Hawaii, đi để… nhớ!

Du lịch - Ngày đăng : 08:47, 06/04/2023

Vậy mà đã gần 20 năm chúng tôi mới có dịp trở lại Honolulu - Hawaii. Với tôi quần đảo này thật xinh đẹp và đáng yêu vô ngần. Lần này, theo “hò hẹn” và tư vấn của vợ chồng anh bạn Vịnh – Linh, một “thổ công” có gần mười lăm năm sống và làm việc ở đảo quốc này đã thiết kế tuần trải nghiệm của đoàn bằng phương thức… thuê xe tự lái, thuê căn nhà đẹp tại khu Kalanianaole Hwy để làm trung tâm cho những ngày du lịch khám phá Honolulu - Hawaii của chúng tôi.
hawai-1.png

Honolulu là thành phố thủ đô của tiểu bang Hawaii của nước Mỹ. Quần đảo này từ lâu đã là địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới xét ở hai khía cạnh - tính đa dạng về văn hóa và cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, đẹp đến lạ thường. Nói về quê hương của mình, cựu Tổng thống Mỹ - Barack Obama trong cuộc trò chuyện với tạp chí Vogue “Hawaii là nơi xa xôi nhất trên trái đất. Cảm giác về vùng đất bị cô lập này càng làm cho nó đẹp hơn và lạ hơn". Và tôi cũng rất thích thú với cách kiến giải có phần hài hước của anh Phạm Lý, một kĩ sư xây dựng công trình ở đây “Tạo hóa sau khi kiến tạo ra trái đất, và trong quá trình làm đẹp quả địa cầu… phần còn dư lại ngài đã thả hết xuống Hawaii”.

hawai-2.png

Theo dòng lịch sử…

Lịch sử kể rằng, người Polynesia đã đến Hawaii đầu tiên, vào khoảng 1.500 năm trước. Sau đó, khoảng 1.000 năm, người Mã Lai đến sinh sống và hình thành nên nền văn minh đầu tiên ở đảo quốc này. Rồi trong thế kỷ 12, người Hawaii đã thành lập các lãnh chúa độc lập ở các đảo khác nhau, và đến thế kỷ 18 thì Kamehameha I đã thống nhất các đảo thành một vương quốc duy nhất. Sau khi Kamehameha I qua đời, con trai của ông tiếp tục lãnh đạo và đồng thời đưa ra những chính sách mới trong việc cải cách phong kiến và thúc đẩy phát triển kinh tế. Chế độ phong kiến này tiếp tục tồn tại cho đến khi Hawaii chịu sự thôn tính của người Mỹ vào năm 1893.

Năm 1893, một nhóm người Mỹ do Sanford Dole lãnh đạo đã lật đổ chính quyền Lorrin A. Thurston, phế truất Nữ hoàng Liliuokalani… từ đó Hawaii trở thành một vùng đất thuộc nước Mỹ, và chính thức được công nhận là tiểu bang thứ 50 của Hoa Kỳ vào năm 1959. Sau khi Hawaii trở thành tiểu bang của Hoa Kỳ, tốc độ đầu tư xây dựng và phát triển kinh tế của quần đảo này phát triển rất nhanh. Du lịch, nông nghiệp, sản xuất và dịch vụ là những ngành kinh tế chính của Hawaii hiện nay.

Văn hóa bản địa là “điểm nhấn” xây dựng bản sắc

Văn hóa bản địa của Hawaii như là một “điểm nhấn” về sự pha trộn giữa các nền văn hóa Polynesia cổ xưa với văn hóa châu Á, châu Âu và đặc biệt là của người Hawaii. Đây chính là đặc trưng văn hóa của một vùng đất được phản ánh khá đa dạng thông qua sự kết hợp và tiếp biến của nhiều nền văn hóa khác nhau hợp thành.

hawai-3.png

Từ lâu, người Hawaii được tiếng là có lối sống khoan thai, cân bằng và chan hòa trong tình yêu thiên nhiên. Họ cũng là một cộng đồng luôn đề cao sự tôn trọng và gìn giữ các giá trị của văn hóa bản địa truyền thống. Đây có lẽ là một trong những yếu tố quan trọng mà địa danh này đã hấp dẫn, thu hút du khách và đưa Hawaii phát triển thịnh vượng ngành công nghiệp “không khói”.

Du lịch đến Hawaii, nếu để ý từ khía cạnh âm nhạc và vũ đạo chúng ta có thể nhận biết đây chính là một phần quan trọng, “nốt luyến láy” trong mạch văn hóa bản địa Hawaii. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí Rolling Stone, ca sĩ – nhạc sĩ nổi tiếng người Mỹ Bruno Mars (Peter Gene Hernandez) nói rằng “Hawaii là thiên đường. Nói thì nghe có vẻ sến, nhưng không khí ở đó ngập tràn âm nhạc". Có thể nói rất nhiều bài hát, giai điệu, vũ đạo được lấy cảm hứng từ lịch sử, văn hóa và thiên nhiên của đảo quốc xinh đẹp này. Các giai điệu, nhạc cụ dân tộc truyền thống như hula, ukulele và slack-key guitar… được sử dụng phổ biến trong các chương trình biểu diễn âm nhạc ở Hawaii. Bên cạnh đó mĩ thuật cũng là nét đặc sắc của văn hóa bản địa Hawaii, thể hiện qua các bức tranh, đồ thủ công và điêu khắc. Các tác phẩm nghệ thuật này thường lấy cảm hứng từ thiên nhiên và đời sống sinh hoạt của người Hawaii.

Ở Hawaii ngoài tiếng Anh, người dân còn sử dụng tiếng địa phương của từng vùng, trong đó tiếng Hawaii (tiếng Aloha) là ngôn ngữ bản địa. Các tôn giáo phổ biến ở Hawaii là đạo Công giáo, Tin Lành, Phật giáo và Hồi giáo. Trang phục truyền thống của người Hawaii thường là áo choàng, váy lụa dài, được dệt từ các loại cây vải của địa phương, các họa tiết thường gắn với văn hóa Hawaii. Điều thú vị nữa là Hawaii cũng là xứ sở có nhiều lễ hội truyền thống như Lễ hội hoa Anthurium, Lễ hội Văn hóa Hawaii, Lễ hội âm nhạc Slack Key và Lễ hội Hula…

hawai-4.png

Và không thể không nhắc đến văn hóa ẩm thực Hawaii. Các món ăn truyền thống ở đây thường được làm từ các loại sản vật của địa phương như cá, tôm, thịt heo, bò và các loại trái cây như dứa, chuối, trái lê và cam. Các món ăn, cách bày trí phần nào đã phản ảnh tính đa dạng, phong phú và cho thấy sự tương tác, ảnh hưởng của văn hóa ẩm thực Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nước khác trong thế giới ẩm thực ở vùng đất du lịch này.

Nơi bình yên, hạnh phúc

Ngày vui qua mau. Kết thúc một tuần vui, nhưng với Hawaii chúng tôi như cũng chỉ mới “cưỡi ngựa xem hoa”. Đêm trước ngày chia tay, vợ chồng anh Vịnh – Linh đã “thiết kế” cho đoàn một buổi tiệc tối thật ấm cúng với rất nhiều món ăn quê hương tại tư gia của một gia đình Việt thành công ở đất Hawaii. Bánh cuốn và giò nóng, heo quay bánh hỏi giòn thơm… và có cả những trái vú sữa “ngọt liệm đến tận vỏ”, mãn cầu xiêm hái từ vườn nhà “tươi giòn” như lời anh Toàn dịch vụ cho thuê xe đã giới thiệu về sản vật Hawaii hôm đón chúng tôi ở sân bay.

hawai-5.png

Một đêm văn nghệ giao lưu được mở ra thấm đậm tình đồng hương với nhiều bài hát, giai điệu và cung bậc tự tình quê hương cất lên ở nơi quần đảo xa xôi tận Thái Bình Dương. Những bài hát tự chọn được trình diễn và nối nhau theo danh sách dài của MC liên tục được ngân tấu, tưởng chừng như bất tận… Có một điều tôi nghiệm ra rằng, trong thế giới rộng lớn với không ít khác biệt trong tư duy và nhận thức của con người. Mỗi người nhìn về cuộc đời, nhìn về thời cuộc có khác nhau, nhưng tựu trung và vượt lên trên hết là lòng trắc ẩn dành cho hai chữ quê hương luôn rất đỗi kỳ diệu. Chính tình quê hương đã kéo con người vượt qua những giới hạn, rào cản để đến gần nhau hơn trong nghĩa yêu thương mà dường như không có điều kiện.

… Và nhớ, buổi tối tại nhà anh chị Lý – Nhung với nhiều món ngon mang dư vị đậm chất Hawaii. Ấn tượng với món Poke bên những ly vang vùng Napa California thơm nồng. Ngôi nhà trên đồi cao khu Aiea với nhiều cây trái, gió từ biển khơi thổi qua vịnh Honolulu mát rượi, đêm càng về khuya càng lạnh và vắng lặng. Nhìn ra xa hơn là Trân Châu Cảng. Trong không gian trữ tình với tiếng dương cầm của anh Lý, tiếng đàn guitare… anh em chúng tôi lại hát, hát thật nhiều… như không hề có ý niệm về thời gian.

hawai-6.png

“Hội ngộ rồi chia ly, cuộc đời vẫn thế…” ca từ trong bài hát “Điều giản dị” của Phú Quang mà anh em chúng tôi đã hát, và hát nhiều ca khúc trên đồi cao - biển rộng, trên núi, thác và giữa phố phường Hawaii ở chuyến đi này. “Aloha, a hui hou” (Tạm biệt, hẹn gặp lại) Honolulu - Hawaii… một vùng địa dư xa xôi yên bình, hạnh phúc mà chưa biết khi nào trở lại.

Lê Văn Hỷ