Doanh nghiệp cam kết giữ giá để chia sẻ khó khăn kích cầu tiêu dùng
Toàn cảnh Kinh tế - Ngày đăng : 12:32, 04/04/2023
Đại diện Sở Công thương TPHCM cho biết, từ năm 2023, Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TPHCM được triển khai theo Quy chế quy định tại Quyết định số 4556 ngày 28/1/2023 của UBND TPHCM. Chương trình bình ổn thị trường năm 2023 - Tết Giáp Thìn năm 2024 có 44 doanh nghiệp tham gia các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu (đã bao gồm mặt hàng sữa), tăng 3 doanh nghiệp so năm 2022; 11 doanh nghiệp bình ổn thị trường các mặt hàng phục vụ học tập, phần lớn là doanh nghiệp quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao.
Điểm mới khi thực hiện chương trình năm nay đa số doanh nghiệp cam kết giữ giá để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng nhằm kích cầu tiêu dùng trong thời gian tới. Theo đó, chương trình bình ổn khi có sự điều chỉnh lớn về quy định giá bán hàng bình ổn thị trường thì phải trên cơ sở thống nhất của nhiều bên liên quan: doanh nghiệp cung ứng, doanh nghiệp phân phối, cơ quan nhà nước (dưới sự chủ trì của Sở Tài chính). Việc quy định về công bố các giá bán mới của chương trình bình ổn dựa trên sự thống nhất của nhiều bên sẽ giúp tạo sự đồng thuận cao, vừa đảm bảo ổn định giá, vừa đảm bảo lợi nhuận hợp lý của doanh nghiệp, lợi ích phù hợp của người tiêu dùng.
Chương trình bình ổn thị trường năm 2023 - Tết Giáp Thìn năm 2024 bổ sung nhiều nhóm mặt hàng như: các mặt hàng bột, các mặt hàng thực phẩm chế biến từ thủy hải sản, các mặt hàng cháo tươi, súp dinh dưỡng đóng gói, các mặt hàng đặc sản vùng miền như rong nho, măng, nấm, măng chua…; giấy kiểm tra, giấy thủ công, giấy bao tập, giấy kê tay, nhãn học sinh, tập chép nhạc, sổ giáo án, tập vẽ, thời khóa biểu… Ngoài ra, căn cứ nhu cầu, sức mua, kết quả cung ứng năm 2022, lượng hàng bình ổn thị trường năm 2023 tăng 3 - 5% so năm 2022; chiếm từ 23% đến 31% thị phần trong tháng thường, chiếm từ 25% đến 43% nhu cầu thị trường trong tháng Tết; đủ sức chi phối, điều tiết thị trường.
Giám đốc Sở Công thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, thông tin tích cực của chương trình bình ổn giá năm 2023 là sau khi kết thúc chương trình bình ổn thị trường 2022, doanh nghiệp tham gia chương trình đều cam kết không tăng giá sản phẩm để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Hiện nay, dù đầu vào cho các sản phẩm đang tăng nhưng doanh nghiệp sản xuất, nhà phân phối đều cam kết giữ giá cho người dân, điều này cho thấy sự chia sẻ rất lớn từ các doanh nghiệp, nhà phân phối để cùng đồng hành với TPHCM hỗ trợ người dân trong giai đoạn khó khăn.
“Để hỗ trợ doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhà phân phối, Sở cũng sẽ đồng hành với doanh nghiệp trong suốt thời gian thực hiện, khi doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện có thể kiến nghị lên Sở để Sở có những giải pháp hỗ trợ kịp thời” - Giám đốc Sở Công thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết thêm.