. Đây là các dự án tiêu biểu của ngành GTVT, với quy mô, công năng hiện đại ngang tầm khu vực. Qua đó, tạo bước ngoặt trong công tác đầu tư, đổi mới công nghệ điều hành bay, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không ngày càng tăng cao tại Việt Nam.

- VATM đã tổ chức đầu tư và nâng cấp và xây mới hàng chục Đài kiểm soát không lưu, như: Buôn Ma Thuột, Rạch Giá, Phù Cát (năm 2000, 2001), Cà Mau (năm 2002), Điện Biên Phủ (năm 2004), Vinh (năm 2005), Phú Bài (năm 2006), Côn Sơn (năm 2006), Cam Ranh (năm 2009), Liên Khương (năm 2011), Cần Thơ (năm 2012), Nội Bài (năm 2012), Phú Quốc (năm 2013), Tân Sơn Nhất (năm 2013), Cát Bi (năm 2015), Tuy Hòa (năm 2016), Thọ Xuân (năm 2017), Phù Cát (năm 2021). Trong số này có những đài không lưu là những công trình phức tạp, quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật công nghệ cao như Nội Bài, Tân Sơn Nhất; một số Đài được vinh dự khánh thành, gắn biển nhân các sự kiện, ngày lễ lớn của dân tộc như: Đài Vinh, Đài Điện Biên Phủ, Đài Phú Bài - công trình được gắn biển “Công trình chào mừng 50 năm ngày thành lập ngành Hàng không Việt Nam”.

- Ngày 29/9/2022, VATM chính thức khởi công Dự án thành phần 2 “Các công trình phục vụ quản lý bay” thuộc dự án “Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1” do Tổng công ty làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư gần 3.500 tỷ đồng. Trong đó, công trình chính là Đài Kiểm soát không lưu và các hạng mục công trình phụ trợ có diện tích là 24.000 m2 được xây dựng để kiểm soát hoạt động tại khu vực di chuyển của tàu bay tại cảng hàng không và hoạt động bay trong vùng trời cảng hàng không.

Đến nay, VATM đã tổ chức đầu tư và khai thác 02 Trung tâm Kiểm soát đường dài, 04 Trung tâm Kiểm soát tiếp cận, 22 Đài kiểm soát tại sân, 05 hệ thống radar giám sát sơ cấp, thứ cấp (PSR/SSR), 03 hệ thống radar giám sát thứ cấp, 24 đài dẫn đường VOR/DME, 02 đài dẫn đường NDB, và hàng chục trạm liên lạc VHF đất đối không, 24 hệ thống giám sát tự động phụ thuộc quảng bá (ADS-B) đều đảm bảo tiêu chuẩn và chất lượng theo quy định của ICAO.

Đi đầu đổi mới sáng tạo.

Trong quá trình đổi mới trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ, VATM luôn chú trọng phát huy nhân tố nội lực, với tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Đến nay, đội ngũ kỹ thuật, kiểm soát viên không lưu của Tổng công ty đã làm chủ công nghệ quản lý bay tiên tiến hiện đại, tổ chức khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất kỹ thuật. Phát huy khả năng nguồn lực sẵn có, khuyến khích lực lượng kỹ thuật đầu ngành nghiên cứu, thử nghiệm và lắp đặt thành công các sản phẩm cơ khí, điện tử, phần mềm công nghệ thông tin.

san-bay-long-thanh-1063.jpg
Đài kiểm soát không lưu sân bay Long Thành được chủ đầu tư là VATM khởi công xây dựng. Đài có thiết kế hình búp sen, trong đó tháp điều hành cao 123m.

Trong nhiều năm qua, VATM đã có hàng chục đề tài khoa học nghiên cứu cấp Bộ và hàng trăm đề tài nghiên cứu cấp Tổng công ty đã được các Hội đồng khoa học các cấp nghiệm thu hoàn thành và thực hiện chuyển giao công nghệ thành công, đưa vào sản xuất và áp dụng thực tế.

VATM đang đặt mục tiêu tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ các hoạt động; Triển khai các giải pháp với phương châm đầu tư, áp dụng công nghệ thông tin mới nhất trong quản lý điều hành, nâng cao năng lực bảo đảm an toàn bay. Tổ chức áp dụng chuyển đổi các công nghệ mới nhất trong tổ chức, quy hoạch, thiết kế vùng trời và phương thức bay cũng như áp dụng phương thức quản lý tiên tiến (quản lý luồng không lưu) để tạo sự thay đổi cơ bản về năng lực của hệ thống. Đổi mới toàn diện hệ thống mạng đường bay, phương thức dựa trên phương thức dẫn đường theo tính năng (PBN). Ưu tiên nắn thẳng các đường bay trục, các đường bay có mật độ bay cao. Nghiên cứu, xây dựng phương thức điều hành để giảm phân cách dọc để tăng năng lực thông qua trong các phân khu đường dài.

Đồng thời, tăng cường chủ động và sẵn sàng chuyển đổi sang các hệ thống công nghệ thông tin, dẫn đường, giám sát mới theo lộ trình nâng cấp các khối thiết bị hàng không của ICAO. Với tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đội ngũ kỹ thuật, kiểm soát viên không lưu đã tiếp cận nhanh chóng làm chủ công nghệ kiểm soát tiên tiến hiện đại. Các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay do VATM cung cấp hoàn toàn đáp ứng và thỏa mãn các hoạt động bay trong nước và quốc tế.

Năm 2016, VATM đã thành lập “Quỹ phát triển KH&CN” của VATM để thúc đẩy mạnh hoạt động KH&CN theo chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tại đơn vị thành viên là Công ty TNHH Kỹ thuật Quản lý bay (ATTECH) đã thành lập phòng Nghiên cứu phát triển là tổ chức chuyên trách thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN; Đồng thời đã xây dựng các phòng thí nghiệm với các trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác nghiên cứu KH&CN như: Phòng thử nghiệm quang học; Phòng thử nghiệm môi trường; Phòng đo lường hiệu chuẩn điện, điện tử; Phòng thí nghiệm CNS; Phòng thí nghiệm kỹ thuật điện tử.

Hầu hết các nhiệm vụ KH&CN của Tổng công ty và ATTECH đều tập trung vào nghiên cứu các sản phẩm thuộc lĩnh vực thông tin, dẫn đường, giám sát và công nghiệp hàng không theo đúng chiến lược phát triển ngành tại quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 22/QĐ-BGTVT ngày 08/1/2019 phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch tổng thể phát triển Hệ thống thông tin, dẫn đường, giám sát và quản lý luồng không lưu (CNS/ATM) hàng không dân dụng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Tổng công ty đã từng bước làm chủ công nghệ tiên tiến trong sản xuất, thi công lắp đặt các trang thiết bị chuyên ngành lĩnh vực CNS từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hướng tới xuất khẩu và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu cụ thể:

ATTECH đã ký thỏa thuận hợp tác với Hãng Selex - Mỹ thành lập Trung tâm dịch vụ kỹ thuật khu vực RSC để cung cấp dịch vụ cho Hãng Selex bao gồm các dịch vụ: khảo sát, thi công lắp đặt, thông điện và bay kiểm tra hiệu chuẩn các thiết bị chuyên ngành trong lĩnh vực bảo đảm hoạt động bay như: VOR/DME, ILS,… Đội ngũ chuyên gia của ATTECH đã làm chủ được công nghệ đối với hệ thống thiết bị trên và phát triển thêm đối với các sản phẩm chuyên ngành khác như ADS-B, VHF,…

VATM và công ty thành viên đã nghiên cứu thành công các sản phẩm phục vụ công tác đảm bảo hoạt động bay và các sản phẩm công nghiệp hàng không, đảm bảo chủ động công nghệ, giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa, thiết bị nhập khẩu.

Trong chương trình phát triển công nghiệp hàng không, VATM đã sản xuất được những sản phẩm đặc thù của ngành được Cục Hàng không Việt Nam cấp Giấy chứng nhận sản phẩm đủ điều kiện kỹ thuật đưa vào khai thác trong ngành Hàng không dân dụng và chuyển giao sản xuất để cung cấp cho khách hàng đem lại doanh thu, tiêu biểu như: hệ thống đèn hiệu sân bay, thiết bị ghi âm chuyên dụng, đồng hồ thời gian chuẩn, Shelter, giàn phản xạ DVOR/DME, bộ khuếch đại tạp âm thấp tần số 1090MHz (LNA), bộ nguồn hiệu suất cao, phần mềm AMHS cơ bản, phiên bản nâng cấp phần mềm UA, thiết bị ghi thoại và dữ liệu, bàn console, máy ghi âm chuyên dụng hàng không, hệ thống đồng hồ thời gian chuẩn, biển báo có chiếu sáng công nghệ LED, hệ thống cột an toàn, cột Glide Path, biển báo đóng cửa đường cất hạ cánh tạm thời, hệ thống Băng phi diễn điện tử… Các sản phẩm của VATM sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu lắp đặt, thay thế trang thiết bị tại các sở điều hành bay trong nước và phục vụ nhu cầu xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới đều đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, bao gồm tiêu chuẩn ICAO, đạt hiệu quả kinh tế kỹ thuật, được khách hàng đánh giá cao. Bên cạnh đó, Tổng công ty tự thực hiện dịch vụ bay kiểm tra hiệu chuẩn thiết bị giám sát dẫn đường hàng không.

Trong việc hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực KH&CN, Tổng công ty và đơn vị thành viên đã đẩy mạnh, tăng cường hợp tác trong hoạt động KH&CN, xây dựng cơ chế và triển khai các hợp đồng hợp tác với các tổ chức, các nhà hoạt động khoa học và công nghệ có năng lực như: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, các chuyên gia của Cục Hàng không Việt Nam, Hãng Selex- Mỹ…

Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực

Với một đơn vị mang tính đặc thù về chuyên ngành quản lý bay gồm các chuyên ngành như: không lưu, không báo, kỹ thuật, khí tượng, tìm kiếm - cứu nạn, nhiều năm qua, VATM luôn nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác huấn luyện đào tạo nguồn nhân lực. Cùng với việc đổi mới các hệ thống thiết bị công nghệ hiện đại, lĩnh vực quản lý bay cần có một đội ngũ nhân viên với đầy đủ trình độ và năng lực để có thể tiếp thu và vận hành các hệ thống trang thiết bị hiện đại, tiên tiến.

z4186166737309_350131bea713c9c83499cfa393ae12f6.jpg
Để nâng cao hơn nữa năng lực an toàn và chất lượng dịch vụ điều hành bay, đào tạo được đội ngũ kiểm soát viên không lưu có trình độ ngang bằng các nước trong khu vực

Trong từng giai đoạn phát triển, VATM luôn đặt ra các định hướng, mục tiêu cụ thể cho hoạt động đào tạo, huấn luyện. Nội dung đào tạo, huấn luyện chủ yếu tập trung bồi dưỡng cho cán bộ quản lý các cấp để nâng cao năng lực quản lý, quản trị doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu cấp chiến lược để triển khai và duy trì các giải pháp quản lý không lưu một cách an toàn và hiệu quả; đào tạo nâng cao năng lực và phát triển đội ngũ giáo viên, huấn luyện viên, sát hạch viên tiếng Anh; đào tạo chứng chỉ chuyên môn và huấn luyện năng định, định kỳ, phục hồi, chuyển loại, nâng cao cho nhân viên hàng không đáp ứng các yêu cầu theo quy định về giấy phép hành nghề; tập trung đào tạo mũi nhọn cho các đối tượng là lực lượng lao động chuyên ngành quản lý bay, giáo viên, huấn luyện viên, cán bộ xây dựng, khai thác các hệ thống kỹ thuật chuyên ngành mới; bồi dưỡng kiến thức nhằm đáp ứng các tiêu chí về tiêu chuẩn chức danh, đáp ứng yêu cầu chuyên sâu, cập nhật, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng bảo đảm hoạt động bay và đội ngũ tham mưu, giúp việc; đào tạo nguồn nhân lực cho các công trình bảo đảm hoạt động bay dự kiến đưa vào khai thác, sử dụng; thực hiện đào tạo, huấn luyện về an toàn thông tin theo Kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin của VATM.

Bên cạnh đó, nhằm huy động các nguồn vốn xã hội phục vụ nhu cầu phát triển ngành, VATM đã tổ chức tốt công tác xã hội hóa tại nước ngoài và trong nước. Để nâng cao hơn nữa năng lực an toàn và chất lượng dịch vụ điều hành bay, đào tạo được đội ngũ kiểm soát viên không lưu có trình độ ngang bằng các nước trong khu vực, năm 2015, VATM đã xây dựng đề án xã hội hóa đào tạo kiểm soát viên không lưu cho các cơ sở điều hành bay sân bay quốc tế, có cam kết tuyển dụng sau đào tạo. Trong giai đoạn 2015-2019, VATM đã phối hợp với Airways New Zealand tổ chức tuyển chọn và đào tạo được 65 học viên KSVKL/03 khóa. Các học viên sau khi hoàn thành đào tạo, tốt nghiệp tại Airways New Zealand đã được VATM tiếp nhận, ký hợp đồng tuyển dụng.

VATM đang hướng năm 2030, xây dựng được nền tảng phát triển bền vững thông qua ba trụ cột: Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, đổi mới công nghệ và chuyển đổi số trong doanh nghiệp; hoàn thiện mô hình tổ chức hoạt động, sắp xếp, kiện toàn tổ chức các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay theo hướng chuyên môn hóa hơn nữa nhằm tăng cường chất lượng dịch vụ và tối ưu hóa nguồn lực; đào tạo, huấn luyện nguồn nhân lực có chất lượng.

Tất cả đều hướng đến mục tiêu chung phấn đấu đưa VATM trở thành Nhà cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay hàng đầu khu vực, trở thành thương hiệu có tầm quốc tế trong quản lý, điều hành bay./.

Ngô Đức Hành