Truyền thông chính sách và truyền thông Logistics

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:26, 27/03/2023

Việt Nam phải có môi trường đầu tư hấp dẫn, nội lực sản xuất mạnh và hiện đại hóa ngành logistics. Tuy nhiên, để hình thành mạng lưới đủ mạnh để dẫn dắt thị trường, cần thiết phải xem xét, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách...

Tạo đồng thuận xã hội 

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách.

ttcs-166927342639665555197.jpg
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến truyền thông chính sách

Trước đó, ngày 30/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027”.

Đề án được xây dựng nhằm mục tiêu tổ chức truyền thông các chính sách có tác động lớn đến xã hội, nhất là những vấn đề khó, nhạy cảm, có ý kiến khác nhau trong quá trình đề xuất chính sách và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tạo đồng thuận xã hội đối với những chính sách, quy định pháp luật cần phải được ban hành hoặc điều chỉnh để đáp ứng đầy đủ, kịp thời và thực chất theo yêu cầu của thực tiễn cuộc sống; góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật cũng như ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Trong bối cảnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội ở nhiều diễn đàn khác nhau đều nhấn mạnh rằng, làm chính sách pháp luật phải làm từ sớm, từ xa, tạo sự đồng thuận xã hội, đảm bảo các dự luật khi được ban hành thực sự là của người dân, tức là dân làm chính sách thông qua cơ quan Nhà nước ban hành chính sách để người dân thụ hưởng quyền lợi từ các chính sách đó. Vì thế, việc truyền thông chính sách hay các thông tin pháp luật hiện nay không chỉ bắt đầu từ khi văn bản được ban hành có hiệu lực mà phải làm từ khi các cơ quan quản lý có ý tưởng về chính sách.

Vũ khí hữu hiệu nhất để xử lý thông tin sai lệch chính là thông tin chính thống. Nếu chúng ta có thông tin "sạch", thông tin chính thống, chúng ta làm sớm, làm quyết liệt, có chiều sâu và thực chất thì sẽ không có dư địa cho thông tin xấu độc.

Truyền thông chính sách Logistics có cần không?

Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Ngành logistics không chỉ là giao nhận, vận tải mà còn bao gồm các hoạt động khác như kho bãi, lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, luân chuyển hàng hóa, xử lý hàng hóa hư hỏng...(60% chi phí cho giao thông và khoảng 40% cho các chi phí khác...). Nếu nâng cao chất lượng, giảm giá thành các dịch vụ logistics, sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm được rất nhiều chi phí, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, của cả nền kinh tế.

1-ptgxawosq8xg_0imcubqag-e1502936672558.jpeg
Hoạt động logsitics mang tính đa ngành, do vậy chỉ đạo cần thống nhất

Dịch vụ logistics của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng tương đối cao đạt 12-14%, tỷ lệ doanh nghiệp thuê ngoài dịch vụ logistics đạt khoảng 60-70%, đóng góp khoảng 4-5% GDP. Chỉ số năng lực hoạt động logistics của Việt Nam được WB đánh giá vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN.

Tuy nhiên, ngành logistics Việt Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế như chi phí dịch vụ logistics ở nước ta còn khá cao, làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam nói riêng, sức cạnh tranh của cả nền kinh tế Việt Nam nói chung.  Đặc biệt, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics ở Việt Nam còn chưa cao so với các nước trong khu vực và thế giới…

Chính phủ luôn yêu cầu các bộ, ngành và địa phương theo chức năng và nhiệm vụ được giao có chương trình cụ thể thực hiện kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/02/2017 (và Quyết định 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 sửa đổi bổ sung Quyết định 200) với 5 nhóm nhiệm vụ chính, được cụ thể hóa thành 60 nhiệm vụ cụ thể cùng phân công cơ quan thực hiện và thời gian hoàn thành. 

vnp_khanh2.jpg
Phải tập trung hoàn thiện hệ thống các quy định, cơ chế, chính sách liên quan đến logistics 

Vấn đề đặt ra với các bộ, ngành là tập trung hoàn thiện hệ thống các quy định, cơ chế, chính sách liên quan đến logistics đảm bảo tính ổn định, đồng bộ, tính minh bạch, khả thi, giảm mạnh thủ tục hành chính và các rào cản để giảm chi phí thực thi cho người dân, doanh nghiệp. Triển khai các nhóm giải pháp tổng thể trong các lĩnh vực thuế, phí, hải quan… Khẩn trương rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ kết nối của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics. Trên cơ sở quy hoạch, xác định rõ danh mục các dự án ưu tiên đầu tư, từ đó có các giải pháp huy động nguồn lực hợp lý để đầu tư một cách hiệu quả.

Để Việt Nam là một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu có sức chống chịu tốt, cần đồng thời nâng cao nội lực sản xuất và biến Việt Nam thành một trung tâm sản xuất toàn cầu; Việt Nam phải có môi trường đầu tư hấp dẫn, nội lực sản xuất mạnh và hiện đại hóa ngành logistics. Muốn thế, Việt Nam cắt giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế… Đáng tiếc, hiện nay Logistics Việt Nam đang bị nhiều rào cản từ cơ chế, chính sách.

Từ Tâm (biên soạn)