Doanh nghiệp ngành bán lẻ chịu tác động từ COVID-19 như thế nào?

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:40, 28/01/2021

(VLR) Dù vốn hóa ngành bán lẻ tăng 8% so với đầu năm nhưng theo SSI Research, đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực lên ngành bán lẻ trong năm 2020...

COVID-19 tác động tiêu cực đến ngành bán lẻ

COVID-19 tác động tiêu cực đến ngành bán lẻ

Dù vốn hóa ngành bán lẻ tăng 8% so với đầu năm và tăng 79% từ mức đáy tháng 3, kém hơn VN-Index về mức tăng so với đầu năm (tăng 15% so với đầu năm) nhưng theo đơn vị nghiên cứu của công ty chứng khoán SSI (SSI Research), đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực lên ngành bán lẻ trong năm 2020.

4 yếu tố tiêu cực

COVID-19 tác động tiêu cực đến ngành bán lẻ, theo SSI, được thể hiện qua các yếu tố, (1) chi tiêu cho các sản phẩm không thiết yếu giảm, (2) lượt khách tới cửa hàng giảm, (3) các cửa hàng không thiết yếu bị buộc phải đóng cửa trong thời gian phong tỏa, và (4) gián đoạn chuỗi cung ứng.

Thực tế, Việt Nam đã áp dụng phong tỏa toàn quốc trong vòng 2 tuần hồi tháng 4/2020 nhằm kiểm soát làn sóng đại dịch đầu tiên. Trong tháng 8, một đợt phong tỏa quy mô nhỏ đã được thực hiện tại một số tỉnh, thành phố. Trong những đợt phong tỏa, các cửa hàng không thiết yếu bị bắt phải đóng cửa, bao gồm các cửa hàng trang sức, điện tử tiêu dùng, nhà hàng quán bar,…

Dẫn số liệu của Tổng cục thống kê (GSO), đơn vị nghiên cứu của công ty chứng khoán này cho biết, tổng mức bán lẻ 11 tháng đầu năm 2020 đạt 4,6 triệu tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ - thấp hơn so với mức trung bình 5 năm gần đây khoảng 10-12%.

Còn theo hãng nghiên cứu thị trường Nielsen, tăng trưởng ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) 9 tháng đầu năm 2020 qua kênh truyền thống giảm (-9,4%) so với cùng kỳ và qua kênh hiện đại tăng 6,4% so với cùng kỳ, thấp hơn các mức tăng trưởng tương ứng của năm trước là 3,5% và 17,1%.

Chi tiết hơn, phân tích từ chính các doanh nghiệp có thị phần bán lẻ lớn về sản phẩm công nghệ, SSI Research cho biết đã cộng gộp số liệu của hai nhà bán lẻ điện thoại di động lớn nhất là Thế Giới Di Động (MWG) và FPT Shop (FRT) có thị phần năm 2019 lần lượt là 48% và 18% để đưa ra mức dự báo cho nhu cầu đối với điện thoại di động tới quý 3.

Theo đó, ước tính doanh thu mặt hàng điện thoại 9 tháng đầu năm 2020 đã giảm khoảng 15% so với cùng kỳ. Đây có thể được xem là một "chỉ số tiêu cực" mà đại dịch Covid-19 mang lại.

Thậm chí, theo số liệu của MWG và FRT bao gồm cả laptop – mặt hàng được hưởng lợi với mức tăng trưởng tốt trong thời gian diễn ra đại dịch. Như vậy, nếu loại bỏ laptop, doanh thu của riêng mặt hàng điện thoại tại Việt Nam có thể đã giảm nhiều hơn con số -15% so với cùng kỳ.

Hay với mặt hàng trang sức nhu cầu vẫn còn kém. Doanh số trang sức tiếp tục giảm khoảng 50% so với cùng kỳ trong quý 3 (quý 1: - 16%, quý 2: -65%), theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC). Doanh thu bán buôn của PNJ đi theo diễn biến ngành, giảm -37,3% so với cùng kỳ trong quý 3 về giá trị (quý 1: -16,5%, quý 2: -22,7%).

Đánh giá về thị trường bán lẻ trong năm 2020, Tổng cục Thống kê cho rằng, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong những tháng đầu năm làm nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân giảm, nhiều doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và một bộ phận lao động phải nghỉ việc không lương nên nhìn chung chi tiêu của người dân phải tiết kiệm hơn để vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tuy vậy, theo Tổng cục Thống kê, khi dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, sức mua trên thị trường bắt đầu có nhiều dấu hiệu hồi phục, một số mặt hàng thiết yếu tăng cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

XU HƯỚNG DỊCH CHUYỂN TỪ OFFLINE LÊN ONLINE

Cũng theo đơn vị nghiên cứu SSI Research, một phương thức thích nghi với với đại dịch COVID-19 là xu hướng chuyển dịch từ mua hàng offline sang online.

SSI Research dẫn chứng, tổng doanh thu thương mại điện tử tại Việt Nam ước tăng 16% so với cùng kỳ lên 14 tỷ USD năm 2020, theo e-Conomy SEA. Tất nhiên con số 14 tỷ USD chưa được kiểm chứng về tính chính xác, khi cao hơn rất nhiều so với số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) rằng quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 chỉ là 11,8 tỷ USD.

Xét theo loại hàng, thực phẩm và tạp hóa ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2015-2020, được phản ánh qua mức tăng tỷ trọng ấn tượng trong tổng doanh thu thương mại điện tử (từ 4% năm 2015 lên 11% năm 2020). Do loại hàng này có giá trị thấp, và không yêu cầu dịch vụ hậu mãi, nên xu hướng chuyển dịch từ tiêu dùng offline sang online khá rõ ràng.

Tiếp tục dẫn chứng cho xu hướng "offline lên online", SSI Research cho biết, mặc dù kênh trực tuyến đóng góp khá khiêm tốn trong tổng doanh thu của PNJ, bán hàng online vẫn là xu hướng không thể chối bỏ. Cụ thể như PNJ đã nâng cấp website nhằm cải thiện tương tác với khách hàng, và đưa mảng kinh doanh trang sức bạc (PNJ Silver) lên một số kênh thương mại điện tử như Shopee và VNShop.

Và thậm chí, mặc dù kênh trực tuyến và thương mại điện tử không thực sự phù hợp với sản phẩm trang sức vàng, kênh trực tuyến vẫn đóng vai trò quan trọng giúp PNJ giao tiếp với khách hàng của mình.

Hay thị phần điện tử tiêu dùng của MWG đã tăng từ mức 38% năm 2019 lên 40% 6 tháng đầu năm 2020.

Tất nhiên, xu hướng mua hàng online mới chủ yếu phổ biến ở khu vực thành thị, nơi có nhiều bên thứ ba cung cấp dịch vụ vận chuyển. Trong khi đó, do dịch vụ vận chuyển qua bên thứ ba khá hạn chế tại khu vực nông thôn, thì người tiêu dùng tại đây vẫn ưu tiên mua sắm tại cửa hàng.

Ngược lại, cũng theo SSI Research, mặc dù xu hướng offline đang chuyển dịch lên online nhưng không phù hợp với tất cả các mặt hàng, đặc biệt với một số sản phẩm nhất định, kênh bán hàng online khó có thể thay thế được kênh bán hàng offline.

Ví như sản phẩm giá trị cao và khách hàng cần phải kiểm tra hàng trước khi mua hoặc cần vay tiền để mua, hay các sản phẩm yêu cầu lắp đặt tại chỗ hoặc dịch vụ hậu mãi. Điện thoại phân khúc cao cấp, điện tử tiêu dùng, và trang sức vàng cũng là những sản phẩm như vậy.

VnEconomy