Doanh nghiệp cần được chuyển nhượng dự án khi có quyết định giao đất
Bất động sản - Ngày đăng : 11:50, 04/04/2023
Tháo gỡ “cơ chế” là giải pháp ít tốn tiền ngân sách nhà nước
HoREA cho biết, theo số liệu của Tổng cục Thống kê thì GDP quý 1/2023 của cả nước chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ năm 2022 thấp hơn dự báo trước đây. Đáng quan ngại là GRDP của TPHCM quý 1/2023 chỉ tăng 0,7% so với quý 1/2022, đứng cuối trong 05 thành phố trực thuộc Trung ương và nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có tăng trưởng GRDP thấp nhất. Trong đó, kinh doanh bất động sản sụt giảm 16,2% lớn nhất, kéo theo ngành xây dựng sụt giảm 17%.
Riêng tăng trưởng tín dụng quý 1/2023 của toàn nền kinh tế (tính đến ngày 28/03/2023) tuy tăng 11,7% so với quý 1/2022, nhưng lại chỉ tăng 2,06% so với cuối năm 2022, đạt khá thấp so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 là 14-15%.
Kết quả tăng trưởng GRDP thấp của TPHCM có thể nhận định do kết quả giải ngân đầu tư công trong quý 1/2023 chỉ đạt 2% không đáng kể, mà đầu tư công là một động lực dẫn dắt nền kinh tế. Kế đến là do sự sụt giảm sâu của thị trường bất động sản kéo theo sự sụt giảm mạnh của ngành xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội ngoại thất.
Chỉ tính 156 dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội của 121 doanh nghiệp chủ đầu tư tại TPHCM đang bị ách tắc, nếu bình quân giá trị mỗi dự án là 2.000 tỷ đồng thì tổng mức đầu tư lên đến khoảng 312.000 tỷ đồng, nếu tháo gỡ được vướng mắc để triển khai thực hiện trở lại bình thường thì Nhà nước có thể thu thuế GTGT 10% được 31.200 tỷ đồng; nếu đạt lợi nhuận 20% thì Nhà nước còn có thể thu thuế thu nhập doanh nghiệp được 12.480 tỷ đồng và các khoản thu thuế phái sinh khác, tạo công ăn việc làm…
HoREA tin tưởng Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/06/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ đạo mục tiêu cụ thể “Đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất” đã định hướng việc tháo gỡ “vướng mắc pháp lý” là khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản, chiếm đến 70% khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản.
HoREA nhận thấy, tháo gỡ “cơ chế” là giải pháp ít tốn tiền ngân sách nhà nước nhất, nhưng lại mang lại hiệu quả, có tính lan tỏa rất lớn và để làm được điều này thì phải xây dựng được Luật “chuẩn, chỉnh” mà trước hết là phải xây dựng được “Dự thảo Luật có chất lượng tốt nhất”, nhưng đáng lo là hiện nay vẫn còn có một số quy định của các “Dự thảo Luật” chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, hoặc còn bất cập, chưa sát với thực tế cuộc sống. Do đó, ban hành Luật chậm một chút để có Luật “chuẩn, chỉnh”, còn hơn là ban hành Luật lại “bất cập, không khả thi” thì sẽ làm cản trở sự phát triển.
Các doanh nghiệp cần được chuyển nhượng dự án
HoREA nhận thấy, nếu cho phép áp dụng tương tự cơ chế “thí điểm” chuyển nhượng dự án bất động sản theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 thì sẽ tác động tích cực ngay lập tức và cùng với cơ chế, chính sách của Nghị định 08/2023/NĐ-CP sẽ tháo gỡ được khó khăn về “dòng tiền và thanh khoản” cho các doanh nghiệp bất động sản, trong đó có các doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn và hỗ trợ các “trái chủ” và tạo điều kiện phát triển thông thoáng thị trường chuyển nhượng dự án bất động sản (M&A), vừa tôn trọng và bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh, tự do kinh doanh của doanh nghiệp theo quy định tại Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2020.
Việc cho phép các doanh nghiệp được chuyển nhượng dự án theo thỏa thuận, theo nhu cầu thì Nhà nước vừa thu được thuế, vừa tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với thị trường bất động sản, vừa tăng tính minh bạch, khắc phục được tình trạng chuyển nhượng dự án “chui” nấp dưới hình thức chuyển nhượng cổ phần dẫn đến thay đổi cổ đông, thay đổi chủ doanh nghiệp mà thực chất là chuyển nhượng dự án có thể làm thất thu ngân sách nhà nước.
Do vậy, HoREA đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép áp dụng tương tự cơ chế “thí điểm” cho phép chuyển nhượng dự án, một phần dự án bất động sản theo khoản 1 Điều 10 Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/06/2017 của Quốc hội tại thời điểm này để tháo gỡ được ngay khó khăn về “dòng tiền và thanh khoản” cho các doanh nghiệp bất động sản.
Đồng thời, HoREA đề nghị xây dựng, hoàn thiện lại nội dung khoản 4 Điều 41 Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), như sau:“4. Chủ đầu tư chuyển nhượng đã có quyết định giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có) với Nhà nước đối với dự án, phần dự án chuyển nhượng mà không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng. Trường hợp bên chuyển nhượng dự án, một phần dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước thì bên nhận chuyển nhượng có trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ tài chính này”.