Khai mạc Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM) Hà Nội 2023
Du lịch - Ngày đăng : 18:55, 13/04/2023
Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã tới tham dự và phát biểu tại Lễ khai mạc.
Hội chợ Du lịch Quốc tế - VITM Hà Nội 2023 năm nay mang một ý nghĩa đặc biệt khi đánh dấu cột mốc 10 năm hình thành và phát triển (2013-2023). Mục tiêu ban đầu của Hiệp hội Du lịch Việt Nam khi tổ chức Hội chợ VITM là tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch Việt Nam và quốc tế gặp gỡ, trao đổi, xây dựng mối quan hệ hợp tác kinh doanh từ xây dựng, khai thác sản phẩm, trao đổi khách nhằm tăng nhanh du lịch quốc tế và nội địa, thúc đẩy loại hình du lịch outbound vào nề nếp để khẳng định tầm quan trọng của việc tổ chức cho người Việt Nam đi du lịch nước ngoài, thúc đẩy việc trao đổi khách với các quốc gia có nhu cầu đón khách Việt Nam góp phần tăng khách quốc tế vào Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Để triển khai Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển” hiệu quả và bền vững, trong thời gian qua Bộ VHTTDL đã chủ trì, phối hợp với nhiều bộ, ngành trung ương, các địa phương tập trung thực hiện nhiệm vụ quan trọng phục hồi kinh tế nói chung và phục hồi lại du lịch Việt Nam sau đại dịch Covid-19 nói riêng”.
Ông nhấn mạnh, bằng các việc làm cụ thể, toàn ngành mong muốn tập trung sức mạnh tổng hợp để, chung tay xây dựng “Sản phẩm du lịch đặc sắc, chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”, để từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam gắn với “phát triển xanh, bền vững và lấy trải nghiệm của khách du lịch làm trung tâm”.
Để thực hiện được các nội dung chỉ đạo và định hướng nêu trên, Bộ VHTTDL đã phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức Lễ khai mạc năm Du lịch quốc gia 2023 Bình Thuận - Hội tụ xanh diễn ra ngày 25/3, xác định 46 nội dung hoạt động được triển khai trên toàn quốc, xuyên suốt cả năm 2023.
Thời gian quan, Bộ VHTTDL cũng đã thể hiện rõ vai trò quản lý nhà nước, ban hành các quyết định, kế hoạch để tổ chức nhiều sự kiện, tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn như: Kế hoạch tổ chức “Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam năm 2023”, diễn ra từ 14-19/4 tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam để giới thiệu những giá trị văn hóa đặc sắc của 54 dân tộc anh em đến với nhân dân và du khách; đề xuất Chính phủ để báo cáo Quốc hội xem xét sửa đổi những nội dung về thủ tục lưu trú của khách du lịch quốc tế; tháo gỡ những điểm nghẽn này để tăng sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đánh giá cao sự chủ động, sâu sắc của Hiệp hội Du lịch Việt Nam khi lựa chọn chủ đề chính thức của Hội chợ năm này là “Du lịch Văn hoá”.
Du lịch được xem như là “ngành công nghiệp không khói”, đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển kinh tế không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Xu hướng phát triển du lịch xanh, bền vững trên cơ sở bảo tồn, khai thác giá trị văn hoá truyền thống, gắn với bảo vệ môi trường là xu hướng phát triển của thời đại.
Du lịch đồng thời là cầu nối để gắn kết giữa truyền thống với hiện đại, giữa các dân tộc, các nền văn hóa trên thế giới. Du lịch phát triển góp phần tạo nguồn thu cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa. Ngược lại, các di sản văn hoá, tài nguyên văn hoá được bảo tồn sẽ tạo nên nét riêng có, hấp dẫn du khách của mỗi quốc gia.
Đối với đất nước Việt Nam, tiềm năng, lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hoá, với nguồn cội “con Lạc cháu Hồng”, được coi là nguồn lực đặc biệt quan trọng để xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn, khác biệt và có khả năng cạnh tranh cho các điểm đến, hướng tới phát triển du lịch bền vững, trong quá trình phục hồi và phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19.
Được tổ chức lần đầu vào năm 2013, VITM Hà Nội đã trở thành một trong những hoạt động xúc tiến du lịch hết sức quan trọng, là ngày hội có quy mô lớn của ngành Du lịch, mang lại những cơ hội thiết thực giúp các doanh nghiệp du lịch, các điểm đến, các địa phương trong nước và quốc tế gặp gỡ, nắm bắt thông tin, tìm kiếm cơ hội hợp tác và cùng phát triển.
Nhìn lại một thập kỷ đã trôi qua, với 12 lần tổ chức hội chợ, cùng với thương hiệu uy tín đó, và sự đổi mới, chuyên nghiệp trong công tác tổ chức, sự đúng đắn trong công tác lựa chọn các sự kiện. “Chúng tôi tin rằng hội chợ lần này nhất định sẽ đạt được mục tiêu, khắc phục nhanh chóng những hậu quả nặng nề do đại dịch Covid-19 tác động đến ngành Du lịch. Hội chợ năm nay dù khó khăn những vẫn thu hút sự tham gia trực tiếp của 600 doanh nghiệp tới từ hơn 50 tỉnh, thành phố trong cả nước và 15 quốc gia/vùng lãnh thổ. Đó là sự hưởng ứng rất tích cực của cộng đồng du lịch”.
Với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, đặc biệt là việc dành nhiều thời gian, thời lượng để tổ chức Diễn đàn “Phát triển du lịch văn hoá Việt Nam” sẽ giúp cho chúng ta có những nhận thực sâu sắc và đầy đủ hơn về văn hoá trong du lịch, bởi lẽ sản phẩm du lịch luôn gắn liền với văn hoá, mang đậm dấu ấn văn hoá. Qua đó, sẽ hạn chế sự lệch chuẩn trong vấn đề xây dựng các sản phẩm văn hoá.
Bộ VHTTDL sẽ đưa ra các thông điệp, các khuyến nghị và giới thiệu bộ sản phẩm mới về vấn đề xây dựng mô hình văn hoá tại các khu du lịch, các điểm đến, để các địa phương, các cộng đồng doanh nghiệp có thể tham khảo, nghiên cứu và ứng dụng trong tương lai gần.
Bộ trưởng hy vọng, UBND các tỉnh, thành phố sẽ kết nối được nhiều hơn với các doanh nghiệp lữ hành để chung tay phát triển sản phẩm theo hướng “mỗi địa phương phải có một sản phẩm du lịch đặc sắc”, xây dựng các tour, tuyến khai thác tối đa tiềm năng du lịch và phù hợp với thị hiếu của du khách.
Bộ VHTTDL sẽ luôn đồng hành, tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế chính sách, kiến nghị cấp có thẩm quyền cùng các đơn vị nhanh chóng phục hồi lại ngành Du lịch, để du lịch Việt Nam phải là một điểm đến an toàn, thân thiện, hiền hoà, mến khách, hội nhập và phát triển”.
Bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: Trong một thập kỷ qua, VITM ngày càng có vai trò quan trọng hơn và đóng góp tích cực cho hoạt động của các doanh nghiệp du lịch nói riêng và cho Du lịch Việt Nam nói chung. VITM đã phát triển mạnh mẽ, trở thành một sự kiện du lịch có tầm cỡ quốc gia, là sự kiện thu hút sự tham gia đông đảo nhất các doanh nghiệp Du lịch Việt Nam và quốc tế. VITM đã góp phần nâng cao vị thế của Du lịch Việt Nam và góp phần đưa du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2023 là dịp để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch đẩy mạnh sự phục hồi sau đại dịch từ những công việc cấp thiết như: củng cố đội ngũ lao động, lựa chọn thị trường, xây dựng các sản phẩm phù hợp với nhu cầu mới của khách, ứng dụng chuyển đổi số trong tất cả các hoạt động du lịch để đưa Du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam.
Với chủ đề “Du lịch Văn hóa”, Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2023 nhằm hướng các doanh nghiệp du lịch đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa truyền thống và các di sản văn hóa của Việt Nam. Sự khác biệt của nền văn hóa, phong tục tập quán, hoạt động sản xuất và cuộc sống của 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam luôn hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của khách du lịch cả quốc tế và nội địa.
Diễn ra trong 4 ngày từ 13 đến 16/4, VITM Hà Nội 2023 bao gồm nhiều hoạt động xúc tiến du lịch, thông qua các hoạt động gặp gỡ giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp; doanh nghiệp với người tiêu dùng (khách du lịch), hoạt động của các Cơ quan xúc tiến du lịch Việt Nam và Quốc tế. Điểm nhấn của các sự kiện chuyên ngành tại VITM Hà Nội 2023 là Diễn đàn “Phát triển Du lịch Văn hóa Việt Nam” thu hút sự quan tâm của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia du lịch, lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch, các cơ quan quản lý điểm đến và sinh viên các trường du lịch. Hội chợ còn có một số hội nghị giới thiệu điểm đến, toạ đàm, chương trình xúc tiến du lịch quốc tế và nội địa như: Tọa đàm “Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực Du lịch”, Chương trình Giới thiệu Du lịch Indonesia, Đài Loan; Hội nghị giới thiệu, quảng bá du lịch Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh: “Một hành trình - Bốn địa phương - Nhiều trải nghiệm”, Hội nghị “Quảng bá xúc tiến du lịch giữa tỉnh Bình Định và TP Hà Nội”, “Xúc tiến quảng bá du lịch tỉnh Thái Nguyên”, Chương trình Giới thiệu du lịch tỉnh: Kiên Giang, tỉnh Lạng Sơn, tỉnh Lào Cai …
Ước tính, sẽ có hơn 60.000 khách tới tham quan trong 4 ngày diễn ra hội chợ. Hội chợ VITM Hà Nội 2023 có 51 tỉnh thành phố của Việt Nam, 15 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia với 450 gian hàng và 600 đơn vị tham gia gian hàng. Dự kiến VITM Hà Nội 2023 sẽ đón trên 3.000 doanh nghiệp Du lịch Việt Nam và quốc tế đến làm việc. Các doanh nghiệp đã cung cấp hơn 10.000 tour và sản phẩm du lịch khuyến mãi.
Nguồn: Báo Văn Hóa