"Bức tranh" Logistics thế giới năm 2022, những tác động và xu hướng (Bài 1)
Thương hiệu - Giao thương - Ngày đăng : 07:47, 12/04/2023
Báo cáo đánh giá, thị trường container toàn cầu duy trì mức lợi nhuận cao, nhưng đang có dấu hiệu suy yếu. Sau hai năm với các mức tăng trưởng kỷ lục trong giai đoạn 2020 - 2021, thị trường container toàn cầu đang có dấu hiệu suy yếu nhất định.
Theo thống kê, khối lượng container lượt đi, lượt về và trong khu vực đều chứng kiến xu hướng giảm so với năm 2021. Trong đó, khối lượng container vào châu Đại Dương và châu Âu đã có dấu hiệu giảm nhẹ kể từ tháng 3 năm nay. Khối lượng container vào thị trường Bắc Mỹ vẫn duy trì mức tăng, tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đang chậm lại. Bên cạnh đó, mức cước vận tải hàng hóa bằng container của Thượng Hải (CCFI) đã cho thấy mức giảm trung bình 30% so với năm 2021.
Xu hướng này tiếp tục kéo dài trong những tháng cuối năm 2022, khi người tiêu dùng đang có xu hướng đổ tiền vào dịch vụ thay vì hàng hóa như thời kỳ dịch bệnh. Ngoài ra, lượng hàng tồn kho ở các thị trường Hoa Kỳ, châu Âu cũng duy trì ở mức cao, điều này có thể khiến khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng container trong thời gian tới chững lại.
Các hãng tàu nỗ lực xanh hóa logistics
Dịch COVID-19 đã đem lại cho các hãng tàu biển khoản lợi nhuận khổng lồ. Nắm bắt xu hướng thương mại đường biển đang trên đà phát triển, các hãng tàu cạnh tranh gay gắt trong chiến lược cải thiện năng lực chuyên chở, không ngừng bổ sung nâng cấp đội tàu và triển khai các tuyến vận tải mới, theo hướng logistics xanh.
Đáng chú ý, hầu hết các hãng tàu đều có xu hướng đặt trước những tàu vận hành bằng nhiên liệu khí hóa lỏng (LNG), đây là một phần chiến lược đạt mục tiêu mức phát thải khí nhà kính ròng bằng không vào năm 2050.
Cụ thể vào giữa tháng 07/2022, HMM, hãng tàu lớn của Hàn Quốc đã ra thông báo dành một phần trong khoản đầu tư 11 tỷ USD của mình để bổ sung đội tàu mới. Hay MSC cũng vừa đặt 20 tàu container có công suất từ 8.000 - 11.000 TEU từ New Times Shipbuilding, tất cả đội tàu này đều được vận hành bởi khí hóa lỏng từ cuối tháng 6/2022. Hãng tàu CMA CGM cũng không ngoại lệ khi bổ sung 06 tàu chạy bằng nhiên liệu methanol kép, với công suất 15.000 TEU vào đội tàu CMA CGM vào cuối năm 2025.
Xu hướng dịch vụ logistics tích hợp
Vận chuyển hàng không đang là thị trường hấp dẫn đối với các hãng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, đặc biệt trong bối cảnh dịch vụ logistics tích hợp đang là xu hướng.
Maersk Lines, hãng vận tải container lớn nhất thế giới, đã khai trương bộ phận vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không vào tháng 4/2022. Hiện hãng tàu có đội bay gồm 15 máy bay.
Hãng tàu container CMA CGM của Pháp, hãng vận tải đường biển lớn thứ ba thế giới, đã bắt đầu kinh doanh vận tải hàng không vào tháng 3/2021 và sẽ có 12 máy bay hoạt động vào năm 2026.
CMA CGM đã ký thỏa thuận với Air France - KLM vào tháng 5 để chia sẻ không gian vận chuyển hàng hóa và cho biết sẽ mua 9% cổ phần của hãng hàng không này.
Maersk Lines dự kiến sẽ nhận 7 chiếc Boeing 767 (3 chiếc đang mua và 4 chiếc cho thuê) vào khoảng đầu tháng 11/2022. Maersk cũng sẽ mua thêm hai chiếc Boeing 777, dự kiến giao hàng vào năm 2024. Máy bay sẽ bay từ châu Á đến Hoa Kỳ và các đường bay Á - Âu. Công ty cũng đã mua lại công ty giao nhận hàng hóa Senator International vào năm ngoái.
Chính sách Zero-COVID với hoạt động vận tải tại khu vực Đông Á
Chính sách Zero-COVID là chính sách chống dịch quan trọng và xuyên suốt của Trung Quốc trong những năm 2021 - 2022. Và năm 2022, việc áp dụng chính sách này tại Thượng Hải vào hồi tháng 5 dẫn đến thành phố cảng quan trọng này bị phong tỏa và các hoạt động khai thác dịch vụ logistics khác bị gián đoạn nghiêm trọng.
Lý do khiến cho đợt phong tỏa Thượng Hải tác động mạnh đến thế giới chính là sự phá vỡ tính liên tục trong hoạt động khai thác dịch vụ vận tải biển và lưu chuyển container, vốn rất khó khăn mới có thể trở lại nhịp độ sau hai năm dịch bệnh căng thẳng. Kể từ lúc Thượng Hải bước vào đợt phong tỏa, hoạt động vận tải bị gián đoạn nghiêm trọng. Thời gian đợi hàng hóa hoàn thành thủ tục xuất nhập khẩu bị đình trệ.
Ngoài ra, việc Thượng Hải bị phong tỏa cũng ảnh hưởng nặng nề đến dòng luân chuyển container rỗng. Với việc Trung Quốc là công xưởng của thế giới, lượng container rỗng tập kết ở khu vực Thượng Hải là rất lớn cho nhu cầu xuất khẩu. Khi Thượng Hải bị phong tỏa, đồng nghĩa với việc lượng container rỗng không thể được giải phóng, dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng container cho các cảng trung chuyển và nhập khẩu khác.
Bên cạnh vận tải biển, hoạt động hàng không cũng bị gián đoạn do các sân bay không thể vận hành hết với 100% công suất. Các chuyến bay vận tải hàng hóa đến và đi từ Thượng Hải và rất nhiều sân bay khác tại Trung Quốc bị gián đoạn, đẩy giá cước vận tải hàng không tăng vọt.
Chuyển đổi số - xu hướng tất yếu trong ngành logistics
Kể từ sau khi dịch COVID-19 diễn ra, xu hướng chuyển đổi số ngày càng trở nên phổ biến và được đẩy mạnh. Đặc biệt, trong ngành logistics, công nghệ không chỉ dừng lại với “track & trace” - kiểm soát và theo dõi mà nhiều doanh nghiệp đang tìm cách hiển thị cả chuỗi cung ứng của mình.
Theo khảo sát của Alloy Techonologies, 92% giám đốc điều hành công ty logistics cho rằng khả năng quản trị chuỗi cung ứng là yếu tố quan trọng để thành công. Tuy nhiên, chỉ có 27% trong số đó tìm ra cách chuyển đổi số thành công cho doanh nghiệp của mình. Điều này cho thấy, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của ngành logistics, nhưng không phải tất cả các công ty đều có khả năng chuyển đổi số thành công.
Nguồn: "Báo cáo Logistics Việt Nam 2022" của Bộ Công Thương