Cầu kết nối giữa TP.HCM và Đồng Nai
Hạ tầng - Ngày đăng : 19:32, 11/04/2023
Cầu kết nối TP Thủ Đức (Quận 9 cũ) với xã Tam An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai (tạm gọi là cầu Đồng Nai 2)
Sự cần thiết đầu tư: đoạn từ cầu Đồng Nai trên tuyến Quốc lộ 1 đến cầu Long Thành trên tuyến cao tốc TPHCM– Long Thành–Dầu Giây với khoảng cách 15km chưa được quy hoạch bổ sung vị trí cầu để kết nối 02 địa phương. Trong khi đó, theo định hướng quy hoạch của 02 địa phương, 02 bên bờ sông Đồng Nai đã được quy hoạch và đang xây dựng các khu dân cư, đô thị mới.
Do đó, nhu cầu kết nối giữa các khu đô thị dọc 02 bên sông Đồng Nai là rất lớn, việc bổ sung quy hoạch vị trí cầu trên là rất cần thiết nhằm chia sẽ lưu lượng cho cầu Đồng Nai hiện hữu.
Về quy hoạch: tỉnh Đồng Nai thống nhất bổ sung vào quy hoạch 02 địa phương đối với cầu Đồng Nai 2.
Về vị trí: cầu sẽ kết nối vào tuyến ĐT.777B đã được UBND tỉnh Đồng Nai cập nhật trong quy hoạch sử dụng đất huyện Long Thành
Về quy mô: thiết kế 06 làn xe.
Về giai đoạn đầu tư: dự án thực hiện trong giai đoạn từ năm 2026-2030.
Cầu thay phà Cát Lái
Sự cần thiết đầu tư: vị trí trên đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương bổ sung vào quy hoạch giao thông vận tải TPHCM từ năm 2017. Năm 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chấp thuận giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án theo hình thức PPP. Tuy nhiên, đến nay 02 địa phương vẫn chưa thống nhất được vị trí cầu thay phà Cát Lái làm cơ sở để triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Do đó, việc sớm triển khai thực hiện cầu thay phà Cát Lái nhằm xóa bỏ phà Cát Lái hiện hữu là rất cần thiết.
Về quy hoạch: Cầu thay phà Cát Lái đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất bổ sung vào quy hoạch giao thông vận tải TPHCM. Phía Đồng Nai đã được cập nhật trong quy hoạch đô thị và quy hoạch sử dụng đất huyện Nhơn Trạch.
Về vị trí: đề nghị phía TPHCM cập nhật vị trí cầu thay phà Cát Lái theo quy hoạch bên phía Đồng Nai.
Về quy mô: thiết kế 06 làn xe.
Về giai đoạn đầu tư: trước 2025 nhằm sớm xóa bỏ phà Cát Lái.
Cầu kết nối khu vực phía Nam TPHCM với huyện Nhơn Trạch (tạm gọi là cầu Phú Mỹ 2)
Sự cần thiết đầu tư: vị trí cầu này kết hợp với tuyến đường ĐT.769D (25C) và tuyến số 1 sẽ hình thành tuyến kết nối TPHCM khu vực phía Nam Quận 7 với sân bay quốc tế Long Thành, khi hình thành tuyến sẽ chia lưu lượng cho tuyến cao tốc TPHCM. Do đó, việc bổ sung quy hoạch vị trí cầu nói trên là cần thiết.
Về quy hoạch: thống nhất bổ sung vào quy hoạch 02 địa phương tuyến cầu nói trên.
Về vị trí: tại buổi làm việc giữa đại diện Sở Giao thông vận tải TPHCM và các Sở, ngành, địa phương tỉnh Đồng Nai ngày 17/02/2023 vừa qua, phía TPHCM khẳng định, vị trí đề xuất đã được rà soát kĩ giữa các ban ngành và lãnh đạo thành phố, không thể điều chỉnh qua vị trí khác. Xét thấy tính chất quan trong của tuyến cầu kết nối giữa 02 địa phương, các ban ngành và huyện Nhơn Trạch thống nhất kiến nghị UBND tỉnh chấp thuận vị trí cầu kết nối nêu trên làm cơ sở để các ngành cập nhật vào quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung huyện Nhơn Trạch và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.
Về quy mô: kiến nghị phía TPHCM cập nhật quy mô tuyến cầu và đường dẫn phía bờ thành phố đạt quy mô 8 làn xe đồng nhất quy mô tuyến ĐT.769D (25C) đã được tỉnh Đồng Nai quy hoạch và đầu tư hình thành tuyến kết nối sân bay Long Thành với khu vực phía Nam Quận 7, TPHCM.
Về giai đoạn đầu tư: 2026-2030.
Đồng Nai là cửa ngõ phía Đông của TPHCM. Về địa lý, 2 địa phương bị chia cắt bởi các sông Đồng Nai, Lòng Tàu, Đồng Tranh và Thị Vải. Tuy nhiên, nhiều năm qua, giữa Đồng Nai và TPHCM chỉ có 2 cầu được xây dựng, đưa vào khai thác gồm cầu Đồng Nai trên tuyến Quốc lộ 1A và cầu Long Thành trên đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.
Hiện nay, cả 2 cầu đều quá tải trầm trọng; trong đó, cầu Đồng Nai với quy mô 8 làn xe, năng lực thiết kế là 96 nghìn PCU/ngày đêm nhưng đang khai thác với lưu lượng 216.000 PCU/ngày đêm. Cầu Long Thành với quy mô 4 làn xe, năng lực thiết kế là 48.000 PCU/ngày đêm nhưng đang khai thác với lưu lượng 65.000 PCU/ngày đêm.
Việc xây dựng 3 cầu nêu trên góp phần chia sẻ lưu lượng cho các cây cầu hiện hữu; thúc đẩy kinh tế xã hội không chỉ riêng 2 địa phương mà còn cả khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.