Xây dựng Trung tâm logistics - động lực phát triển kinh tế - xã hội của Thanh Hóa và Bắc miền Trung
Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:19, 31/03/2023
Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 153/QĐ-TTg, trong đó, nêu rõ: Xây dựng Trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại Khu Kinh tế Nghi Sơn; Trung tâm logistics cấp tỉnh tại khu vực phía Tây TP Thanh Hóa, với quy mô tối thiểu khoảng 10 ha và Trung tâm logistics tại Khu Công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng, với quy mô tối thiểu khoảng 20 ha.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch, Thanh Hóa xác định việc phát triển nhanh, ổn định và có tầm nhìn dài hạn, nhất là phát triển hệ thống logistics tỉnh Thanh Hóa, nâng cao năng lực và chất lượng hệ thống logistics, nâng cao chỉ số cạnh tranh của tỉnh. Trong quá trình phát triển, Nhà nước giữ vai trò định hướng chiến lược, hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi, xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển dịch vụ logistics; các doanh nghiệp giữ vị trí trọng tâm, cụ thể hóa các chiến lược, chính sách để phát triển. Đồng thời, thu hút mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước để đầu tư phát triển; đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao có tính chuyên nghiệp để phát triển logistics tỉnh Thanh Hóa. Qua đó, từng bước phát triển logistics Thanh Hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm chất lượng và hiệu quả, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP, thu ngân sách Nhà nước, qua đó hỗ trợ các ngành công nghiệp, thương mại - dịch vụ của tỉnh phát triển. Tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, đồng thời phát triển các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics về số lượng, quy mô, trình độ nhân lực, có năng lực cạnh tranh cao. Từng bước hình thành các doanh nghiệp dịch vụ logistics đầu tàu, có đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp dịch vụ logistics theo phương châm hiện đại, chuyên nghiệp.
Mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu đưa logistics của tỉnh Thanh Hóa phát triển thành ngành dịch vụ có trình độ khá của khu vực Trung, Bắc bộ và của cả nước. Thu hút đầu tư xây dựng Trung tâm logistics cấp vùng tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, từng bước hoàn thiện hạ tầng sau cảng và giao thông kết nối Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh. Đến năm 2030, mở rộng và cơ bản hình thành Trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, trong đó tập trung hoàn thiện các khu phát triển logistics gắn với cảng biển, ga đường sắt thuộc Khu Kinh tế Nghi Sơn, hoàn thiện giao thông kết nối... Bảo đảm có vị trí đầu mối giao thông thuận tiện, kết nối với cảng biển, cảng hàng không quốc tế...; dịch vụ bốc xếp hàng hóa, bao gồm cả hoạt động bốc xếp container; dịch vụ kho bãi và lưu giữ hàng hóa, bao gồm cả hoạt động kinh doanh kho bãi container và kho xử lý nguyên liệu, thiết bị. Dịch vụ đại lý vận tải, bao gồm cả hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan và lập kế hoạch bốc dỡ hàng hóa và các dịch vụ bổ trợ khác...
Năm 2022, vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt 55,324 triệu tấn, tăng 11% so với cùng kỳ, trong đó, qua cảng Nghi Sơn đạt 43,35 triệu tấn. 2 tháng đầu năm 2023, khối lượng vận chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh đạt 11,813 triệu tấn, tăng 20,4% so với cùng kỳ, trong đó, hàng hóa thông qua cảng biển đạt 6,5 triệu tấn, tăng 5,8%. Thời gian qua, tuy còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá xăng dầu tăng nhưng vận chuyển hàng hóa, nhất là hàng hóa thông qua cảng trên địa bàn tỉnh tăng, là điều kiện thuận lợi để tỉnh ta thu hút đầu tư phát triển dịch vụ logistics và là động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Được biết, Công ty CP Đầu tư và Quản lý tài sản Á Châu đại diện Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn và các đối tác đã ký kết Biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh về đầu tư Dự án xây dựng Trung tâm logistics Bắc Trung bộ và xây dựng hạ tầng Khu Công nghiệp số 6 tại Khu Kinh tế Nghi Sơn. Công ty cam kết sẽ ưu tiên, tập trung nguồn lực tài chính để triển khai dự án với công nghệ, thiết bị máy móc tiên tiến, thân thiện với môi trường; đồng thời, tuân thủ các quy định về đầu tư, quy hoạch, môi trường, an toàn lao động, an ninh... theo quy định của pháp luật hiện hành. Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh đã và đang hỗ trợ, hướng dẫn Công ty CP Đầu tư và Quản lý tài sản Á Châu hoàn thiện hồ sơ thủ tục pháp lý theo quy định, trình các cấp có thẩm quyền giải quyết các thủ tục cần thiết phù hợp với quy định của pháp luật để triển khai thực hiện dự án.
Đi đôi với đó, tỉnh Thanh Hóa thu hút đầu tư xây dựng Trung tâm logistics tại Khu Công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng, có diện tích 10 ha trở lên, vị trí giao thông thuận tiện, nằm ở các trung tâm kinh tế, thị trường tiêu thụ lớn, các vùng sản xuất tập trung. Dịch vụ bốc xếp hàng hóa, bao gồm cả hoạt động bốc xếp container; dịch vụ kho bãi và lưu giữ hàng hóa, bao gồm cả hoạt động kinh doanh kho bãi container và kho xử lý nguyên liệu, thiết bị. Dịch vụ đại lý vận tải, bao gồm cả hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan và lập kế hoạch bốc dỡ hàng hóa... Đồng thời, thu hút đầu tư xây dựng Trung tâm logistics cấp tỉnh tại khu vực phía Tây TP Thanh Hóa, với quy mô tối thiểu khoảng 10 ha, bảo đảm vị trí có đường giao thông thuận tiện, kết nối thị trường tiêu thụ với khu vực sản xuất hoặc nguồn cung ứng tập trung trên địa bàn tỉnh. Dịch vụ bốc xếp hàng hóa, bao gồm cả hoạt động bốc xếp container; dịch vụ kho bãi và lưu giữ hàng hóa, bao gồm cả hoạt động kinh doanh kho bãi container và kho xử lý nguyên liệu, thiết bị. Dịch vụ đại lý vận tải, bao gồm cả hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan và lập kế hoạch bốc dỡ hàng hóa và các dịch vụ bổ trợ khác.
Để phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn Thanh Hóa trở thành ngành dịch vụ quan trọng của tỉnh, góp phần phát triển chuỗi sản xuất - cung ứng tại các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh và một số khu vực lân cận; cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư và hỗ trợ thị trường dịch vụ logistics phát triển, tỉnh Thanh Hóa đang tập trung chỉ đạo các cấp, các sở, ngành, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan... đối với các hoạt động sản xuất hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối theo hướng ngày càng minh bạch, thuận tiện cho doanh nghiệp. Thường xuyên đối thoại, tiếp xúc với các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp để nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, kinh doanh, các dự án logistics... và thành lập văn phòng đại diện, công ty liên doanh về logistics tại tỉnh Thanh Hóa. Rà soát, thuận lợi hóa các thủ tục thông quan hàng hóa; tăng cường áp dụng thủ tục điện tử, kết nối mạng liên thông giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, như: Cảng vụ Thanh Hóa, biên phòng, hải quan, kiểm dịch y tế, kiểm dịch động - thực vật... nhằm mục tiêu giảm thời gian thông quan qua Cảng Nghi Sơn. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, điều tra về thông tin kinh tế - xã hội để cung cấp cho doanh nghiệp và nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh. Tiếp tục khảo sát, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về nhu cầu của doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics tại Thanh Hóa nhằm phục vụ công tác hoạch định, điều chỉnh cơ chế, chính sách, giải pháp quản lý và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển... Thiết lập cơ chế liên kết logistics để gắn kết các thành phần của chuỗi logistics, gồm nhà sản xuất, chủ hàng, doanh nghiệp vận tải, đại lý hãng tàu, hãng tàu, công ty logistics, các doanh nghiệp khai thác cảng biển, các nhà nhập khẩu hàng container... trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh và trong nước với các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế.
Tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT để đầu tư phát triển các công trình kết cấu hạ tầng giao thông - vận tải. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình giao thông kết nối, cảng biển, cảng hàng không, đường sắt, đường thủy, đường bộ, cảng thông quan nội địa, kho bãi, trang thiết bị... đáp ứng yêu cầu phát triển logiscts của tỉnh. Đối với đường bộ, tập trung nguồn lực đầu tư trọng tâm, trọng điểm các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, có tính đột phá, các tuyến trục dọc, trục ngang kết nối tới trung tâm tỉnh, các huyện, các khu kinh tế động lực, Cảng Hàng không Thọ Xuân, các cảng biển, các cửa khẩu.
Đối với vận tải đường sắt, cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn qua Thanh Hóa nhằm bảo đảm tốc độ chạy tàu. Xây dựng mới ga trung chuyển tại xã Trường Lâm thay thế ga Khoa Trường và kết hợp cảng cạn Depot-ICD và trung tâm logistics... Đối với đường thủy nội địa, đầu tư nâng cấp, đưa vào quản lý, khai thác các tuyến đường thủy nội địa kết nối với các loại hình vận tải khác, như đường bộ, hàng hải, đường sắt để tạo thành tuyến vận tải thông suốt, liên hoàn và đa phương thức.
Đối với đường không, nâng cấp Cảng Hàng không Thọ Xuân với chức năng là cảng hàng không quốc tế, quy mô cấp 4E, công suất thiết kế 5 triệu hành khách/năm, diện tích 655 ha.
Đối với hàng hải, hoàn thành đầu tư cảng biển Nghi Sơn theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; nâng cao năng lực Cảng Lễ Môn, công suất thông qua khoảng 0,5 - 1 triệu tấn/năm; từng bước xây dựng các cảng Quảng Châu, Quảng Nham để có thể tiếp nhận tàu 1.000 DWT. Riêng đối với cảng biển Nghi Sơn, tiếp tục đầu tư theo quy hoạch 24 cầu bến của các cảng tổng hợp và mở rộng thêm cảng biển từ phía Bắc Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đến giáp đường Đông Tây 2; mở rộng khu bến cảng container 2 về phía Đông và phía Nam hết vùng nước tỉnh Thanh Hóa, gắn với việc xây dựng khu phát triển dịch vụ logistics. Chú trọng đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng mạng lưới công nghệ thông tin thông suốt, toàn diện giúp kết nối từ các cơ quan quản lý Nhà nước, hải quan... tới các doanh nghiệp logistics và chủ hàng.
Quá trình phát triển, tỉnh Thanh Hóa cũng xác định, trong thời kỳ hội nhập kinh tế sâu rộng, hợp tác quốc tế có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics ở Thanh Hóa. Thông qua hợp tác quốc tế có thể tranh thủ được nguồn vốn đầu tư vào ngành logistics, mở rộng quy mô hoạt động của doanh nghiệp, học tập kinh nghiệm quản lý, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Hợp tác với các hãng tàu biển lớn trên thế giới để phát triển, cung cấp các dịch vụ logistics cho các tuyến vận tải container từ Nghi Sơn đi các nước.
Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ tải tại đây.