Tết Nguyên đán 2021: Không để khan hàng, “sốt” giá

Thời sự - Logistics - Ngày đăng : 08:50, 26/01/2021

(VLR) Bên cạnh chuẩn bị nguồn cung hàng hóa thiết yếu với lượng tăng trung bình từ 7 - 22% so với kế hoạch Tết 2020, các doanh nghiệp (DN) phân phối cũng xây dựng chương trình khuyến mại, kế hoạch bán hàng online nhằm đáp ứng yêu cầu nhanh nhất cho người tiêu dùng, không để xảy ra tình trạng khan hàng, “sốt” giá dịp Tết Nguyên đán 2021.

Hàng hóa phong phú chuẩn bị cho dịp Tết

Hàng hóa phong phú chuẩn bị cho dịp Tết

Hàng hóa đã sẵn sàng

Nhu cầu mua sắm dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng 3 - 20% theo từng nhóm hàng. Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và theo chỉ đạo của cơ quan quản lý, các DN bán lẻ lớn đã lên kế hoạch dự trữ nhiều mặt hàng thiết yếu từ trước đó nhiều tháng. Hiện, hàng hóa đã về đến kho, sẵn sàng phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

Để chuẩn bị tốt nguồn hàng phục vụ Tết, từ giữa năm 2020, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã phối hợp với các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp chuẩn bị kế hoạch tăng lượng hàng thiết yếu lên từ 2 lần. Đến thời điểm này, đã chuẩn bị xong lượng hàng hóa thiết yếu lớn, có thể phục vụ trong 3 tháng trước, trong và sau Tết Tân Sửu với tổng giá trị lên đến gần 5.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2019.

Trong khi đó, theo Phó Tổng giám đốc thường trực Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Đỗ Tuệ Tâm, ngoài nhóm mặt hàng đăng ký theo chương trình bình ổn thị trường, dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, tổng công ty còn dự trữ thêm các nhóm mặt hàng với tổng lượng dự trữ ước đạt gần 1.000 tỷ đồng. Trong đó, hàng Việt Nam chiếm 80% lượng hàng hóa bán tại hệ thống siêu thị trong dịp Tết này. Nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán, bà Nguyễn Ngọc Dung - Giám đốc Vận hành VinMart toàn quốc - thông tin, DN chủ động nhập khẩu một số loại hàng hóa cao cấp phù hợp với nhu cầu của người dân trong dịp Tết. Tuy nhiên, với tiêu chí “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”, tỷ trọng hàng Việt vẫn chiếm trên 90% tỷ lệ hàng hóa dự trữ.

Thực tế cho thấy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thói quen của người tiêu dùng đã thay đổi từ mua sắm trực tiếp sang online. Để kích cầu sức mua của người tiêu dùng, Hapro đã phối hợp với Công ty TNHH bán lẻ BRG đẩy mạnh triển khai hình thức mua sắm trực tuyến qua App BRG Shopping, fanpage, hotline, thẻ khách hàng thân thiết BRG Elite. Tương tự, siêu thị Co.opmart đã đẩy mạnh triển khai mua sắm online, wesbite...

Đẩy mạnh bán hàng online

Các DN phân phối cũng đẩy mạnh chương trình khuyến mại, áp dụng giảm giá hàng Tết sớm, giúp người tiêu dùng mua sắm tiết kiệm và không bị dồn áp lực. Trung tâm thương mại, siêu thị cũng sẽ tăng giờ hoạt động thêm 3 - 4 giờ mỗi ngày, cửa hàng tiện lợi tăng 2 - 3 giờ. Đồng thời, tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm nhằm đảm bảo Tết an toàn cho người dân.

Để bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương cũng đã có công văn đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, đề xuất giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến. Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, Bộ cũng đề nghị Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị chức năng theo dõi sát tình hình sản xuất, chủ động hoặc đề xuất phương án để bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường, chủ động có phương án nhập khẩu nếu cần thiết...

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương): DN phải thực hiện đúng theo cam kết về bình ổn thị trường, thực hiện đúng giờ bán hàng, giờ mở cửa, các chương trình khuyến mại sâu rộng kích cầu tiêu dùng dịp Tết, điều chỉnh phương thức bán hàng, kết hợp bán hàng trực tiếp với online cũng như vận chuyển, thanh toán.

Báo Công Thương